Không còn tìm kiếm niềm vui trên mạng xã hội hay 24/7 dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại, ngày nay giới trẻ đã có những hoạt động giải trí cực hấp dẫn và tạo tiền đề để thêm yêu nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Từng là những nội dung nghệ thuật gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Thế nhưng, khi mạng xã hội, thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến ra đời thì dần dần mọi người lại quên đi một số hoạt động văn hóa truyền thống như xiếc, múa rối nước hay các buổi trình diễn đầy sắc màu, tiếng cười ở các sân khấu kịch.
Gần đây, giới trẻ bắt đầu hào hứng trở lại với những loại hình nghệ thuật này. Khi các nghệ sĩ đầu tư nhiều hơn về các xuất diễn, phần kịch bản và chuẩn bị công phu. Từ đó, thu hút được lượng lớn khán giả sẵn sàng đến xem trực tiếp và tạo nên những hoạt động giải trí mới đáng để trải nghiệm trong tương lai gần.
Múa rối nước
Khác với các loại hình múa rối khác trên thế giới, múa rối nước là nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam, phản ánh sâu sắc đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng và lịch sử của dân tộc ta.
Múa rối nước xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước, có nguồn gốc từ các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Đây là loại hình biểu diễn mà sân khấu chính là mặt nước, các con rối được điều khiển bởi những nghệ nhân ẩn mình sau tấm mành tre, dùng hệ thống sào, dây kéo, máy ròng rọc để tạo nên những chuyển động sinh động. Những con rối gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, sơn màu rực rỡ, khi di chuyển trên mặt nước trông như có phép thuật, tạo nên một thế giới huyền ảo ngay trước mắt người xem.
Điểm hấp dẫn của múa rối nước không chỉ nằm ở những con rối đáng yêu mà còn ở những câu chuyện được kể qua từng tiết mục.
Mỗi vở diễn tái hiện những câu chuyện dân gian quen thuộc như: Thạch Sanh, Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh... hay các giai thoại lịch sử về những anh hùng dân tộc.
Biểu diễn con rối ở dưới nước sẽ đòi hỏi kĩ thuật khó, công phu hơn so với biểu diễn trên cạn. Những người nghệ nhân phải tỉ mỉ, cẩn trọng thực hiện từng thao tác của con rối để thể hiện rõ nội dung trong kịch bản.
Không chỉ là một màn trình diễn rối, múa rối nước còn kết hợp với âm nhạc truyền thống, bao gồm chèo, trống, đàn bầu, đàn nhị… tạo nên không gian nghệ thuật đậm chất dân gian. Những làn điệu chèo trữ tình, câu hát quan họ ngọt ngào hay tiếng trống rộn ràng càng làm cho khung cảnh trên sân khấu trở nên sống động và cuốn hút hơn.
Múa rối nước là bức tranh phản ánh đời sống tâm linh khi sử dụng những nhân vật linh thiêng luôn luôn đem lại bình an trong cuộc sống.
Ngày nay, có nhiều địa điểm biểu diễn múa rối nước nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng, Quận Hoàn Kiếm) là địa chỉ quen thuộc, nằm ngay bên Hồ Gươm, nơi thường xuyên có các suất diễn phục vụ du khách. Nhà hát múa rối nước Việt Nam (361 Trường Chinh, Quận Thanh Xuân) và nhà hát múa rối nước Bông Sen (116 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm) cũng là điểm đến thú vị, mang đậm không gian truyền thống.
Ở TP.HCM, du khách có thể thưởng thức múa rối nước tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (55B đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1) hoặc Nhà hát múa rối Rồng Vàng (gần công viên 23/9, Quận 1), nơi có nhiều chương trình được dàn dựng công phu.
Xiếc
Gần đây, vở diễn Vùng đất kỳ bí tại rạp xiếc Công viên Gia Định thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ và “hot rần rần” trên các nền tảng mạng xã hội. Lấy ý tưởng từ vùng đất bị hạn hán, để cầu mưa thì chiếc "Trống gọi trời" phải có được 5 viên đá ngũ hành Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ, từ đó dẫn dắt khán giả vào 5 hành trình đi từ bất ngờ này, sang bất ngờ khác.
Những hình ảnh, video do khán giả đầu tiên chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng tạo hiệu ứng lan truyền, thu hút sự tò mò từ công chúng. Vẻ đẹp mãn nhãn của vở diễn là yếu tố khiến khán giả không ngừng đổ xô mua vé.
Vở diễn "Vùng đất kỳ bí" tạo nên sức hút đặc biệt đối với công chúng.
Xiếc không chỉ là một bộ môn giải trí mà còn là một loại hình nghệ thuật đầy sáng tạo, kết hợp giữa sự khéo léo, sức mạnh và cảm xúc. Những màn nhào lộn, tung hứng, đu dây hay diễn xiếc thú đều mang đến sự bất ngờ và thích thú cho khán giả ở mọi lứa tuổi.
Xem xiếc là hoạt động lý tưởng để gắn kết mọi người. Khi cùng nhau hồi hộp dõi theo những pha biểu diễn mạo hiểm hay bật cười trước những tiết mục hài hước của các nghệ sĩ, hứa hẹn mang đến cho bạn những giây phút đáng nhớ bên những người thân, bạn bè.
Bằng cách đến rạp xiếc, bạn không chỉ được tận hưởng những màn biểu diễn đặc sắc mà còn góp phần bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật này. Ngày nay để xem xiếc, bạn có thể lựa chọn những địa điểm sau: Rạp Xiếc Trung Ương là (67-69 Trần Nhân Tông, Quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), rạp xiếc Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, Quận Gò Vấp, TP.HCM)...
Kịch
Trong những năm gần đây, sân khấu kịch đã có sự hồi sinh mạnh mẽ, trở thành một trong những loại hình nghệ thuật ăn khách, thu hút đông đảo khán giả. Ở bất kỳ độ tuổi nào, vào dịp cuối ngày, cuối tuần đều tìm đến các sân khấu để tận hưởng những vở diễn đầy cảm xúc, hài hước và giàu tính nhân văn.
Những vở kịch như đưa người xem trở về với tuổi thơ.
Một trong những dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt nhất cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của kịch là tình trạng “cháy vé” liên tục tại nhiều sân khấu lớn. Những suất diễn của các nhà hát nổi tiếng như Idecaf, Thế Giới Trẻ (TP.HCM) hay Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) thường kín chỗ từ sớm, thậm chí khán giả phải đặt vé trước cả tuần. Điều này chứng minh rằng nhu cầu thưởng thức kịch đang ngày càng tăng cao, nhất là trong thời đại mà công nghệ số phát triển, nhưng con người vẫn mong muốn tìm đến những trải nghiệm nghệ thuật trực tiếp và chân thực.
Trải qua 35 số, "Ngày xửa ngày xưa" là vở kịch được nhiều người dân tại TP.HCM săn lùng vé mỗi khi mở bán. Năm 2024, cuộc "săn vé" để xem vở kịch này đạt mốc hơn 10.000 vé trong 15 phút.
Nếu như trước đây kịch thường được xem là loại hình nghệ thuật dành cho thế hệ lớn tuổi, thì hiện nay, giới trẻ lại là nhóm khán giả năng động và ủng hộ nhiệt tình nhất. Lý do là bởi nhiều vở diễn đã được làm mới theo phong cách trẻ trung, hiện đại. Đặc biệt là sự kết hợp giữa kịch và yếu tố hài hước. Không chỉ thế, trong mỗi tình huống kịch đều ẩn chứa thông điệp nhân văn, hướng đến giáo dục nhân cách con người hay các mặt trái của xã hội càng làm người xem thấy hứng thú, hào hứng.
Sự trở lại mạnh mẽ của kịch, xiếc, múa rối nước... là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của nghệ thuật sân khấu. Không chỉ giúp khán giả thư giãn, cười sảng khoái mà còn mang lại những giá trị văn hóa, giáo dục sâu sắc.