Nếu bạn đang băn khoăn không biết đi đâu quanh Hà Nội trong ngày cuối tuần thì có thể tham khảo chuyến phượt dọc sông Hồng dưới đây!
Đồng bằng châu thổ sông Hồng từ lâu đã nổi tiếng là mảnh đất trù phú, địa hình đa dạng, bao gồm cả núi, đồng bằng, sông nước. Cũng vì thế, văn hóa lịch sử, kiến trúc, ẩm thực nơi đây rất đặc sắc, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Vậy thì… một chuyến du lịch về miền quê Bắc Bộ chắc chắn sẽ rất thú vị đấy nhé!
Thăm đền Chử Đồng Tử với câu chuyện cùng nàng công chúa Tiên Dung
Hãy khởi hành từ sáng sớm, khoảng 7h - 8h để có nhiều thời gian du ngoạn hơn. Chỉ khoảng 40 phút chạy xe, bạn đã có mặt ở điểm dừng chân đầu tiên là khu đền Chử Đồng Tử. Địa danh này gần chùa Mễ Sở với pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay uy nghi được đặt trên cao.
Đền Chử Đồng Tử nằm ngay bên bờ sông Hồng. Đường dẫn vào đền là hai hàng cây tỏa bóng mát cho các bà, các chị ngồi bán những món quà quê. Ở đây, bạn có thể mua dăm ba chiếc bánh đa, gói nụ vối, long nhãn về làm quà. Dừng chân ở hàng nước sát bờ sông, nhâm nhi tách chè quê, ngắm phong cảnh cũng là một trải nghiệm thú vị.
Khu đền này được dân gian gọi là Đền thờ Tình yêu bởi gắn với câu chuyện của chàng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Khi tới đây, bạn có thể đi quanh khu đền, thăm thú cảnh vật và tìm hiểu về câu chuyện tình yêu ấy.
Thưởng thức món ăn độc lạ ở làng Phú Thị xưa
Khi bạn rời đền Chử Đồng Tử cũng là lúc đến giờ trưa. Hãy di chuyển về làng Phú Thị để thưởng thức những món ăn mang nét riêng, vị lạ của làng.
Phú Thị xưa, quen gọi là phố Bến, từng là khu vực sầm uất vì người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề buôn bán ven sông. Trải qua nhiều biến cố như chiến tranh, lũ lụt, người dân chuyển làng vào trong đê, sống bằng nghề trồng quất, cây cảnh. Phú Thị của ngày hôm nay đã phát triển nhưng vẫn mang nhiều nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa kia.
Tại đây, bạn có thể nếm thử món bánh cuốn Phú Thị, không mỏng tang mà dày dặn, chẳng cần ăn kèm thêm một loại rau sống nào. Hay món đậu cũng rất đặc chứ không xốp như nhiều nơi khác. Đến Phú Thị và thưởng thức đồ ngon, đồ lạ cũng là dịp để chúng ta so sánh với các món đã quen miệng từ lâu. Chắc chắn sẽ đem lại cho bạn một trải nghiệm tuyệt vời.
Nếu tới đây rồi, bạn đừng quên các món chế biến từ con vờ vờ nhé. Nhìn bề ngoài, loài côn trùng này trông như giống ong vàng sống trong ngách hang. Theo lời kể của người dân, vờ vờ thường xuất hiện vào hai ngày nào đó từ tháng 4 tới tháng 7. Chỉ biết từ xa xưa, khi nước sông Hồng làm vỡ tổ của chúng, vờ vờ bay ra, các ngư dân dùng vợt để vớt lấy rồi bán cho người thích món ăn này.
Trải nghiệm thú vị tại Làng gốm Bát Tràng
Thưởng thức xong bữa trưa, bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng tại Phú Thị. Tới tầm chiều, bạn có thể tiếp tục hành trình sang làng Bát Tràng với nghề gốm sứ nổi tiếng.
Nhắc đến làng nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, không thể bỏ qua cái tên Làng gốm Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền đời của Hà Nội, mà còn là một trong những nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Làng gốm Bát Tràng ngày nay là địa điểm du lịch rất hấp dẫn, thu hút nhiều người muốn tìm hiểu về kỹ nghệ làm gốm, trực tiếp tập nặn đồ vật cũng như mua về nhà những sản phẩm gốm xuất sắc.
Làng gốm Bát Tràng hiện là địa điểm được nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh check in. Với kiến trúc mới lạ mắt, không gian rộng rãi, vật dụng bày trí đa dạng, Làng gốm Bát Tràng không thiếu góc “triệu view” để bạn tha hồ sống ảo.
Một chuyến phượt dọc triền đê sẽ giúp bạn có thể ngắm cải vàng, những bụi tre xanh mướt hay vườn quất, vườn hoa,... Ngoài xe máy, ô tô, nhiều du khách từng ghé thăm làng quê sông Hồng đỏ nặng phù sa bằng thuyền. Không bụi bặm đường xa mà bạn còn được ngắm cảnh sông nước mênh mông, những bãi ngô, vùng cát hai bên bờ.
Nếu ngày cuối tuần không kịp xếp lịch đi chơi xa, bạn có thể chọn một tour du lịch dọc bờ sông Hồng. Vừa có thể ngắm cảnh êm đềm, bình yên, vừa thưởng thức những món ăn đậm vị làng quê, còn chần chừ gì nữa mà không lên kế hoạch ngay bây giờ!