An Giang: Về đồng ăn cá...liệu rồi mai này chỉ còn là ký ức đẹp?!

Ngày 17/10/2019 11:51 AM (GMT+7)

Sinh ra ở vùng đất mỗi năm có mấy tháng nước lên, tuổi thơ tôi gắn liền với những bữa cơm cá “chén to, kho mặn” chân chất của ruộng đồng. Bây giờ, mùa nước nổi không còn như trước, nhưng ký ức cá đồng vẫn còn sống mãi theo thời gian, trở thành một phần ký ức của tôi nơi chốn quê nghèo.

Ký ức…

“Tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Câu nói của ông bà xưa cứ như “đóng đinh” cho chu kỳ của mùa nước nổi hàng năm. Lúc ấy, bờ ruộng chìm dưới mặt nước mênh mông, chỉ còn lại mấy chiếc xuồng bắt đầu giăng lưới, giăng câu kiếm cá.

Vào những tháng 7 xa xôi đó, gia đình tôi chỉ cần lo gạo nấu cơm chứ không phải đi chợ bởi đã có con cua, con cá từ mùa lũ. Mẹ mua cho ba mấy tay lưới để giăng ngay trên phần đất nhà, khi đó nước đã ngập tới bụng người lớn. Cá sặc dính lai rai. Thỉnh thoảng có vài con cá linh, cá chốt cũng mắc lưới. Ấy thế là có ngay chảo cá kho hủn hỉn!

An Giang: Về đồng ăn cá...liệu rồi mai này chỉ còn là ký ức đẹp?! - 1

Chiều. Ba ra rặng điên điển hái mớ bông về cho mẹ nấu canh chua. Mấy cọng bông súng “ma”, nắm rau muống với vài con cá linh cũng đủ trở thành nồi canh chua thấm vào nỗi nhớ. Bao giờ cũng thế, mâm cơm chiều bên mái lá "liêu xiêu" ngày ấy tuy đạm bạc, đơn sơ nhưng cũng đủ cho anh em tôi no bụng, ấm lòng.

Hồi ấy, cá đồng tuy không còn nhiều tới mức “tính bằng giạ” nhưng vẫn dư dả. Gia đình nào chịu khó lặn lội chút là có cá ăn. Ngày bắt cá theo ngày, đêm kiếm cá theo đêm. Mấy chú trong xóm cứ hay rủ ba đi chài cá về nấu cháo ăn chơi.

Cũng là cá hủn hỉn nhưng nồi cháo thì ngon phải biết! Hồi tôi còn nhỏ, quà vặt khan hiếm nên buổi tối được thêm chén cháo cá đã là “nhất xứ” rồi. Mùa nước nổi năm nào gia đình tôi cũng lặp lại cái “điệp khúc” ấy đến mức nó thành thói quen và khắc sâu vào ký ức.

Tháng 9 (âm lịch), nước phân đồng. Người ta bắt được nhiều cá hơn. Đó cũng là lúc mẹ tôi, dì tôi mua cá ủ để nấu nước mắm đồng. Hũ mắm năm trước nấu chưa hết đã ủ tiếp hũ mắm năm này. Mà nước mắm đồng thì ngon “bá cháy”.

Thích nhất là chảo nước mắm kho quẹt của mẹ. Mỗi lần bắt được mùi thơm kho quẹt là y như rằng cái bụng tôi "đánh trống". Con nít thời tôi lớn lên bằng nhịp sống bình lặng với mùa nước nổi và hình ảnh những con cá đồng “ngoe nguẩy” bơi dưới khoang xuồng.

 …và hiện tại

Giờ đây, con cá đồng trở nên khan hiếm. Ở chợ, cá đồng có giá khá cao so với cá nuôi dù ngay trong mùa nước nổi. Muốn thưởng thức cảm giác ăn cá đồng theo kiểu dân dã nhất, người ta buộc phải về những vùng còn lũ hay lên xứ đầu nguồn An Phú, Tân Châu.

Mấy năm nay, chu kỳ lũ diễn biến bất thường nên sản lượng cá đồng theo đó giảm xuống. Vốn là người hay đi, tôi có dịp được thưởng thức cá đồng ở khu vực đập tràn Tha La, Trà Sư (Tịnh Biên) trong mùa nước nổi. Nơi đây nổi lên là điểm hẹn của cá đồng bởi những quán ăn chuyên phục vụ loại đặc sản này.

An Giang: Về đồng ăn cá...liệu rồi mai này chỉ còn là ký ức đẹp?! - 2

Cá đồng đã trở thành đặc sản của miền Tây

Du khách đến từ khắp nơi, cả TP. Hồ Chí Minh lẫn TP. Cần Thơ và nhiều nhất là dân trong tỉnh. Họ thích được đắm chìm trong cái thoáng đãng, mênh mông của đồng lũ và thưởng thức món cá nướng gói bánh tráng, ăn kèm rau sống đậm chân quê.

Có người vừa ngồi trong quán, vừa buông câu theo kiểu “Khương Tử Nha chờ thời”, khi nào cá ăn câu thì giật lên rồi cười khoái chí. Nếu cá không ăn câu thì họ ăn cá do quán phục vụ đã nằm sẵn trên bàn. Chủ của mấy quán cá đồng này hiểu ý thực khách, họ đặt cá của dân câu lưới địa phương hoặc ra chợ cá đồng Tha La từ tờ mờ sáng để mua về. Do đó, thực khách có thể yên tâm thưởng thức những con cá đồng tươi ngon.

An Giang: Về đồng ăn cá...liệu rồi mai này chỉ còn là ký ức đẹp?! - 3

Tuy có đến những quán ăn này nhưng tôi vẫn thích thưởng thức cá đồng theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Trong lần lên vùng đầu nguồn Phú Lộc (TX. Tân Châu), tôi được người bạn học đãi một bữa cá nướng ra trò. Bếp than liu riu lửa, một rổ rau sống, mấy con cá linh, cá lăng cuối mùa nước nằm trên vỉ nướng bay mùi thơm dân dã.

Tôi gắp một miếng cá chấm vào chén nước mắm me rồi cho vào miệng để cảm nhận cái vị ngọt của mùa lũ, của tình người nơi xứ đầu nguồn. Người bạn của tôi thật tình: “Đến mùa nước cứ lên chơi, cá mắm trên này cũng còn khá nên sẵn lòng đón bạn. Dân miền Tây tụi mình đâu có gì, ngoài mấy con cá đồng với tấm lòng chân chất đối đãi với nhau”.

Mùa nước năm nay, tôi không lên thăm bạn được nhưng hương vị cá đồng vẫn còn ăm ắp trong nỗi nhớ. Bây giờ, con nước đã bắt đầu rút và cũng sắp đến mùa cá ra sông. Khi ấy, những ai yêu thích ẩm thực miền Tây hẳn sẽ cố gắng làm một chuyến về vùng lũ để tận hưởng những món ngon từ các loại cá đồng!

Những con sâu tre khiến nhiều người rùng mình nhưng chế biến xong lại béo ngậy, giòn tan
Sâu tre được coi là món ăn đặc sản của người dân vùng cao Thanh Hóa bởi độ thơm ngon, béo ngậy, giòn tan mà ít món nào sánh được.

Đặc sản 4 phương

Theo Theo Thanh Tiến (Báo An Giang)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lạ độc vui