“Sống chung với mẹ chồng” là bộ phim truyền hình sở hữu nhiều nhân vật bị khán giả ghét nhất từ trước đến nay. Dì Bích (Thanh Tú) – dì ruột của Vân (Bảo Thanh) là trường hợp đặc biệt khi được khán giả yêu quý và ủng hộ.
Dù đã gần về cuối song phim “Sống chung với mẹ chồng” vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Mỗi nhân vật trong phim đều có những khuyết điểm khiến khán giả cảm thấy bực mình hay thậm chí là ghét cay ghét đắng. Duy chỉ có dì Bích (Thanh Tú) – dì ruột của Vân (Bảo Thanh) là được mọi người dành nhiều tình cảm và ủng hộ ngay từ những tập đầu tiên.
Người phụ nữ đanh đá và hơi xuề xòa:
Dì Bích xuất hiện trong tập 1 và tập 2 của bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” để lại cho khán giả ấn tượng là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, xởi lởi nhưng hơi đanh đá, nhiều chuyện và xuề xòa.
Dì Bích tất bật rủ mẹ Vân đi xem tuổi, xem ngày cưới, may áo dài và mua của hồi môn cho cháu gái. Dì tính toán mọi điều rất nhanh và quyết đoán. Dù dì nhiều chuyện và đanh đá nhưng lại rất lo cho cháu gái.
Ngay từ đầu, dì Bích đã luôn bảo vệ Vân khi bố mẹ cô luôn đứng về phía gia đình nhà thông gia. Đối với bố mẹ Vân thì gia đình nhà thông gia là tốt nhất, con rể là tuyệt vời còn là thân con gái thì phải lo lắng và nhẫn nhịn nhà chồng. Dì Bích thì luôn yêu cầu bố mẹ Vân phải đứng ở vị trí bình đẳng với gia đình thông gia và phải ưu tiên bảo vệ con gái mình.
Dù cách nói của dì nghe hơi đanh đá và toan tính nhưng thật ra lại hoàn toàn hợp lý. Dì ý kiến sao bố mẹ Vân thách cưới ít quá, tại sao Thanh (Anh Dũng) lại không gọi điện về cho bố mẹ vợ… Dì cho rằng cháu mình thì mình không trách nhưng chồng nó thì nhất định phải trách vì cư xử chưa có trước có sau.
Sính lễ hay bữa cơm nhà trai mời nhà gái thì tấm chân tình là chủ yếu. Tuy nhiên, đối với điều kiện kinh tế khá giả như nhà Thanh, việc tiếp đãi nhà thông gia như vậy là thể hiện sự không tôn trọng, keo kiệt đến mức bần tiện. Chắc chỉ có dì Bích đủ tỉnh táo để nhìn ra bản chất của gia đình Thanh.
Người phụ nữ thấu tình đạt lý và tình cảm:
Những ngày Vân mới chân ướt chân ráo về làm dâu, dì Bích là người lắng nghe cô chia sẻ mọi chuyện diễn ra ở nhà chồng. Dì khuyên cô đối với mẹ chồng thì phải nịnh mới có thể có cuộc sống thuận hòa. Dì giúp Vân làm công tác tư tưởng cho bố mẹ để bố mẹ cho Vân vay tiền mua nhà riêng…
Nhưng dì không bênh cháu một cách mù quáng. Khi Vân lần lữa không chịu sinh con, dì khuyên cô nên suy nghĩ kĩ, nếu dì là mẹ chồng của cô thì dì cũng sẽ thấy khó chịu như bà Phương (NSND Lan Hương “Bông”).
Thương cháu, muốn cháu hạnh phúc nhưng dì Bích vẫn đứng trên góc nhìn của nhà thông gia để xem xét vấn đề. Đến khi hôn nhân của Vân và Thanh không còn có cách nào để cứu vãn nữa, dì Bích hết lòng ủng hộ cô ly hôn.
Đối với dì Bích thì cháu rể nhà mặt phố, bố làm to, công chức nhà nước; hay hàng xóm láng giềng dị nghị cũng không bằng hạnh phúc của cháu gái mình. Đời sống kinh tế đầy đủ tạo điều kiện cho vợ chồng có thể quan tâm, đưa đến cho nhau những điều tốt nhất nhưng nó không thể đảm bảo cho hôn nhân hạnh phúc. Nếu sống cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần bị dày vò thì cuộc sống đó cũng không khác gì địa ngục.
Kết
Dì Bích chỉ là người ngoài với cuộc hôn nhân của Vân và Thanh. Tuy nhiên, đúng như câu nói: người ngoài cuộc thường tỉnh táo hơn người trong cuộc, dì đã nhìn rõ lý do khiến Vân và Thanh phải ly hôn. Nếu duy trì cuộc hôn nhân bất hạnh chỉ vì cái nhìn của người khác thì sẽ là bi kịch của tất cả mọi người.
Dì Bích yêu thương cháu gái nhưng không bảo vệ cháu một cách mù quáng mà xem xét vấn đề có trước có sau. Chính vì vậy, những lời khuyên và ý kiến của dì được tất cả khán giả theo dõi Sống chung với mẹ chồng ủng hộ nhiệt tình.