Phần mới nhất của siêu phẩm về những chú khủng long khổng lồ hứa hẹn sẽ mang người xem đến với một “mùa hè tiền sử phiên bản tương lai”.
25 năm sau sự kiện bầy khủng long xổng chuồng lần đầu tiên, đảo Nublar được xây dựng lại thành một khu công viên khủng long với trang thiết bị tối tân, sẵn sàng mở cửa chào đón khách du lịch. Tuy nhiên, sau mười năm đi vào hoạt động, những người sáng lập buộc phải nghĩ ra những chiêu thức mới để câu kéo sự chú ý của những du khách ngày càng chai lì trước những chiêu trò giật gân kinh dị. Nhưng đáng buồn thay, nỗ lực ấy cũng chính là cái cớ vô cùng hợp lý cho “chuyện chắc chắn phải xảy ra trong các phần phim về kỉ Jura” xảy ra.
Owen (Chris Pratt thủ vai) là người luyện thú với một đàn bốn con raptor (tên rút gọn của một loài khủng long ăn thịt) được chính tay anh chăm nuôi và huấn luyện từ khi mới nở. Với Owen, đàn raptor là những người bạn, còn với Hoskins – kẻ âm mưu trục lợi từ đàn khủng long, là một phương tiện chiến tranh kiểu mới. Sự đối lập giữa hai phe khoa học và lợi nhuận vẫn là chất liệu chính để phát triển cốt truyện và các tuyến nhân vật như trong ba phần phim trước khi hết lần này đến lần khác, lòng tham và khối lợi nhuận “lớn hơn” khiến người ta mờ mắt, đặt tính mạng của mình và những người xung quanh vào vòng nguy hiểm.
Một cảnh phim cho thấy quá trình huấn luyện khủng long của Owen
Mâu thuẫn này cũng tiếp tục được triển khai trong mối quan hệ giữa Claire (Bryce Dallas Howard thủ vai) và giám đốc kế nhiệm của Jurassic World – Simon Masrani. Nếu như Claire quan tâm đến những con số về lượng người tham quan hay tăng trưởng doanh thu, thì Simon nhấn mạnh mục đích của công viên khủng long là nhắc nhở con người thái độ sống khiêm nhường trước tự nhiên. Nếu bóc tách sâu hơn mối quan hệ giữa các cặp nhân vật Owen và Hoskins, Claire và Simon, ta sẽ thấy một vấn đề khác đã được đặt ra, và liên tục được nhắc đi nhắc lại từ khi phần phim đầu tiên ra đời: Con người nên kinh sợ tự nhiên, hay tự nhiên đang bị thâu tóm trong bàn tay con người? Tự nhiên và con người, ai là kẻ nắm quyền chi phối?
Hình ảnh một trong những kẻ phản diện nguy hiểm
Trên đảo Nublar, con người hồi sinh loài khủng long dựa trên những mẫu hoá thạch, mang chúng từ chỗ diệt vong quay trở lại ngôi vị giống loài có kích thước khổng lồ nhất từng tồn tại. Thế nhưng những sinh vật nguy hiểm bậc nhất ấy lại bị (hay “được”?) nuôi nhốt trong những khu đồng cỏ hay bể nước nhân tạo để hàng ngàn khán giả chiêm ngưỡng mỗi ngày. Chúng được cho ăn, và bị theo dõi chặt chẽ bằng những con chip điện tử, hệ thống quét nhiệt và một tỉ thứ máy móc thiết bị khác… Con người cố giữ chúng sống “một cách tự nhiên” theo cái cách ít tự nhiên nhất. Họ ỷ vào vị thế kẻ sáng tạo của mình mà quên đi điều quan trọng sống còn, điều mà họ phải trả một cái giá quá đắt để học được: sự cảnh giác.
Một khi sự cảnh giác bản năng bị lơi là, người ta sẽ quên mình là ai, và đang đối mặt với cái gì. Họ sẵn sàng tạo ra những thứ đáng sợ một ngày kia sẽ quay lại tiêu diệt chính họ, nhân danh khoa học. Rõ ràng loài người cần những bộ phim như Jurassic World để nhắc nhở mình việc đó.
Các bộ phim của mùa hè thường không ít thì nhiều đều xoay quanh hoặc gài gắm trong đó những câu chuyện gia đình. Trong Jurassic World, song song với tuyến nhân vật “người lớn” với những vấn đề rất vĩ mô kia còn có câu chuyện ngọt ngào về tình anh em của hai cậu bé Gray và Jack.
Được đưa đến đảo Nublar trong nỗ lực hàn gắn tình cảm với người dì Claire, Gray và Jack phản ứng với chuyến đi bằng hai trạng thái tâm lý đối ngược: cậu em Gray hào hứng bao nhiêu thì người anh Jack lại thờ ơ với nó bấy nhiêu. Thời gian và khoảng cách về lứa tuổi đã cướp mất của hai anh em tiếng nói chung và sự gắn bó.
Hai anh em Gray và Jack
Trong câu chuyện của Jack và Gray, người ta không chỉ thấy người anh trai và em của cậu ấy cùng nhau vượt qua khó khăn và tìm lại được mối dây gắn bó, người ta còn được hai cậu bé ấy trao vào tay sợi dây dẫn đường quay lại thế giới đã mất của Jurassic Park năm nào, dù đó chỉ còn là một khu phế tích. Giống như anh chàng Lowery với câu thoại trứ danh: “Luôn cần một người ở lại đằng sau” tìm mua bằng được chiếc áo lưu niệm của công viên khủng long ngày xưa, đội ngũ làm phim có lẽ cũng muốn dành một sự tôn vinh dù thoáng qua đến những nền móng đã tạo nên series phim và cả một biểu tượng văn hoá đại chúng ngày hôm nay.
Cái tên Jurassic World trực tiếp đề cập đến việc trong phim sẽ có những sinh vật từ thời đại cổ xưa. Nhưng trong bộ phim lần này, khán giả sẽ được thấy chúng – những con khủng long không còn đơn thuần là những động vật nguy hiểm. Về mặt khoa học, chúng vẫn là những sinh vật khổng lồ bị đánh thức khỏi cái chết ngàn vạn năm về trước. Nhưng về mặt tâm lý, Jurassic World còn kể cho khán giả một câu chuyện lớn hơn thế, khi đội ngũ sản xuất đã dùng bộ phim của họ để chứng minh những con khủng long kia có tâm hồn, niềm kiêu hãnh giống loài và không thể bị thuần hoá. Chúng là những loài khác nhau, sống ở những môi trường khác nhau, nhưng chúng đều biết đến nỗi đau và cái chết.
Lũ khủng long đã có cơ hội tự chứng minh được chúng có khả năng vượt qua những khác biệt về chủng loài vì mục tiêu sống còn – tiêu diệt kẻ ngoại lai nguy hiểm. Một “Câu chuyện khủng long” phiên bản rút gọn với nhiều bất ngờ lý thú khi những sinh vật ăn thịt khổng lồ ấy tự tìm câu trả lời cho câu hỏi “Trong số chúng, ai là kẻ trị vì?”.
“Ngoác?”
Jurassic World cũng là cơ hội để người xem thấy được một diện mạo mới của Chris Pratt - một Owen khác biệt với bất cứ vai diễn nào trước đây của anh, dù cho khuôn mặt và ngoại hình thì gần như “sao y bản chính” từ chàng Star Lord trong Guardians of the Galaxy.
Bầy khủng long, cũng là một sinh vật sống, chúng có linh hồn, chúng không thể bị thuần phục. Đó là điều mà chàng huấn luyện thú Owen luôn tin tưởng. Nhân vật Owen trong bộ phim này không đơn thuần đóng vai trò của tay lão làng có kinh nghiệm giúp giải quyết mọi khó khăn, anh còn là người truyền cảm hứng, một người bạn đồng hành điển trai và đáng tin cậy.
“Ông bố đơn thân” Owen và đàn raptor
Điển trai thì hẳn nhiên là điều đầu tiên người ta nhìn thấy ở Chris Pratt, người ta cũng nhìn thấy một người bạn đồng hành đáng tin cậy ở Chris khi anh vào vai Star Lord, nhưng trong bộ phim này, Chris đã thể hiện được sức quyến rũ của một người truyền cảm hứng. Thái độ khiêm nhường nhưng dứt khoát khi Owen tiếp xúc với lũ raptor hay khi anh vuốt ve an ủi một con khủng long ăn cỏ trong cơn hấp hối… tất cả những điều ấy đã khiến Claire thay đổi những suy nghĩ đã bám rễ trong đầu mình, khiến Gray và Jack lập tức bám lấy anh ngay khi gặp mặt, hay thậm chí khơi dậy được cả ở lũ raptor sự trung thành không tưởng. Và không chỉ các nhân vật trong phim, khán giả chắc chắn cũng “để dành” cho mình được ít nhiều tình yêu động vật họ thấy được trong những cử chỉ ấy.
Jurassic World cũng nối dài thêm danh sách rất những bộ phim bom tấn mà cậu bé Ty Simpkins tham gia. Trong phim, nam diễn viên 13 tuổi vào vai cậu em trai Gray mọt sách với niềm yêu thích không bờ bến với loài khủng long và nỗi ám ảnh về kết thúc bất hạnh đang treo lơ lửng trên đầu gia đình mình – một dạng pha trộn giữa Harley Keener của Iron Man với Dalton Lambert của Insidious. Cũng không thể không nhắc đến Bryce Dallas Howard trong vai Claire. Với đôi mắt trong veo cùng bộ trang phục kiểu Tarzan & Jane trên đôi giày cao gót bền một cách khó hiểu, Bryce cùng những màn tung hứng nhịp nhàng với bạn diễn của mình đã tạo nên cho Jurassic World một chút tính nữ đầy mạnh mẽ và đáng yêu.
Bryce Dallas Howard trong vai Claire
Với tiết tấu vừa đủ, lối pha trò đa dạng và số lượng những cảnh giật gân máu me được phân bổ hợp lý, Jurassic World là một chuyến hành trình dài 124 phút thú vị và sảng khoái. Một bộ phim đã mắt, đã tai, nhưng cũng đủ khiến bạn phải lắng lại suy nghĩ về những câu hỏi được đặt ra một cách gián tiếp trong bộ phim.