Được đề cử tại 121 hạng mục và chiến thắng 17 giải thưởng điện ảnh khác nhau, “Captain Phillips” thực sự là một tác phẩm điện ảnh khiến người xem phải suy ngẫm.
Captain Phillips là một hành trình qua nhiều cung bậc cảm xúc, được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về vụ cướp tàu chở hàng Maersk Alabama của Mỹ do một nhóm cướp biển người Somali thực hiện vào năm 2009. Điều đáng nói là, Maersk Alabama là con tàu chở hàng đầu tiên của Mỹ bị cướp trong 200 năm trở lại đây. Thông qua góc nhìn của đạo diễn Paul Greengrass, các nhân vật và câu chuyện của họ đan cài vào nhau một cách phức tạp, khiến người xem không chỉ lạc giữa các sự kiện, mà còn lạc lối trong mê cung cảm xúc của chính mình.
Poster phim "Captain Phillips"
Phim chủ đích xây dựng nên mối xung đột không thể hoà giải giữa hai nhân vật “thuyền trưởng”. Phía bên này là thuyền trưởng Phillips và phía bên kia là “Captain”. Một người điều khiển con tàu chở hàng to lớn, đủ đầy và an toàn trong khi người kia cầm đầu một toán cướp biển hung hăng đói khát lái chiếc ca nô cũ kĩ hoen rỉ giữa biển khơi. Họ giống như hai phần tách rời của cùng một thế giới, có thể có những lúc ngồi lại gần nhau, nhưng không bao giờ có được tiếng nói chung. Thuyền trưởng Phillips đến từ một thế giới văn minh, nơi ông được chăm sóc đầy đủ về mọi mặt của đời sống, ông nghĩ nhiều về lòng nhân đạo, về tình yêu thương con người và một giải pháp ôn hoà để bàn tay mình không dính máu; trong khi “Captain” lớn lên giữa đói khát và tuyệt vọng, lại quan tâm nhiều hơn đến tiền bạc và những giá trị quy đổi được bằng tiền. Gã sẵn sàng chết, vì vốn dĩ cuộc đời hắn từ rất lâu rồi đã đơn thuần chỉ là một sự tồn tại. Tiền, hoặc nhiều tiền hơn nữa.
Nam diễn viên Barkhad Abdi nhận giải thưởng BAFTA cho vai phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong “Captain Phillips”
Một điểm khiến Captain Phillips được đánh giá cao đó là góc nhìn rất nhân văn đối với thân phận từng con người. Họ có thể là kẻ ác, họ đã phạm sai lầm, nhưng họ xứng đáng được lắng nghe. Nhóm cướp biển hung hãn thực ra chỉ là những ngư dân không thể ra biển đánh cá vì cá của họ đã bị các tàu nước ngoài khai thác hết. “Đói ăn vụng, túng làm càn”, họ gia nhập toán cướp biển, hung hãn tấn công, hung hãn phá phách, để rồi cuối cùng trở thành những con tốt thí cho những kẻ hung hãn, tàn bạo, và có lẽ cả thông minh hơn họ. Họ trở thành những kẻ bị bỏ rơi bởi chính bầy đàn của mình, đơn độc, không biết làm gì khác ngoài nhắm mắt bước về phía trước với niềm tin vô vọng. “Phải có gì đó ngoài đánh cá và cướp biển chứ?” – Thuyền trường Phillips hỏi họ, nhưng có lẽ chính ông cũng phần nào đoán biết được câu trả lời.
Thuyền trưởng Phillips trong bộ phim này cũng là một nhân vật đắt giá. Ông thông minh và nhân từ, hẳn nhiên, nhưng trên tất cả, chúng ta còn thấy được ở ông một sức chịu đựng phi thường. Suốt cả bộ phim, ta thấy ông bình tĩnh một cách kì lạ, dường như cái chết cận kề, không gian tù túng trong chiếc thuyền cứu hộ hay việc bị đánh đập và mạt sát không thể làm ông tổn thương dù trong phút chốc. Quả là một người đàn ông với ý chí kiên cường. Nhưng trong những giờ phút cận kề cái chết, chỉ bằng một lá thư không thể viết, người đàn ông ấy quỵ ngã. Gia đình là tất cả đối với ông, là yếu điểm duy nhất đối với người đàn ông ấy. Nỗi sợ hãi khi không thể nhắn nhủ những lời yêu thương cuối cùng đã làm ông hoảng loạn, và sau đó là tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng dẫn dắt ông tới chỗ, lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong cả bộ phim, đánh trả đám cướp biển. Người đàn ông ấy đang chiến đấu để bảo vệ điều thiêng liêng nhất của cuộc đời, điều mà ông phải sống để bảo vệ. Người xem có thêm một vị anh hùng người trần mắt thịt, còn Tom Hanks lại có thêm một màn trình diễn xuất sắc nữa trong sự nghiệp của mình.
Tom Hanks trong vai thuyền trưởng Phillips
Bộ phim cứ diễn ra, một cách công bằng và tàn nhẫn. Dù thuyền trưởng Phillips có cố gắng đến mức nào đi nữa để cứu mình, và cứu cả những người đang đe doạ cướp đi mạng sống của ông, thì cố gắng của ông đến phút sau cùng vẫn là vô vọng. Chúng ta không thể cứu một ai đó khi họ không muốn tự cứu mình. Có lẽ đó là điều còn đọng lại sau cùng vào khoảnh khắc khi thuyền trưởng Phillips đã an toàn trên tàu cứu hộ, run rẩy và khóc. Những giọt nước mắt mừng vui, những giọt nước mắt của sự sợ hãi và kiệt sức khi đồng thời cả thể xác và tinh thần phải trải qua một sự thử thách quá sức chịu đựng. Nhưng có lẽ bên trong đó còn cả những giọt nước mắt bất lực khóc cho những tên cướp biển giờ chỉ còn là những cái xác không hồn. Cái chết là cái giá mà họ phải trả cho những tội ác mình đã gây nên. Nhưng lý do gì đã thúc ép họ đến bước đường cùng, là nghèo đói, là lòng tham, hay cuộc sống đủ đầy những người ở thế giới của thuyền trưởng Phillips đã dồn ép họ tới lựa chọn đó? Cả thuyền trưởng Phillips, và những người đã chết trong chiếc thuyền cứu sinh kia đều không thể trả lời, cũng như chính những khán giả sau khi bộ phim kết thúc bị bỏ lại với “điều sau cùng” đầy day dứt.
Bao nhiêu là đủ với những con người này?
Vậy cuối cùng, bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu là đủ để một ai đó thấy thoả mãn, họ cần bao nhiêu là đủ, dừng lại ở bao nhiêu là vừa, và cần bao nhiêu cái chết như vậy nữa thì thế giới này sẽ nhìn nhận lại cái được gọi là “công bằng”.
Ở một khía cạnh nào đấy, Captain Phillips dường như mang hơi hướm của một cuộc “tiếp thị nội dung” cho hải quân Hoa Kỳ (nhưng tinh tế hơn cái cách người Mỹ đã làm với Battleship), nhưng dù gì đi nữa, đây vẫn là một bộ phim xuất sắc về cả phương diện hình ảnh lẫn nội dung. Mượn câu chuyện có thật về một vụ cướp trên biển, Captain Phillips ẩn chứa trong nó những câu hỏi mà không phải bất cứ ai cũng chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra câu trả lời.