Không nhiều loài động vật có làn da hoặc lông màu hồng tự nhiên. Phần lớn đều là sản phẩm của đột biến gen khiến chúng trở nên đặc biệt trong mắt mọi người.
Những loài động vật màu hồng được phát hiện đều rất quý hiếm và có số lượng ngày càng giảm sút theo thời gian. Màu hồng độc lạ trên cơ thể những con vật này đã khiến chúng trở nên đáng yêu hơn bao giờ hết.
Cá heo
Đầu tiên phải kể đến loài cá heo thân thiện, khi toàn thân bao phủ một màu hồng phấn, trông chúng càng dễ thương hơn. Theo các nhà khoa học, màu hồng của cá heo xuất hiện trên da là do bệnh bạch tạng, nhưng căn bệnh này cực kỳ hiếm khi xảy ra ở cá heo.
Chiều dài của một con cá heo hồng trưởng thành là từ 2 - 3,5 mét và của con non là khoảng 1 mét, trọng lượng trung bình khoảng 150 - 230 kg.
Đã không ít lần con người phát hiện cá heo hồng tung tăng bơi lội. Ví dụ như hồ Calcasieu, nước Mỹ từng xuất hiện chú cá heo hồng với đôi mắt đỏ đặc biệt. Hay chú cá heo hồng từ mắt đến da được phát hiện ở vịnh Mexico cũng gây xôn xao trong giới khoa học. Tại Thái Lan, một cặp cá heo hồng bất ngờ xuất hiện trở lại tại vùng biển thuộc công viên quốc gia Ao Phang Nga cũng gây chú ý.
Cách đây không lâu, một đoạn clip ghi lại hình ảnh cá heo hồng đang tung tăng ở bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng khiến ai nấy đều thích thú. Hiệp hội bảo tồn cá voi và cá heo đã kêu gọi mọi người tôn trọng và chỉ được quan sát từ xa, không nên rượt đuổi chú cá đặc biệt này.
Chim hồng hạc
Một trong những loài động vật hiếm hoi có màu hồng tự nhiên là chim hạc. Hồng hạc là loài chim nước thuộc họ Phoenicopteridae, chúng sống ở cả Tây bán cầu và Đông bán cầu, nhưng sống ở Tây bán cầu nhiều hơn.
Khi mới sinh ra, những bé hạc có lông màu trắng, đến lúc trưởng thành sẽ mang màu lông hồng rất đẹp. Sau này, tùy vào nguồn thức ăn mà bộ lông sẽ chuyển thành màu hồng nhạt, cam hoặc đỏ thẫm.
Chim hồng hạc có đặc điểm đặc biệt là thích đứng một chân đã làm nhiều nhà khoa học khó hiểu. Sau khi nghiên cứu một số nhà khoa học đoán hồng hạc đứng một chân để giữ sức và lưu thông máu tốt hơn.
"Khủng long 6 sừng"
Loài kỳ nhông Axolotl (Ambystoma mexicanum) là một loài lưỡng cư xuất xứ từ Mexico. Chúng có hình thù kỳ quái với 6 mang, 4 chân và mang trên mình màu hồng xinh xắn. Chính vì thế khi về Việt Nam, dân chơi cá cảnh gọi với cái tên “khủng long 6 sừng”.
Axolotl cũng có họ hàng với loại kỳ nhông hổ nên còn có tên gọi khác là “kỳ nhông nước”. Loại kỳ nhông Axolotl sống chủ yếu ở nước ngọt, nó có 4 chiếc chân ngắn và mập mạp để di chuyển dưới đáy hồ và chiếc đuôi dày để bơi như những con cá sấu.
Loài ếch hồng
Ếch màu hồng là loài lưỡng cư vô cùng quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nó đã được các nhà khoa học Panama tìm ra vào năm 2008 tại vùng El Valle và Campana – phía Tây thủ đô Panama.
Loài ếch này có màu da hồng rất nổi bật, cơ thể dài khoảng 22cm. Tuy nhiên trên lớp da hồng ấn tượng của loài ếch này có chứa một số loại nấm độc ngăn cản sự hô hấp qua da. Các nhà nghiên cứu giải thích, màu hồng của loài ếch này là do biến dị sắc tố khiến chúng trở nên nổi bật giữa cỏ cây.
Cự đà hồng
Cự đà hồng Galapagos được phát hiện đầu tiên vào năm 1986. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng đây là 1 chú cự đà có vấn đề về da, tuy nhiên sau khi tìm hiểu kỹ lại đưa ra kết luận màu hồng là màu da tự nhiên của loài động vật này.
Những con cự đà hồng Galapagos bị thiếu sắc tố đến mức có thể nhìn thấy máu chảy dưới da. Chúng sống chủ yếu ở quần đảo Galapagos thuộc Thái Bình Dương, được các tổ chức môi trường tuyên bố là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn chưa đầy 200 cá thể trong tự nhiên.
Châu chấu
Loài châu chấu đặc biệt này có tên là Katydid, thuộc họ muỗm. Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học, màu hồng của loài châu chấu này được tạo nên do chế độ ăn uống của nó. Một số ý kiến khác lại cho rằng, loài châu chấu có màu hồng là do thiếu một tế bào sắc tố nhất định nào đó.
Cũng có nhiều khả năng những con châu chấu này mắc bệnh bạch tạng. Với cơ thể như vậy chúng có thể gặp nguy hiểm vì dễ bị phát hiện khi trú dưới lá cây. Tuy nhiên, màu hồng khác lạ giúp châu chấu Katydid có thể ngụy trang dưới những cây màu đỏ hay màu hồng.
Chuồn chuồn
Chuồn chuồn Roseate (Orthemis ferruginea) có màu hồng hết sức đặc biệt sống nhiều ở khu vực châu Mỹ. Chúng có chiều dài cơ thể khoảng 46-55 mm. Toàn bộ thân của loài chuồn chuồn này có màu chủ đạo là hồng và tím sẫm.
Kỳ lạ hơn là màu hồng chỉ có ở những con đực và đậm màu hơn khi chúng trẻ. Càng đến tuổi trưởng thành, màu hồng của chúng sẽ chuyển dần sang màu xanh. Đây có thể là một cách giúp chuồn chuồn đực khoe mẽ thu hút bạn tình.
Đom đóm
Đom đóm hay bọ phát sáng là những loài côn trùng cánh cứng nhỏ được gọi chung là họ Đom đóm (Lampyridae) có khả năng phát quang. Thông thường chúng sẽ có mà xám hoặc đen.
Tuy nhiên, có một loài đom đóm hồng California (Microphotus angustus) đặc biệt được ghi nhận ở Tây Nam Hoa Kỳ và Mexico. Cá thể cái của loài này không có cánh, thân hình thon dài giống như con sâu màu hồng, sẽ có thêm các đốm đen theo thời gian.
Đây đều là những loài vật có màu hồng đặc biệt trên cơ thể, thuộc nhóm động vật hiếm gặp. Theo các nhà khoa học, chúng cần được bảo tồn và phát triển.