4 lý do vì sao bạn không nên nâng cấp điện thoại mỗi năm

Ngày 17/02/2025 18:17 PM (GMT+7)

(PLO)- Trong thời đại công nghệ phát triển, việc nâng cấp điện thoại thông minh hàng năm đã trở thành một thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, liệu việc này có thực sự cần thiết?

1. Nâng cấp không đáng kể

Đã qua rồi cái thời mà điện thoại thông minh tạo ra những bước nhảy vọt về thiết kế, hiệu suất, thời lượng pin, phần cứng camera và chất lượng màn hình.

Trong vài năm gần đây, những thay đổi về thiết kế hàng năm là rất ít. Lấy ví dụ về dòng Samsung Galaxy S, từ S23 Ultra lên S24 Ultra, sự khác biệt chủ yếu đến từ thiết kế vuông vức hơn một chút và một số tinh chỉnh nhỏ về phần mềm. Ngay cả các dòng điện thoại màn hình gập cũng không có nhiều thay đổi lớn. Nếu đặt Galaxy Z Fold 4, Z Fold 5 và Z Fold 6 cạnh nhau, bạn sẽ thấy chúng gần như giống hệt nhau.

Về hiệu suất, những con chip mới như Snapdragon 8 Gen 3 mạnh mẽ hơn thế hệ trước, nhưng liệu bạn có thực sự nhận ra sự khác biệt khi sử dụng hằng ngày? Trên thực tế, các flagship hiện nay đã đủ mạnh để xử lý mọi tác vụ một cách mượt mà. Cải tiến về màn hình hay camera cũng không còn đáng kể.

Các hãng có thể nâng cấp tốc độ làm mới màn hình từ 120 Hz lên 144 Hz hoặc tăng độ sáng lên một chút, nhưng trải nghiệm thực tế không khác biệt quá nhiều so với một thiết bị ra mắt hai năm trước.

Những mẫu điện thoại cao cấp mới không có nhiều thay đổi so với thế hệ trước. Ảnh: TIỂU MINH

Những mẫu điện thoại cao cấp mới không có nhiều thay đổi so với thế hệ trước. Ảnh: TIỂU MINH

2. Điện thoại thông minh ngày càng mắc

Có một sự thật không thể phủ nhận là giá điện thoại thông minh ngày càng tăng cao.

Cách đây 10 năm, bạn có thể sở hữu chiếc flagship như Nexus 6P với giá khoảng 500 USD. Ngay cả Galaxy S6 Edge, một trong những smartphone cao cấp nhất thời điểm đó cũng chỉ có giá khởi điểm 700 USD. Nhưng đến năm 2025, mức giá này chỉ còn dành cho các mẫu điện thoại tầm trung.

Nếu muốn mua một chiếc flagship như Galaxy S24 Ultra hoặc iPhone 16 Pro Max, bạn phải bỏ ra ít nhất 1.200 USD, trong khi các mẫu điện thoại màn hình gập thậm chí có giá trên 1.500 USD.

Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu bạn có sẵn sàng bỏ ra hơn 1.000 USD mỗi năm chỉ để sở hữu một thiết bị không quá khác biệt so với mẫu điện thoại hiện tại của mình?

Hơn nữa, nếu bạn thực sự cần một chiếc điện thoại mới, thay vì mua một flagship đời mới nhất, hãy cân nhắc các model ra mắt cách đây một hoặc hai năm. Chúng vẫn có hiệu năng mạnh mẽ, camera chất lượng cao, nhưng giá lại rẻ hơn đáng kể.

Giá điện thoại ngày càng cao. Ảnh: TIỂU MINH

Giá điện thoại ngày càng cao. Ảnh: TIỂU MINH

3. Các mẫu điện thoại cao cấp hiện đại được hỗ trợ phần mềm lâu dài

Một trong những lý do khiến người dùng Android trước đây buộc phải nâng cấp thường xuyên là thời gian hỗ trợ cập nhật phần mềm ngắn. Cách đây một thập kỷ, hầu hết các hãng chỉ cam kết hai năm cập nhật hệ điều hành, khiến nhiều người phải đổi máy sớm nếu muốn có tính năng mới.

Tuy nhiên, vấn đề này giờ đã thay đổi. Hiện tại, Google và Samsung cam kết hỗ trợ cập nhật phần mềm lên đến 7 năm cho các thiết bị flagship của họ. Các thương hiệu khác như OnePlus cũng đã nâng thời gian hỗ trợ lên 4-5 năm.

Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng điện thoại lâu hơn mà không lo lỗi thời. Ngay cả iPhone, vốn nổi tiếng với thời gian cập nhật dài, giờ đây cũng không còn quá vượt trội so với các hãng Android về mặt này.

Với thời gian hỗ trợ cập nhật lâu dài, việc nâng cấp hàng năm đã trở nên không cần thiết. Bạn có thể giữ điện thoại của mình ít nhất 3-4 năm mà vẫn nhận được các bản cập nhật bảo mật và tính năng mới.

4 lý do vì sao bạn không nên nâng cấp điện thoại mỗi năm - 3

4. Thiếu sự đổi mới đột phá

Lần cuối cùng bạn cảm thấy một chiếc điện thoại mới thực sự mang tính cách mạng là khi nào?

Mặc dù smartphone có thể gập được xem là một bước tiến lớn, nhưng chúng vẫn còn nhiều nhược điểm như độ bền kém và giá quá cao. Ngoài ra, các hãng ngày càng tập trung vào những tính năng phần mềm thay vì nâng cấp phần cứng.

Ví dụ, thay vì tăng số megapixel của camera lên 200 MP, các hãng có thể cải tiến cảm biến để tăng kích thước pixel, giúp ảnh đẹp hơn trong điều kiện thiếu sáng. Hoặc thay vì tập trung vào AI để xử lý ảnh, họ có thể phát triển công nghệ pin graphene để tăng tuổi thọ pin, một yếu tố mà người dùng quan tâm hơn.

Thực tế cho thấy các công ty đang chọn con đường dễ dàng hơn, tập trung vào tiếp thị những tính năng AI mới mẻ mà không thực sự cải thiện trải nghiệm cốt lõi của người dùng. Điều này khiến smartphone ngày càng kém hấp dẫn và ít có lý do để nâng cấp hàng năm.

Người dùng chỉ nên nâng cấp điện thoại sau mỗi 3 năm. Ảnh: TIỂU MINH

Người dùng chỉ nên nâng cấp điện thoại sau mỗi 3 năm. Ảnh: TIỂU MINH

Nhìn chung, việc nâng cấp điện thoại hàng năm giờ đây không còn cần thiết, trừ khi bạn thực sự cần một tính năng mới quan trọng hoặc điện thoại của bạn đã xuống cấp. Với những cải tiến nhỏ giọt qua từng thế hệ, giá thành ngày càng cao và thời gian hỗ trợ phần mềm dài hơn, việc giữ một chiếc điện thoại ít nhất 3 năm là lựa chọn bạn nên cân nhắc.

7 mẫu iPhone có cấu hình mạnh không kém mẫu mới, bỏ ra gần 10 triệu cũng có ngay sản phẩm chính hãng
Nhiều người dùng hiện đang băn khoăn về việc với mức giá 10 triệu đồng, họ có thể sở hữu mẫu iPhone nào. Bài viết này sẽ giới thiệu một số mẫu iPhone...

Women Tech

Theo Tiểu Minh
Nguồn: [Tên nguồn]17/02/2025 11:11 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Women Tech