Bánh cuốn là một trong những món ẩm thực độc đáo của người Việt và còn là thức quà sáng phổ biến. Thế nhưng tại con ngõ nhỏ số 109 Tôn Đức Thắng, Hà Nội lại tồn tại một cửa hàng bánh cuốn không biển hiệu đã có từ lâu đời và chỉ mở ban đêm.
Lối vào quán rất hẹp chỉ đủ 1 xe máy qua
Nằm tận cùng con ngõ nhỏ 109 Tôn Đức Thắng, không biển hiệu, không chỉ dẫn, “quán” của cô Lan chỉ vỏn vẹn trong ngôi nhà khoảng 25m2 và cũng là nơi cô sinh sống. Lối đi vào quán hơn 1m còn không đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau, thoạt nhìn đã thấy khó khăn trong việc dựng xe để vào ăn quán. Khi bước vào có thể thấy quán khá đơn sơ chỉ vỏn vẹn 3 chiếc bàn sắt và chục cái ghế con con. Ban đêm bán hàng nhưng hàng ngày nơi đây cũng là chỗ sinh hoạt của cô. Điều đặc biệt của quán chính là chỉ mở bán vào ban đêm từ 9h đến 4h sáng sau khi đã vãn khách.
Quán khá nhỏ và đơn sơ chỉ đủ kê 3 chiếc bàn
bánh cuốn cô Lan- thứ bánh cuốn được tráng bằng loại gạo ngon, từng miếng bánh trắng mỏng cuộn thịt băm, không nấm hương hay mộc nhĩ như những nơi khác, mộc mạc đơn giản mà bóng bẩy và mềm mượt, thơm vị hành phi, đi kèm thêm đĩa chả. Khách ăn đến đâu cô cuốn đến đấy nên đặc biệt là bánh nóng hổi, rất hợp với đồ ăn khuya, vừa dễ ăn lại không quá nặng bụng. Nước chấm được đựng trong những chiếc cặp lồng con, không pha chế cầu kỳ mà để khách hàng tự gia giảm, pha vào những chiếc bát con, thêm giấm tỏi ớt hoặc quất, tuỳ khẩu vị. Ngoài bánh cuốn còn có thể gọi thêm chả quế hoặc trứng hấp ăn kèm.
Một đĩa bánh cuốn khá đầy đặn, đơn giản mà vẫn hấp dẫn
Căn bếp cũ nơi cô ngồi tráng bánh cuốn cho khách
Khi vừa bước đến đã thấy ngay căn bếp cũ được kê gọn trong khoảnh sân chưa đầy 3 – 4m2 trông không lấy gì làm sạch sẽ lắm khiến thực khách đến lần đầu khá e ngại. Mất khoảng 10 phút chờ đợi sẽ có đĩa bánh cuốn khá đầy đặn đủ sức cho 2 người ăn. Cô Lan kể, quán được mở từ năm 1968 với thâm niên 50 năm, mới chuyển về đây được hơn 30 năm. “Trước đây mẹ cô bán bánh phở, mỗi ngày bán được 2 tạ bánh. Nguyên liệu thì cô cho 2 vốc gạo không dùng để ăn cơm, gạo để ăn cơm thì cho 2 vốc rưỡi, trong nghề họ gọi như vậy. Mỗi ngày cô tráng 65 kg gạo ra 2 tạ bánh. Sau này cô bán bánh cuốn hồi đầu đã có lúc khách đông gấp 10 lần bây giờ nhưng vì sức hút giữa bao nhiêu của ngon vật lạ và nền kinh tế suy thoái đã khiến bánh cuốn của cô không còn đắt khách như xưa...” Vậy nhưng quán của cô không tên tuổi, không biển hiệu mà chỉ qua truyền tai nhau vẫn khiến con ngõ nhỏ ban đêm tấp nập người ra vào.
Cũng bởi vì con ngõ nhỏ nên cô phải mở hàng ban đêm, nếu ban ngày sẽ không có chỗ cho khách để xe. Cô tâm sự hàng xóm ở đây cũng rất ủng hộ cô, họ không phàn nàn về việc cô mở quán trong con ngõ chật hẹp và đông đúc này nên vì thế cô cũng không gặp quá nhiều khó khăn khi bán hàng. Cạnh phòng cô còn có thêm căn nhà cũng bé xinh, cô sống ở đây cùng các em và các cháu khoảng hơn 10 người trong gia đình.
Khách đến đây đa phần cũng gọi mang về chứ không ngồi lại quán vì không đủ chỗ
Một suất bánh cuốn dù ăn tại chỗ hay mua về đều rất đầy đủ và ngon miệng
Tại Hà Nội xô bồ này thật hiếm khi còn tồn tại những cửa hàng lâu năm mang đậm nét giản dị và truyền thống của người Việt. Nếu các bạn có một lần đi ngang qua con phố ấy, hãy thử vào để thưởng thức những chiếc bánh cuốn tròn trịa, mềm mướt, vị ngọt của bột gạo, của nhân, vị bùi thơm của hành phi, hương vị đậm đà nhưng thanh tao.