Có một thế giới trò chơi "lạ mà quen" của Victor Vũ trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Nhắc đến Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh là nhắc đến cảm xúc, đến bao kỷ niệm thời hoa mộng, và một trong những điều đặc biệt nhất mà đạo diễn Việt kiều Victor Vũ dày công tìm hiểu để đưa lên màn bạc là đủ loại trò chơi dân gian. Những trò chơi tưởng đã bị lãng quên bỗng có sức hút chưa từng thấy, đưa người xem trở lại làm đứa trẻ thuở lên mười, hiếu động với muôn vàn tưởng tượng ngây thơ. Đây là lần đầu tiên một bộ phim chỉ toàn trẻ con lại có thể tạo nên nhiều cảm hứng dạt dào cho những người trưởng thành.
Trở về với những trò chơi dân gian
52 ngày đêm tại Phú Yên là một hành trình dài mà những đứa trẻ của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh phải trải qua. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, ở lứa tuổi 9 đến 15, các bé đã quá quen với những trò giải trí hiện đại, nên chuyến “về quê nghèo”, lại ở cái thời chẳng biết điện thoại, máy tính bảng là gì tưởng chừng rất khô khan cho các sao nhí. Nhưng, điều không ngờ là nó lại mở ra một cơ hội tuyệt vời để các bé khám phá ra nhiều trò còn thú vị hơn game.
Trải nghiệm tuyệt vời nhất của các em chính là được trực tiếp tham gia vào những trò chơi dân gian vốn hay bị xem là “không thích hợp” với trẻ con thành phố. Những trò chơi của ngày xưa ấy không ngờ lại có một sức hút đến kỳ lạ với dàn thiên thần nhí. Bé Trọng Khang trong phim thích thú chia sẻ: “Con thích trò hình nhân quay quay. Từ trước tới giờ những trò chơi trong phim con chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ chơi, và cũng không biết trò chơi dân gian là gì, giờ tụi con mới biết những điều đó vui hơn nhiều mấy trò chơi hiện đại bây giờ. Con chơi hoài không biết mệt là gì luôn”.
Trọng Khang rất thích trò hình nhân quay.
Trong những ngày đầu đến Phú Yên, những lúc rảnh thì chiếc máy tính bảng cầm tay với những trò chơi điện tử là thứ gắn liền với Thịnh Vinh (vai Thiều). Đó cũng là điều mà ekip làm phim khá lo lắng vì sợ Thiều không tập trung vào vai diễn. Tuy nhiên, Thịnh Vinh nhanh chóng “nhập bọn” cùng Trọng Khang và Thanh Mỹ để khám phá cả một thế giới đầy bất ngờ và sáng tạo với các trò chơi dân gian. Thịnh Vinh chia sẻ: “Đây thực sự là một bất ngờ lớn đối với con. Những trò chơi này tuy rất đơn giản nhưng lại rất có sức hút. Con thích cảnh quay ngồi làm diều với chú Đàn và Tường. Đây là lần đầu tiên con được làm một con diều thực sự. Nhưng lúc đó chưa được thả, phải đến mấy tuần sau con mới được chơi thả diều trên đồng cỏ. Đó là một trải nghiệm vui mà con rất nhớ khi quay phim”.
Điều thu hút ở các trò chơi này là các bé phải tương tác với nhau rất nhiều để hoàn thành và tận hưởng “thành quả” tạo nên. Trong trò thả diều, với sự giúp sức của tổ thiết kế, các bé đã có thể tự mình làm một phần và thử cảm giác thả diều giữa một không gian vô cùng nên thơ và thoáng đãng.
Phượng nở giữa trời đông
Trong cảnh quay tại trường học, ekip làm phim đã cải tạo lại một ngôi trường cũ ở khu vực Gềnh Đá Dĩa và biến cả sân trường đang trời đông trở thành một ngày hè nhộn nhịp đầy gió, nắng và hoa phượng đặc trưng. Điều thú vị nhất là ekip đã rất nhọc công khi buộc cây phượng lớn giữa sân trường phải “trổ đầy bông” trái mùa.
Mùa hè “nhân tạo” và màn “choảng” nhau giữa 2 cậu bé.
4 ngày quay tại trường học là 4 ngày trời âm u, lạnh và thiếu sáng. Thế nhưng nhờ sắc đỏ rực của cây phượng mà cả khu vực quanh trường học bỗng chốc trở nên ấm áp và “quay trở lại” mùa hè lúc nào không rõ. Một số khách du lịch lạc bước qua phim trường đã nhầm lẫn và reo lên thích thú khi thấy hoa phượng trổ bông “trái mùa”. Khi biết được sự thật, tất cả đều òa lên thích thú, ngạc nhiên trước khung cảnh sống động y như thật mà ekip làm phim đã tạo nên tại đây.
Tại cảnh quay nhiều thiếu nhi nhất trong phim, bộ ba Thịnh Vinh – Trọng Khang – Thanh Mỹ có dịp kết hợp với 2 diễn viên nhí khác từ Sài Gòn ra là Công Huân trong vai Sơn, Đức Sáng trong vai Dưa cùng gần 100 em học sinh tại 2 ngôi trường gần đó. Trong cảnh quay này, những đứa trẻ thành thị lại một lần nữa được trải nghiệm các trò chơi trong trường học thời thập niên 80 và thích thú chơi lấn sang cả giờ nghỉ giải lao của đoàn.
Gần 2 tháng trời rong ruổi cùng đoàn phim là khoảng thời gian dài nhất mà các bé hầu như không đụng vào những món trò chơi hiện đại mang theo bên mình. Không còn những robot, game điện tử hay bất kỳ trò chơi online nào khác mà thay vào đó là đá cỏ gà, nhảy lò cò, nhảy dây, bắn bi, rượt bắt, xe gỗ, thuyền lá, xếp cào cào lá dừa, thả diều… cứ thi nhau dẫn dắt lũ trẻ đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Có lẽ nhờ bắt nguồn từ những cảm xúc trong veo như thế nên những cảnh quay này rất ngọt ngào, nên thơ và dễ thương.
Những trò chơi tuổi thơ: nhảy dây, bắn bi..
Về "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có nguồn tài trợ chính từ nhà nước, do Cục Điện Ảnh đại diện. Với kịch bản được nhà nước tuyển lựa chặt chẽ để tài trợ, các nhà sản xuất tư nhân thực thi, sự hợp tác này kỳ vọng sẽ mở đường cho một xu hướng phát triển mới của điện ảnh Việt Nam, hướng tới những bộ phim giàu ý nghĩa mà vẫn ăn khách.
Kịch bản phim do đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh. Đây là tác phẩm đã khiến độc giả đứng ngồi không yên với thông tin độc đáo: sau hơn gần 30 năm viết sách, đây là lần đầu tiên có nhân vật phản diện xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.
Xem lại trailer chính thức của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh:
Từng gây ấn tượng với những khung hình đẹp như mơ trong Thiên mệnh anh hùng nhưng đạo diễn Victor Vũ cho biết chính anh cũng choáng ngợp trước bối cảnh “mê hồn” của bộ phim này. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh điểm đúng chỗ mà điện ảnh Việt Nam đang rất thiếu trong nhiều năm lại đây, đó là một thế giới nên thơ, trong trẻo đến ngỡ ngàng, với câu chuyện cảm động về tình anh em và rung động đầu đời của cậu bé 15 tuổi ở một làng quê ven biển vào cuối những năm 80.
Phim dự kiến sẽ được ra mắt vào ngày 02-10-2015 trên toàn quốc.