Cùng khám phá những tục lệ đón năm mới kỳ lạ của những quốc gia láng giềng.
1. Hình tròn may mắn ở Philippines
Vào ngày tết ở Philippines, người dân thường thích ăn những thức ăn, hoa quả hình tròn và mặc đồ chấm bi vì cho rằng điều này mang lại một năm “tròn trịa”, viên mãn.
2. Kêu như cuốc ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, vào dịp tết, người dân ở một số vùng quê thích bắt chước tiếng chim cuốc kêu vì đây là tiếng chim báo hiệu mùa xuân, mùa gieo trồng bội thu. Họ cũng cho rằng vào ngày cuối năm, có một con quỷ đến quấy phá dân làng. Để đuổi quỷ, chỉ có cách dùng thật nhiều màu đỏ và tiếng động mạnh. Vì vậy, khắp mọi nơi đều treo đèn lồng đỏ, trang trí rèm đỏ, giấy đỏ và đốt pháo tưng bừng.
Tiền trong phong bao lì xì cho trẻ em ở Trung Quốc được quy định rất ngặt nghèo về số chứ không phải muốn đưa bao nhiêu cũng được. Số 4 tất nhiên là bị cấm tiệt vì nó 4 là “tứ” khá gần với từ “tử” nghĩa là “chết”.
3. Ăn quýt ở Singapore
Ở “đảo quốc sư tử”, ăn quýt mang lại may mắn, hạnh phúc vì chữ “quýt” đọc gần giống âm “cát” trong “đại cát đại lợi”. Họ cũng rất thích ăn cá vì từ “cá” giống chữ “dư” trong âm tiếng Hoa, thể hiện sự dư dả, dồi dào của cải.
4. Té nước ở Thái Lan
Ở Thái Lan, người dân thường đón tết vào tháng 4 (dương lịch) hàng năm. Tết này có tên gọi Songkran, hay tết té nước. Mọi người té nước vào nhau để mong gặp may mắn.
5. Đốt lửa ở Ấn Độ
Ở Ấn Độ, mỗi vùng, miền lại đón tết vào một thời điểm khác nhau, có nơi vào tháng 3, nơi lại vào tháng 4, 6 hoặc 12. Tuy nhiên, hầu như mọi người đều thích đốt lửa, dù dịp tết rơi vào thời điểm nào. Lửa được thắp trong đèn, nến, thả trôi sông, thắp đèn lồng, các vở kịch thường kết thúc với màn đốt quỷ.
6. Đắp cát ở Campuchia
Cũng giống như Thái Lan, Campuchia ăn tết vào tháng 4. Trước khi đón năm mới, các gia đình thường đắp 5 gò nhỏ bằng cát, có nơi thì đắp bằng bánh, trái, thắp 5 nén nhang, đốt 5 cây nến để thờ cúng tổ tiên.
7. Buộc chỉ cổ tay ở Lào
Ngoài nghi lễ té nước giống với người Thái, người dân Lào có một tục lệ khác khá độc đáo là buộc chỉ cổ tay. Họ buộc những sợi chỉ màu này và vẩy nước thơm lên nhau như một hình thức chúc phúc.
8. Nhịn ăn ở Malaysia
Có lẽ chẳng nơi đâu người dân lại ăn tết khắc khổ như ở Malaysia. Người dân ăn tết theo lịch Hồi giáo, và thường nhịn ăn từ trước ngày tết vài ngày, cũng không mua nhiều món ăn để thể hiện sự cảm thông với những người nghèo trên thế giới.
9. Rắc phấn hồng ở Pakistan
Ở Pakistan, người dân thường rắc phấn hồng lên bục cửa và rắc rất khéo để tạo thành chữ “chúc mừng năm mới".