Vẻ đẹp điện ảnh và giá trị nhân văn sâu sắc của "Hope" - bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng về đề tài ấu dâm, ra mắt năm 2013, khiến nhiều khán giả theo dõi phải lặng đi vì xúc động.
“Con nghĩ chắc bố và mẹ đều đang bận... nhưng kẻ xấu xa đó phải bị bắt... con đau lắm... nên con đã tự gọi 911....
Ông ta mặc quần màu xám với áo vest có nhiều túi... kẻ xấu xa đó... ông ta phải bị bắt....Con đã gần tới trường rồi...
Con buồn ngủ quá, bố ơi, nhưng nếu ngủ rồi sẽ quên mất thì sao?”
Trong lúc đang một mình đi bộ tới trường, cô bé 8 tuổi Hope (Lee Re) đã bị bắt cóc, đánh đập và hãm hiếp dã man. Khi được thông báo rằng con mình đã được tìm thấy tại một công trường xây dựng và được đưa đi cấp cứu trong trạng thái cận kề cái chết, bố mẹ của cô – Mi Hee (Eom Jiwon) và Dong Hoon (Sol Kyung Gu) đã hộc tốc chạy tới bệnh viện. Họ được nghe tin dữ từ bác sĩ rằng, cơ hội duy nhất có thể cứu sống con gái là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột và ghép hậu môn giả.
Trong cơn sốc và đau đớn cùng cực, ngay khi Mi Hee và Dong Hoon đồng ý làm phẫu thuật cho con gái cũng là lúc họ bị hành hạ bởi sự dằn vặt và quyết tâm đòi lại công lý cho con. Nhưng khi bàn sâu hơn về vụ việc với cảnh sát họ mới biết rằng, Hope cần cung cấp video bằng chứng để nhận diện tên tội phạm trước khi cảnh sát có thể tiến hành các bước tiếp theo để bắt giữ hắn.
Trong quá trình chiến đấu với các nhà chức trách, song song với những nỗ lực cứu chữa cả thể chất và tinh thần của con gái, họ đã sớm nhận ra rằng niềm hy vọng mà họ khao khát thực ra lại ở gần tầm tay hơn những gì họ tưởng tượng. Niềm hy vọng tới từ những người xung quanh, và từ cả cô con gái trong sáng với cái tên mang cùng ý nghĩa của họ...
Trong những năm gần đây điện ảnh Hàn Quốc đã cho ra đời khá nhiều tác phẩm với nội dung có nét tương đồng với Hope. Tuy nhiên hầu hết trong số đó (‘Don’t Cry, Mommy’; ‘Azooma’,..) sử dụng câu chuyện về bắt cóc, bạo hành và hãm hiếp trẻ em như một công cụ gây sốc nhằm ngầm phê phán xã hội thông qua cuộc chiến đòi công lý của những bậc phụ huynh, cũng như lột trần bộ mặt quan liêu của giới chức trách và sự vô cảm của thế giới xung quanh. Hầu hết chuyện phim đều được mô tả qua cái nhìn của người lớn, tức là đề cập rất ít tới câu chuyện của nạn nhân ngoài việc điều đó đã ảnh hưởng tới những người khác như thế nào.
Bản thân chuyện phim của ‘Hope’ cũng sử dụng phương thức kể chuyện cơ bản này. Tuy nhiên bộ phim đã mang lại một nét tươi mới và tính nhân văn sâu sắc hơn rõ rệt, thông qua việc miêu tả chi tiết chiều sâu tâm lý của Hope trong hành trình hồi phục quặn lòng khán giả của em, với thời lượng thậm chí còn nhiều hơn những diễn biến tâm lý của cặp nhân vật bố mẹ. Việc kể tiếp câu chuyện của Hope là một yếu tố quan trọng không chỉ đối với những người xung quanh cô bé mà còn với cả bản thân bộ phim.
‘Hope’ bắt đầu trong tiếng nhạc piano nhẹ nhàng cùng hình ảnh một cánh diều liệng vòng trong không trung rồi đáp xuống một ngọn cây gần ngôi trường tiểu học trong vùng và ‘Cửa hàng tạp hoá Hope’ tại góc phố. Cửa tiệm bán lẻ giản dị đó thuộc về cô Mi Hee – mẹ Hope và người cha làm công nhân Dong Hoon của cô bé.
Những cảnh phim tiếp theo đã khéo léo cho khán giả biết mọi thứ về cuộc sống hằng ngày của hộ gia đình Hàn Quốc không mấy khá giả này, khiến cho họ đồng cảm với các nhân vật trước khi những diễn biến sau đó được tiết lộ. Mi Hee là một người phụ nữ tần tảo, bận rộn và hay bị stress; Dong Hoon thì luôn phải làm việc quá sức và bị áp lực tài chính đè nặng lên vai. Còn Hope, cô con gái nhỏ hiếu động và thông minh trước tuổi của họ vì hoàn cảnh khó khăn mà đã sớm đỡ đần được công việc cho cha mẹ. Tuy vậy em vẫn luôn vui vẻ và dành thời gian hát theo chương trình hoạt hình yêu thích – Kokomong của mình.
Những mô tả ban đầu này thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng sau khi xem xong khán giả sẽ thấy gần như không có một khoảnh khắc nào không có ảnh hưởng quan trọng tới những diễn biến, hành động của nhân vật và những ý nghĩa tiềm ẩn của bộ phim sau này. Thậm chí cả hình ảnh con diều ở đoạn đầu cũng có ý nghĩa riêng của nó khi câu chuyện bắt đầu mở rộng ra và u ám dần.
Tội ác ghê tởm mà Hope phải chịu đựng may mắn thay không được miêu tả rõ nét – tuy rằng chúng ta vẫn có một cảnh phim ám ảnh với hai cánh tay đẫm máu đang cố với tới chiếc điện thoại sau khi thảm kịch kết thúc. Nhưng cuộc chiến chống lại những hậu quả để lại trong cuộc đời cô bé tại bệnh viện lại được mô tả chi tiết đến tàn nhẫn. Hình ảnh những vết thương do bị hành hạ dã man của một đứa trẻ ngây thơ và cuộc chiến giành lại cuộc sống của cô bé nhất định sẽ khiến khán giả cảm thấy vô cùng đồng cảm và xúc động. Đặc biệt, đoạn độc thoại của Hope với người cha đang mất trí mới là cảnh phim thực sự sẽ làm tan nát trái tim chúng ta. Và kể từ khoảnh khắc đó, bộ phim sẽ lấy đi hàng lít nước mắt của khán giả khi dõi theo câu chuyện của cô bé bất hạnh.
Dù những câu nói của Hope khiến người ta cảm động và đau đớn, nhưng cách mà cô bé truyền tải những cảm xúc đó mới là thứ xé nát tim gan người xem: Một giọng nói nhỏ xíu, run rẩy xen giữa những tiếng thở khó nhọc dưới ống thở, một giọt nước mắt hoen tròn trên khoé mi, một đôi mắt cố gắng chống chọi với cơn buồn ngủ đang ập đến, và những lời nói chân thành chứa đựng trong đó sự thông minh và biết suy nghĩ trước tuổi. Tất cả những thứ trên như cô đọng lại toàn bộ bộ phim tuyệt vời này, và vẫn tiếp tục được nhấn mạnh mỗi khi các chi tiết về suy nghĩ của nhân vật cũng như tương tác của cô bé với những người xung quanh được đề cập đến.
Cho đến tận sau cảnh phim này, lối kể chuyện và chủ để của ‘Hope’ đúng là vẫn có nhiều nét tương đồng với bộ phim ‘Azooma’ đã được nhắc tới bên trên. Điều đó thể hiện ở đoạn video bằng chứng nộp cho cảnh sát; những miêu tả của cô bé về kẻ thủ ác, những nỗ lực của người cha trong việc điều tra ra danh tính của thủ phạm; về chuyện kiếm tìm công lý khi phải đối mặt với những thủ tục hành chính quan liêu... Nhưng sau đó, ‘Hope’ đã bắt đầu hé lộ những nội dung nhân đạo vượt trội của mình.
Từ đây cho tới khoảng giữa của bộ phim, ‘Hope’ xoáy sâu vào những tác động của vụ án tới các nhân vật thông qua những góc nhìn của từng cá nhân nhưng vẫn chú trọng vào tính nhân văn trong từng trường hợp – Vì con gái mình, Mi Hee trong quá trình chịu đựng cảm giác tội lỗi và tự trách bản thân đã học được cách tin tưởng những con người mà hàng ngày cô không có thời gian để tâm đến.
Dong Hoon ngày ngày đối mặt với gánh nặng cơm áo giờ lại phải lo thêm cả chi phí chạy chữa cho con. Nhưng trên chính bức tường khổng lồ ấy anh cảm thấy bản thân có thể gồng lên trên cả sức lực sẵn có, chỉ để đòi công lý và tuyệt vọng tìm cách kết nối lại với con gái mình sau chấn thương tấm lý khiến cô bé luôn sợ hãi và tránh ở gần cha.
Và Hope, cô gái bé bỏng trong sáng, cũng đang nỗ lực hết sức để hồi phục. Nhưng cùng với đó, em lại ngày càng cảm thấy lo lắng về những điều mọi người nói về mình cũng như cách mà họ sẽ đối xử với mình sau tai nạn mà bản thân hoàn toàn không có lỗi.
Trong khi phân tích các khía cạnh cảm xúc của từng nhân vật cả dưới góc nhìn cá nhân lẫn cách mà họ kết nối với những người khác – vào nửa sau, bộ phim bắt đầu trở nên tươi sáng hơn, một cách rất tinh tế và nhẹ nhàng. Dẫu vậy, tương phản với nó là thứ thiết yếu dẫn ‘Hope’ tới cao trào cuối cùng để kết lại toàn bộ câu chuyện: phiên toà xét xử kẻ thủ ác. Tuy cách kể chuyện vẫn có nhiều điểm giống với những phiên toà khác trong các bộ phim cùng chủ đề bạo hành trẻ em, Lee Joon Ik đã đẩy câu chuyện lên một cung bậc đau đớn và tràn đầy cảm xúc hơn hẳn trước quyết định cuối cùng của nhân vật Hope.
Tăm tối và ảm đạm có vẻ là hình ảnh đại diện cho Hope. Đạo diễn Lee Joon ik cũng chia sẻ rằng sự quan liêu của các thủ tục hành chính là một điểm nhấn lớn của phần còn lại phim, cùng với nó là sự hài hước châm biếm nhẹ nhàng nhưng đóng một vai trò quan trọng. Sau tất cả, tổ hợp của toàn bộ những thứ này đã giúp nửa sau của ‘Hope’ chỉ ra rõ chủ đề và giá trị cốt lõi của bộ phim: tầm quan trọng của gia đình và cộng đồng.
‘Hope’ đã giúp chúng ta thấy rõ rằng niềm hy vọng mà mỗi người khao khát không chỉ nằm trong bản thân họ hay sự quan tâm giữa người với người mà còn ở trong trái tim của một cô bé trong sáng – cô bé mang tên ‘Hy vọng’.
Lee Joon Ik là một trong những đạo diễn kì cựu của điện ảnh Hàn Quốc nên chẳng có gì ngạc nhiên khi khâu đạo diễn của ‘Hope’ rất đáng yên tâm và được đảm bảo chất lượng cao nhất trong suốt quá trình làm phim. Nhịp phim chậm rãi, không dài dòng cũng chẳng gấp gáp. Những căng thẳng được xây dựng một cách hoàn hảo và có lúc gần như chẳng thể cảm nhận được, chính xác như những gì mà bộ phim yêu cầu. Tuy ngân sách của ‘Hope’ khá eo hẹp nhưng điều đó không ảnh hưởng gì tới tính chân thực của bộ phim mà ngược lại, còn khiến cho tổng thể phim trở nên tuyệt vời hơn. Nó khiến cho trọng tâm của bộ phim rơi vào các nhân vật và cốt truyện mà không bị dính lỗi phô trương thừa thãi.
Toàn bộ dàn diễn viên của Hope đều diễn rất tròn vai trong suốt bộ phim, với hai vai diễn nổi bật trên nhất thuộc về Sol Kyung-gu (vai Dong-hoon) và Eom Ji-won (vai Mi-hee). Tuy nhiên, màn thể hiện của Lee Re khi thủ vai cô bé tám tuổi Hope đã khiến toàn bộ các nhân vật còn lại trở nên lu mờ.
Diễn xuất của Lee Re sẽ khiến cho con tim khán giả tan nát, kết hợp với câu chuyện thông minh, sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa đảm bảo sẽ lấy đi của chúng ta vô vàn nước mắt, và để lại trong lòng chúng ta rất nhiều dư âm sau khi những dòng credit hiện lên. Thực sự là một trải nghiệm đáng kinh ngạc.
Tóm lại, con người ai cũng có một trái tim, một bầu cảm xúc và vô vàn hy vọng... chính vì lẽ đó nên bằng mọi giá người viết bài này chân thành mong mọi người sẽ tìm xem ‘Hope’. Trái tim và trí não bạn rồi sẽ cảm thấy biết ơn vì quyết định đó cho mà xem.