"Mad Max: Fury Road": Cuộc hành trình của nữ quyền

Ngày 23/05/2015 09:16 AM (GMT+7)

Sau 30 năm, sự xuất hiện trở lại trên màn ảnh nhân vật Max điên là ví dụ mẫu mực cho cách mà Hollywood nên hồi sinh một series phim tưởng chừng đã trôi vào quên lãng.

Mad Max: Fury Road tiếp tục được chắp bút bởi biên kịch kiêm đạo diễn George Miller, cha đẻ của series này cũng như là người đã tạo nên thành công của ba phần phim trước. Tuy nhiên, sau gần 30 năm (phần phim dài gần đây nhất - Mad Max: Beyond the Thunderdome được sản xuất năm 1985) chìm trong quên lãng, câu chuyện, bối cảnh thậm chí là kiểu nhân vật của Mad Max có gì đó đã “lỗi thời” so với những gì khán giả ngày nay thường mong đợi ở một bộ phim hành động.

Khi mà "kỷ nguyên" của những phim siêu anh hùng và việc sử dụng ứng dụng công nghệ CGI bùng nổ, người ta không còn quá kỳ vọng vào một bộ phim "thuần chủng" hành động. Thế nhưng, đạo diễn George Miller đã rất xuất sắc trong việc làm hồi sinh thế giới hoang tàn của 30 năm trước bằng một lối đi mới, và không chỉ hồi sinh, ông còn "tái tạo" phần 4 Mad Max trở thành một trong những bộ phim hành động xuất sắc nhất của thập kỷ.

quot;Mad Max: Fury Roadquot;: Cuộc hành trình của nữ quyền - 1

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để “lấy lòng” những khán giả chưa từng xem những phần trước của bộ phim, những khán giả đã xem nhưng không thích nó, thậm chí cả những khán giả ngồi trước màn ảnh rộng mà không cụ thể kì vọng một cái gì đó ở bộ phim? Đáp án rất đơn giản: ném họ vào một trận đấu ngay khi bộ phim mới bắt đầu, rồi sau đó nhấn chìm họ trong nhiều hơn nữa những cuộc đua nghẹt thở, nhiều hơn nữa nữa những màn giao đấu đầy kịch tính, những cao trào liên lục, gối lên nhau dồn dập cho tới điểm “phát nổ”.

Hai mươi phút đầu của Mad Max: Fury Road thực sự đã cuốn người xem vào thế giới bên trong nó, khiến họ không thể rời mắt dù chỉ trong hơi thở. Giống như một cơn bão cát khổng lồ cuốn tất cả mọi thứ vào trong cột xoáy, không cho người ta cơ hội thoát ra ngoài. Đắm chìm trong cơn lũ tình tiết ấy, không thiếu những khán giả có lẽ đã quên hẳn đống lí do bản thân đưa ra để chán ghét bộ phim này. Tấn công dồn dập, không để người xem có thời gian kịp suy nghĩ về điều gì khác ngoài những thứ đang xảy ra trước mắt – đây chính là chiến thuật mà các nhà làm phim đã sử dụng để hớp hồn những khán giả khó tính nhất.

quot;Mad Max: Fury Roadquot;: Cuộc hành trình của nữ quyền - 2

Một trường đoạn rượt đuổi trong phim

Nhưng nếu một bộ phim chỉ đẹp, dồn dập những cuộc đuổi bắt, những cảnh hành động cháy nổ rợp trời, thì xét cho cùng nó cũng chỉ giống như một bức tượng – mô phỏng lại được những nét đẹp về thể chất, nhưng không phản ánh được tâm hồn của nguyên mẫu mà từ đó nó ra đời. Mad Max: Fury Road đã thoát ra được vũng lầy ấy, tổng thể bộ phim là một sự kết hợp hoàn hảo giữa hình ảnh, âm thanh, và cảm xúc.

quot;Mad Max: Fury Roadquot;: Cuộc hành trình của nữ quyền - 3

Hình ảnh từ Mad Max Beyond Thunderdome (1985)

Nếu phần hình ảnh chính là điều tôn vinh những gì thành công nhất từ các phần phim trước, thì cách kể mới, góc nhìn mới và những nhân vật mới mới chính là những điều khiến Mad Max: Fury Load trở nên vượt trội. Hẳn người xem vẫn còn nhớ về Mad Max như một bộ phim về những thế giới điên cuồng thời kì hậu tận thế, vẫn là những vùng đất bị sa mạc hóa, vẫn là những kẻ sống sót đã bị tha hóa tới tận xương tủy. Mad Max: Fury Road vẫn khai thác câu chuyện về thế giới ấy, con người ấy, nhưng lại là một cuộc hành trình hoàn toàn khác.

quot;Mad Max: Fury Roadquot;: Cuộc hành trình của nữ quyền - 4

Kẻ phản diện Joe Bất tử

Nhiều khán giả tin rằng Fury Road có lẽ cũng chỉ “giống như một trong số các phần trước đây”, sẽ tiếp tục là những cuộc chiến tranh giành nhiên liệu, và Furiosa của Chalize Theron cũng chỉ là một điểm bổ sung “lạ miệng” nhưng không quá quan trọng. Và Max - đang bị giam trong hầm tối, sẽ làm “một cách nào đó” để thoát ra, và một lần nữa trở thành anh hùng.

Ồ không phải vậy, trong bộ phim này, Max không phải là anh hùng. Anh ta chỉ đóng vai trò là một người dẫn truyện phô trương, là cái cớ để người xem đến được với Joe Bất tử, rồi từ Joe Bất tử đến được với Furiosa. Và mặc kệ những cao trào đánh đấm truy đuổi lúc trước, đây mới là lúc bộ phim thực sự bắt đầu. Tất nhiên đôi lúc anh cũng vào vai một “thiên thần hộ vệ”, giúp các nhân vật vượt qua được những phút giờ ngặt nghèo nhất.

Một bộ phim diễn ra trong một thế giới điên cuồng với máy móc, xe cộ, súng ống… - những thứ mang biểu tượng của sức mạnh giống đực, thực ra lại ca ngợi nữ quyền và biểu dương sức mạnh của giống cái - nghe thì có vẻ phi lý, nhưng lại nằm trong một tổng thể hết sức hợp lý.

Sau bước ngoặt ấy, bộ phim, một mặt vẫn là nó - Mad Max, nhưng mặt khác đã trở thành khúc tráng ca của những người phụ nữ, những người nhận ra giá trị thực sự của mình, và sẵn sàng chết vì giá trị ấy. Bộ phim liên tiếp tạo ra những đối lập: ở bên này là Joe Bất tử, bằng một loạt những từ ngữ miệt thị như “cỗ máy đẻ”, “sữa bò”, “tài sản” với phía bên kia là Furiosa - một chút mơ mộng, một chút nhân từ ẩn giấu đâu đó trong vẻ ngoài lạnh lùng thô ráp. Kẻ mạnh tự xưng điên cuồng truy đuổi, giận giữ và cuồng nộ trong khi kẻ yếu thế bị truy đuổi, tuy có sợ hãi nhưng luôn kiên định vào mục tiêu đã vạch ra trong đầu. Một cuộc đuổi bắt buồn cười khi kẻ truy đuổi một mặt ra vẻ coi thường nhưng mặt khác luôn kinh sợ con mồi của mình. 

quot;Mad Max: Fury Roadquot;: Cuộc hành trình của nữ quyền - 5

Charlize Theron đã có diễn xuất tuyệt vời trong vai Furosia

Cuộc truy đuổi trong phim, bản thân nó không đơn thuần là một cuộc đòi lại những “tài sản bị cướp mất”, mà đã trở thành một cuộc “thị uy” của giống đực với giống cái vốn bấy lâu nay bị coi rẻ. Sức mạnh cơ bắp vốn được tôn sùng như biểu tượng của kẻ thống trị trở nên vô nghĩa trước lằn ranh của sống và chết, của sự phát triển và suy vong.

Đáp án dành cho bài toán giữa hai phe, cũng là bài toán cần giải của cả series đã rõ ràng: giữa một thế giới đang chết đi, kẻ nào tạo ra được sự sống, kẻ đó chiến thắng. Cướp bóc, cai trị sẽ dẫn đến diệt vong, chỉ khi hỗ trợ nhau xây dựng lại mọi thứ, con người mới có hi vọng. Và Furiosa đã dẫn dắt, không chỉ những người xung quanh mình, mà cả series phim, đến với “hi vọng” ấy. Cô chính là người nữ anh hùng được ban phép, một phiên bản Jeanne d’Arc có hậu hơn trong tương lai hậu tận thế.

Những người quan tâm tới dự án Mad Max: Fury Road đã từng băn khoăn câu hỏi: Max sẽ là ai ngoài Mel Gibson? Và họ đã có cho mình câu trả lời thỏa mãn. Tom Hardy chính là Max của những năm 2015, với những tính cách tâm lý và ngoại hình không thua kém phiên bản đầu tiên của Mel Gibson, và tất nhiên, pha trộn trong đó cả một chút quyến rũ theo tiêu chuẩn của thế kỉ 21.

quot;Mad Max: Fury Roadquot;: Cuộc hành trình của nữ quyền - 6

Đạo diễn George Miller cùng hai “phiên bản” Max Điên trong buổi họp báo ra mắt phim tại Los Angles

Một tuần sau ngày công chiếu, Mad Max: Fury Road vẫn không ngừng nhận được những lời tán dương nhiệt liệt đến từ cả hai phía - người xem và giới phê bình điện ảnh. Một bộ phim không có gì để chê trách. Đã từ rất lâu rồi Hollywood thiếu đi một bộ phim nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ đến như vậy, và tương lai sẽ cần thêm rất nhiều bộ phim như thế; không chỉ vì sự phát triển của nền điện ảnh nói chung, mà đó còn là sự hiện thực hóa giấc mơ phục hưng dòng phim bom tấn hè như những ngày xa xưa.

Anh Phan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Charlize Theron