Nếu can đảm, bạn hãy thử một lần leo vào bên trong lòng một ngọn núi lửa.
Bạn mê mẩn khi ngắm những bưu thiếp có in hình núi lửa, hay ấn tượng với cảnh núi lửa phun trào mãnh liệt? Chỉ có một nơi duy nhất trên trái đất, bạn có thể khám phá núi lửa từ phía bên trong. Đó là núi lửa Thrihnukagigur ở Iceland.
Iceland nổi tiếng là vùng đất với hệ thống tới 30 ngọn núi lửa rải rác khác nơi, là địa điểm lý tưởng cho những ai thích tìm hiểu về hoạt động của núi lửa và nham thạch.
Thrihnukagigur trong tiếng Iceland có nghĩa là “ba lòng chảo lửa” là một ngọn núi độc nhất vô nhị trong hệ thống núi lửa này.
Ngọn núi được hình thành cách đây 4.000 năm, trước cả khi con người đặt chân lên Iceland. Nó được phát hiện lần đầu năm 1974, và được đưa lên bản đồ địa chất vào năm 1991. Để vào bên trong núi lửa, những người thám hiểm phải đi qua một lối vào kích thước 4x4 mét, để xuống độ sâu 120 mét bên dưới.
Người đầu tiên đặt chân vào lòng núi lửa là nhà thám hiểm Arni Stefansson. Ông kể về kinh nghiệm đầu tiên này như một sự thất vọng tràn trề. Những gì ông thấy khi đó theo ông vô cùng xấu xí. Stefasson tránh xa núi lửa này tới 17 năm. Nhưng khi ông quay lại lần thứ hai, với đầy đủ dùng cụ và những chiếc đèn đủ sáng, nghiên cứu hang động lâu hơn, ông đã thấy hết vẻ đẹp của nó.
Ngày nay, những người tham gia tour thám hiểm núi lửa này sẽ bắt đầu hành trình từ vùng Blue Mountains, cách thủ đô Iceland không xa. Từ đây, họ phải leo lên đỉnh Thrihnukagigur, mất khoảng 45 phút. Sau đó, họ sẽ được đưa vào trong núi lửa bằng một cầu thang đặc biệt, một lợi thế hơn nhiều so với người thám hiểm đầu tiên, phải vào bằng dây thừng trong bóng tối.
Không ai biết chính xác vì sao phần ruột rỗng của núi lửa Thrihnukagigur lại cạn kiệt nham thạch. Nhiều người cho rằng những nham thạch này bị hút vào trong những vách đá, hoặc trở lại lòng đất.
Để khám phá một ngọn núi lửa, bạn cần phải có sự can đảm. Bởi khi một ngọn núi lửa không hoạt động trong vài năm không có nghĩa nó không thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, những gì bạn được chiêm ngưỡng khi dám mạo hiểm thật tuyệt vời. Đó là những bức vách, hang động đá đủ màu sắc do hấp thụ khoáng chất trong nham thạch. Chất sắt cho màu đỏ, các chất silica cho màu sáng hơn, basalt cho màu tối. Những sắc màu này cuốn quyện, tạo nên những họa tiết độc đáo.
Đây là địa điểm lui tới thường xuyên của các nhà khoa học, những người muốn khám phá nguyên nhân và quá trình vận động nội tại của những ngọn núi lửa.