Với vị ngọt, giòn và thanh mát, củ hũ đủng đỉnh giờ đây đã trở thành đặc sản nổi tiếng, có mặt trong các nhà hàng và quán ăn để phục vụ du khách.
Củ hũ dừa, củ hũ chà là, củ hũ dứa nghe đã khá quen thuộc, từ xưa được người dân sử dụng để chế biến thành các món ăn thanh mát mùa hè. Nhưng củ hũ đủng đỉnh thì chắc chắn nhiều người chưa từng nghe tên.
Cây đủng đỉnh còn có tên gọi khác là đùng đình, móc, tên khoa học là Caryota mitis, là loài thực vật thuộc họ cau. Cây trưởng thành cao từ 3-4 m, thân hình trụ, lá kép lông chim như xương cá, mọc so le. Gân trên lá đủng đỉnh được xếp hình nan quạt xòe rộng, phiến lá hình tam giác lệch.
Cây đủng đỉnh mọc dại ở bờ bụi hoặc bìa rừng
Cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng mọc hoang dại ở bờ bụi, bìa rừng tại các tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa,... Ngày trước người ta thường dùng hoa và lá đủng đỉnh để trang trí đám cưới. Hiện nay cây đủng đỉnh được trồng làm cảnh.
Ít ai biết được rằng ở một số nơi, người dân sử dụng một bộ phận của cây đủng đỉnh để chế biến món ăn, đó là phần đọt non hay còn gọi là củ hũ đủng đỉnh.
"Cây đủng đỉnh rất ngứa nên khi chặt các tán lá phải mặc đồ bảo hộ cẩn thận. Sau đó lấy phần đọt về để chế biến món ăn. Đọt đủng đỉnh giòn, ngọt và thanh mát, có thể luộc để chấm mắm hoặc hầm canh xương nhưng mình thích nhất là xào bò, xào tỏi.
Phần đọt non của cây đủng đỉnh còn được gọi là củ hũ
So với củ dũ dừa, mình thấy củ hũ đủng đỉnh ngọt và ngon, ai ăn thử một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi không quên hương vị của chúng", anh Khánh (ở Nghệ An) kể.
Anh Khánh cho biết, so với củ hũ dừa, củ hũ chà là thì củ hũ của đủng đỉnh có kích thước bé hơn nhiều. Muốn thu được cũ hũ, người ta sẽ chọn những cây đủng đỉnh trưởng thành, rồi chặt lấy phần ngọn, bóc hết các bẹ lá bên ngoài cho đến khi thấy phần trắng nõn ở bên trong. Đó chính là củ hũ. Khoảng 3-4 củ hũ đủng đỉnh mới được 1kg.
Cũng từng ăn củ hũ đủng đỉnh, anh Ngọc (ở Quảng Nam) cho biết, trước đây người đi rừng thường chặt củ hũ đủng đỉnh ăn sống vì chúng ngọt và có nhiều nước, vừa "cứu đói" vừa giải khát.
"Trước khi chế biến món ăn, củ hũ chặt về nên ngâm với nước muối để chúng vẫn giữ được màu trắng, không bị thâm đen. Sau khi thái nhỏ, củ hũ đủng đỉnh được đem xào cùng với tôm tép, bò hoặc làm gỏi. Khi ăn sẽ cảm nhận được độ giòn của từng miếng củ hũ.
Củ hũ đủng đỉnh ngọt và giòn, có thể xào hoặc làm gỏi, vô cùng hấp dẫn
Bây giờ cây đủng đỉnh trong tự nhiên không còn nhiều, muốn khai thác phải đi vào rừng sâu. Nhiều nhà thì trồng để làm cảnh. Vì thế muốn ăn củ hũ đủng đỉnh không phải dễ. Ở quê mình thỉnh thoảng cũng có người mang củ hũ ra chợ quê bán nhưng phải nhanh tay mới mua được", anh Ngọc nói thêm.
Từ món ăn "cứu đói" của người nghèo ở các miền quê, giờ đây củ hũ đủng đỉnh đã lên đời thành đặc sản nổi tiếng. Một số nhà hàng, quán ăn còn lùng mua củ hũ đủng đỉnh để chế biến món ăn, phục vụ du khách gần xa.