Cả hai cái tên này đều quen thuộc với những ai say mê các bộ Manga của Nhật Bản.
Đừng ngạc nhiên nếu bạn xem phim Pacific Rim (tên có nghĩa đúng là Vành đai Thái Bình Dương, nhưng được các nhà phát hành ở Việt Nam làm “dữ” lên với cái tên Siêu đại chiến) và phát hiện rằng tâm điểm của bộ phim này là Kaiju và Jaeger. Cả hai cái tên này đều có cái gì đó quen thuộc với những ai say mê các bộ truyện Manga của Nhật Bản.
Vai chính của Pacific Rim là những phi công điều khiển Jaeger, những robot khổng lồ có kích thước như những toà nhà cao hàng chục tầng, được trang bị đủ loại vũ khí theo trí tưởng tượng của trẻ con và hoàn thiện theo cách làm của người lớn. Những robot này đấu với Kaiju, những quái vật khổng lồ xuất hiện từ đáy biển sâu – và luôn luôn là bất ngờ từ biển, một loại môtíp kịch bản truyền thống của người Nhật nhưng chưa bao giờ nhàm chán qua nhiều thập niên.
Những chú Kaiju và Jaeger bước ra từ Manga.
Trong đời thật, Kaiju từ tiếng Nhật, có nghĩa là “quái vật lạ thường”, nhưng là cảm hứng từ hình thái khủng long được cả thế giới biết đến qua bộ phim Godzilla của đạo diễn Inshiro Honda, thực hiện vào năm 1954. Bản thân Godzilla đã được các đạo diễn trên thế giới thực hiện đến 28 cuốn phim từ nó, và có hẳn một đế chế riêng về hình ảnh, thương mại và ngôn ngữ.
Còn về Jaeger, có chút bóng gió từ ngữ của tiếng Đức, có nghĩa là “người đi săn”, nhưng cũng là sản phẩm thuần Nhật. Ý tưởng về loại robot khổng lồ này xuất hiện ở Nhật từ năm 1956, khi nhà văn, người vẽ truyện manga cho ra mắt bộ Tetsujiin 28-go, mô tả một robot khổng lồ do một thiếu niên điều khiển. Năm 1972, trong bộ manga có tên Mazinger Z, hoạ sĩ Go Nagai đã chỉnh sửa ý tưởng này, thay vào chuyện một thiếu niên sẽ bị yếu ớt về thể chất khi điều khiển con robot này, mà thế bằng chuyện điều khiển bằng hệ thống thần kinh. Ý tưởng này được lặp lại và trở nên độc đáo hơn trong Pacific Rim.
Và tạo hình Jaeger trong Pacific Rim.
Cũng cần nói thêm là cả hai bộ truyện Manga nói trên của Nhật đã có thời kỳ thành công siêu lợi nhuận trên toàn cầu, không khác gì cơn sốt bộ truyện Doraemon và Bảy viên ngọc rồng ở Việt Nam.
Trong phần chạy credit cuối phim, người ta cũng thấy lời cảm ơn đạo diễn Inshiro Honda, cùng với tiếng gầm của con Kaiju thời kỳ đầu tiên kèm theo. Sự tưởng tượng từ hơn nửa thế kỷ trước của người Nhật vẫn sống động đến ngày nay. Thậm chí ông Inshiro Honda (sinh năm 1911, mất năm 1993) cũng không tưởng tượng nổi là đứa con tinh thần của mình đã lớn mạnh như thế nào.
Nhưng đạo diễn Guillermo del Toro cũng không phải là người đầu tiên làm nên ngôn ngữ điện ảnh giữa Kaiju và Jaeger. Năm 1973, bộ phim mang tên Godzilla vs. Megalon cũng đã được thực hiện, dù kỹ xảo điện ảnh còn thô sơ, nhưng khán giả cũng mê mệt với cuộc chiến giữa quái vật Godzilla và robot khổng lồ có tên Jet Jaguar. Đạo diễn Guillermo del Toro làm mọi thứ trở nên kinh hoàng theo kiểu Hollywood, cho xuất hiện đến 4 – 5 robot như vậy, cùng với nhiều kỹ xảo hình ảnh và âm thanh của thế kỷ 21. Bộ phim có ngân sách khoảng 180 triệu USD, và chỉ trong tuần đầu công chiếu (phát hành chính thức ngày 12.7.2013), đã vượt mức 37 triệu USD. Người ta dự đoán là đến hết năm, có thể nó sẽ vượt mức 200 triệu USD.
Cuộc chiến nảy lửa giữa Kaiju và Jaeger.
Không phải là lần đầu tiên trí tưởng tượng độc đáo của người Nhật đã ảnh hưởng đến nền giải trí toàn cầu. Phim Vua sư tửcủa Walt Disney thực hiện cũng được phóng tác từ truyện của ông tổ manga Tezuka Osamu. Thậm chí Iron man cũng là một phiên bản khác của Astro Boy, có từ năm 1952 trên hệ thống truyền hình Nhật Bản.
Vượt xa các tiên đoán của thế giới thực tế, người Nhật có một sức tưởng tượng lạ kỳ và tạo nên một làn sóng văn hoá “huyền thoại thực tế” không giống bất kỳ một quốc gia nào trong sách vở, điện ảnh và Otaku đời thường. Vào những lúc sự tưởng tượng của thế giới tưởng chừng như bế tắc hay nhàm chán, ý tưởng của người Nhật lại giúp tái tạo phần viễn mộng đẹp nhất mà con người đã mất.