Những tháng đầu năm là thời điểm đẹp nhất để thăm thú, vãn cảnh Chùa Hương. Vậy chắc chắn bạn sẽ phải nằm lòng những kinh nghiệm dưới đây.
Chùa Hương là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn bậc nhất ở miền Bắc, đặc biệt trong những tháng đầu năm. Quần thể di tích tâm linh Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Nội, cách trung tâm hội nghị Quốc Gia - Hà Nội 61,6km.
Với những ai chưa từng tới Chùa Hương thì thường nghĩ rằng đây là một ngôi chùa riêng lẻ, nhưng thực ra Chùa Hương là một quần thể các công trình văn hóa tâm linh, trong đó gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp và đền thờ những vị thần bản địa.
Chùa Hương cũng là một danh lam thắng cảnh với những di tích lịch sử lâu đời nổi tiếng trường tồn với thời gian, những dấu tích của các bậc Vua Chúa, những danh nhân nổi tiếng cũng còn được lưu lại đến ngày hôm nay.
Di chuyển đến Chùa Hương
Để đến được quần thể danh thắng Chùa Hương, du khách sẽ phải vượt qua hai chặng đường, một là đường bộ đến Bến Đục - Suối Yến, sau đó lên thuyền di chuyển thêm 4km nữa mới tới được chân núi Hương Sơn lối dẫn lên Động Hương Tích, nơi chùa chính.
Quần thể danh thắng Chùa Hương có đến bốn tuyến tham quan, một tuyến chính và 3 tuyến phụ. Mỗi tuyến lại có những điểm dừng chân chiêm bái và tham quan khác nhau như:
- Tuyến chính Hương Tích: Đền Trình, Chùa Thiên Trù, Động Tiên Sơn, Chùa Giải Oan, Đền Trần Song, Động Hương Tích, Chùa Hinh Bồng.
- Tuyến tham quan Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài, Động Chùa Cá, Động Tuyết Sơn.
- Tuyến tham quan Long Vân: Chùa Long Vân, Động Long Vân, Hang Sũng Sàm.
- Tuyến tham quan Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn, Động Hương Đài.
Các điểm tham quan ở Chùa Hương
Động Hương Tích
Là nơi được Chúa Trịnh ban cho danh hiệu “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, động Hương Tích thật sự khiến du khách mê đắm bởi vẻ đẹp của mình. Theo lời người xưa truyền lại, động Hương Tích được xem như là miệng của một con rồng lớn, mà lưỡi của con rồng này là núi Đụn Gạo.
Bên trong động Hương Sơn còn thu hút du khách với những tuyệt tác của tự nhiên như các khối thạch nhũ với nhiều hình dáng khác nhau như hình con trâu, “Cửu Long tranh châu”, cây vàng,...
Động Hương Tích hiện nay là nơi thờ phượng Phật Bà Quan Âm, vậy nên khách du lịch hành hương có thể đến đây thăm viếng, cầu xin bình an và may mắn. Động Hương Tích là một trong những địa điểm trọng yếu của khu danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương).
Đền Trình
Đền Trình là một trong những địa điểm tham quan trọng điểm trong khu vực này. Đền Trình hay còn được biết đến với tên gọi khác là Ngũ Nhạc Linh Từ, đền nằm dưới chân núi Ngũ Nhạc. Du khách có thể đến đền Trình bằng cách đi đồ xuôi dòng Yến Vỹ khoảng 500m. Khi ngồi trên thuyền, du khách cũng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu danh thắng Hương Sơn.
Vào đền Trình, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của ngôi đền được xây dựng theo phong cách thời Lê với kiểu chữ tam (bao gồm hậu cung, đại bái, tiền đường). Bên cạnh đó, du khách còn có thể thấy bốn bức cốn đầu dư được chạm khắc tứ linh vô cùng tinh xảo.
Chùa Thiên Trù
Nằm trong khu vực danh thắng Hương Sơn, chùa Thiên Trù như chốn thần tiên riêng biệt, thanh tịnh, trong lành và vô cùng thư giãn. Cũng vì vậy mà chùa Thiên Trù được mệnh danh là “Biệt chiếm nhất nam phủ”, nghĩa là lâu đài nguy nga, tráng lệ nhất trời nam.
Suối Yến
Suối Yến là dòng suối dài khoảng 4km, dẫn từ khu vực ngoài cùng của khu danh thắng Hương Sơn - bến đò Bến Đục. Để đi vào tham quan, viếng các đền chùa phía trong của khu di tích Hương Sơn, du khách chắc chắn phải đi qua con suối này - con đường thủy duy nhất dẫn vào khu chùa Hương.
Ngồi trên thuyền xuôi theo dòng nước, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khu vực chùa Hương. Nhờ cảnh đẹp khác biệt, du khách thường đến đây để hành hương bái Phật, vừa để tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quang nơi đây.
Ngoài ra, một số điểm tham quan đặc sắc ở Chùa Hương là làng Yến Vỹ, chùa Thanh Sơn, chùa Long Vân, chùa Tuyết Sơn,...
Ăn uống ở Chùa Hương như thế nào?
Bạn có thể chuẩn bị đồ ăn, thức uống trước khi đi Chùa Hương. Tuy nhiên với những ai không muốn mang vác nặng thì cũng không cần quá lo lắng. Ở đây có rất nhiều hàng quán phục vụ đủ các loại đồ ăn, đồ uống với giá cũng không quá cao. Bạn cũng có thể hỏi giá trước khi mua hàng.
Chi phí các dịch vụ ở Chùa Hương
Giá tham khảo của các dịch vụ tại Chùa Hương như sau:
Giá xe điện
Dịch vụ xe điện lần đầu tiên được đưa vào phục vụ tại 3 tuyến: Bến xe Hội Xá - Bến đò Yến Vỹ; Bến xe Đục Khê - Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe đường số 1 - Bến đò chùa Tuyết Sơn.
Vé dịch vụ xe điện có giá 10.000 đồng/người/lượt, đồng giá cho cả 3 tuyến.
Giá vé đi đò
Tuyến đò đi Hương Tích có giá 50.000 đồng/người/2 lượt.
Tuyến đò đi Long Vân - Tuyết Sơn có giá 30.000 đồng/người/2 lượt.
Giá vé thắng cảnh
Giá vé vào cửa Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn được niêm yết là 130.000 đồng (80.000 vé vào cửa và 50.000 phí đi đò).
- Vé thăm quan trên đã có bảo hiểm
- Người già trên 60 tuổi được giảm 50% giá vé thăm quan (khi mua vé tại các cổng trạm phải xuất trình CCCD và thẻ hội viên người cao tuối
- Miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cao dưới 1.1m
Giá vé cáp treo
Giá vé cáp treo được niêm yết là 220.000/vé khứ hồi dành cho người lớn, 150.000/vé dành cho người lớn 1 chiều.
Giá vé cáp treo trẻ em là 150.000/vé khứ hồi, 100.000/vé 1 chiều.
Giá vé gửi xe
Vé gửi ô tô theo giờ dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/giờ tùy loại xe.