Mặc dù phim có độ dài "lê thê" nhưng nội dung bộ phim lại "mê hoặc" các bà nội trợ.
Những ngày gần đây, trên hàng loạt các trang mạng xã hội chia sẻ rất nhiều status hài hước về bộ phim Ấn Độ “Cô dâu 8 tuổi” có số tập “khủng” hiện đang được phát sóng trên kênh truyền hình Việt Nam. Đa phần những chia sẻ này đều có chút châm biếm bởi thời lượng quá dài mà nội dung lại quá lê thê của phim. Tuy nhiên, hàng ngày bên các mâm cơn gia đình, đây vẫn là một bộ phim được ưu tiên hàng đầu của các bà nội trợ. “Cô dâu 8 tuổi” có những loại ma lực gì để hấp dẫn người xem đến như vậy?
Tại Việt Nam, “Cô dâu 8 tuổi” hiện đang chiếu đến tập 220, một con số không nhỏ với phim truyền hình. Độ dài thực tế của bộ phim còn choáng hơn khi đã lên đến 1972 tập tại Ấn Độ. Chuyện phim xoay quanh các vấn đề trong xã hội như nạn tảo hôn, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, đức hi sinh của người phụ nữ… Những điều này không chỉ phổ biến riêng ở Ấn Độ mà còn rất quen thuộc ở các quốc gia Châu Á khác. Chính vì vậy mà rất nhiều khán giả Việt Nam cảm thấy đồng cảm với các nhân vật trong phim.
“Cô dâu 8 tuổi” bộ phim Ấn Độ gây choáng với số tập “khủng”.
Cũng giống các bộ phim truyện dài tập khác, “Cô dâu 8 tuổi” khai thác triệt để các mối quan hệ gia đình chồng chéo, phức tạp. Những tình tiết éo le, mâu thuẫn giằng xé chính là thứ níu chân khán giả xem phim. Cũng phải nói thêm, đối tượng khán giả chủ yếu của phim là những bà nội trợ. Đối tượng khán giả này là đối tượng rất trung thành. Bởi cho dù phim có lê thê hay nhiều tình huống “cẩu huyết” đến đâu, họ vẫn có thể kiên nhẫn theo dõi đến cuối cùng không sót một tập phim nào.
Phim khai thác triệt để các mối quan hệ gia đình chồng chéo.
Nhiều người giễu cợt cho rằng mạch phim của “Cô dâu 8 tuổi” quá dài dòng, lạm dụng nhiều pha quay chậm khiến người xem cảm thấy mệt mỏi. Điều này không sai. Nhưng chính những chi tiết được miêu tả chậm rãi và kỹ lưỡng khiến phim trở nên dễ hiểu, không cần phải theo dõi sát sao cũng vẫn có thể nắm bắt nội dung. Yếu tố này phù hợp với những khán giả là các bà nội trợ. Vì họ thường phải vừa coi sóc việc nhà vừa xem TV. Thêm nữa, các cô, các dì thường thích những phim dễ xem, dễ nhớ nhưng cũng dễ quên để không phải quá bận tâm suy nghĩ. Đối với họ, phim truyền hình là phương tiện giúp họ giải tỏa nỗi buồn chán, chứ không phải khiến họ thêm căng thẳng.
Hình ảnh diễn viên Avika Gor trong lễ trao giải cho bộ phim "cô dâu 8 tuổi":
Hiệu ứng truyền miệng cũng đóng một vai trò không nhỏ giúp phim duy trì và nâng cao hiệu suất người xem. Những chủ đề bàn tán của các phụ nữ nội trợ ít nhiều cũng xoay quanh chủ đề phim truyện hàng ngày. Bởi thế khi có nhiều người trong cùng một khu phố, cùng hội nhóm… xem phim, những người khác cũng lập tức theo dõi để không bị lạc lõng.
Bình luận hài hước của cư dân mạng về phim “Cô dâu 8 tuổi”.
Những nguyên nhân kể trên, chính là lí do giải thích vì sao có nhiều người “ném đá” “Cô dâu 8 tuổi” nhưng bộ phim đã và hiện vẫn đang thu hút sự theo dõi của khá nhiều người. Bởi vì không có cung thì làm sao có cầu. Là một phim được làm theo dạng Balika Vadhu (tương tự soap opera), tức là phim dài tập nhiều kỳ, lấy chất liệu từ đời sống thường nhật và kịch bản được dựng theo bối cảnh xã hội cùng thời điểm. Thế nên không có gì lạ khi “Cô dâu 8 tuổi” có cả một kho đề tài bất tận.