Theo quy luật bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, ở nước ta mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và tập trung nhiều nhất trong các tháng 7, 8, 9, và 10. Trong giai đoạn này làm thế nào để đảm bảo an toàn khi du lịch biển?
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong năm nay. Đặc biệt, cần đề phòng bão mạnh, bão có đường đi phức tạp, trái quy luật và bão chồng bão xảy ra.
Cao điểm du lịch biển trùng với khoảng thời gian bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh.
Thực tế đã cho thấy, có nhiều cơn bão có đường đi rất phức tạp như di chuyển vào đất liền lại vòng ra biển rồi lại quay lại đất liền. Tương tự có những đợt bão liên tiếp xảy ra mà giới chuyên gia gọi là hiện tượng bão chồng bão. Có thời điểm liên tiếp trong vòng 1 tháng, cuối tuần nào (thứ 7 và chủ nhật) cũng xuất hiện một cơn bão.
Điều này cho thấy, mùa mưa bão tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trước. Trong khi đó, cao điểm của du lịch biển lại trùng với thời điểm bão thường hoạt động mạnh (tháng 7, 8, 9, và 10). Hơn thế, nhiều gia đình có xu hướng đặt tour từ rất sớm nên rất dễ gặp rủi ro khi gặp thời tiết bất lợi. Tuy nhiên đừng vì lo sợ mưa bão mà thay đổi hoạt động du lịch biển bởi bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội được đắm mình trong những bãi biển tuyệt đẹp ở Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà, Hạ Long... Chủ động và giữ tâm thế thoải mái là điều các chuyên gia khuyên.
Tìm hiểu kỹ về điểm đến: Khí hậu là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn điểm đến và quá trình chuẩn bị cho chuyến đi biển vào thời điểm bão hoạt động mạnh. Hãy tham khảo nơi đến bao gồm các yếu tố khí hậu như: số giờ nắng, nhiệt độ không khí, lượng mưa, xác suất xuất hiện bão tính theo trung bình năm… Ngoài ra, hãy tìm hiểu thật kỹ phương tiện di chuyển, tình hình tàu thuyền trên biển hay các hoạt động sẽ diễn ra trong chuyến du lịch. Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin về những điểm đến tương tự để so sánh. Đừng quên cập nhật các thông tin về điểm đến thường xuyên để có thể đưa ra quyết định đúng đắn như hủy vé, chuyển lịch trình khi có nguy cơ gặp các yếu tố bất lợi về thời tiết.
Bạn hãy tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan đến khí hậu trước khi đặt chuyến.
Chuẩn bị hành lý đối phó với mùa mưa bão khi du lịch: Nếu lựa chọn du lịch biển trong giai đoạn này, bạn nên có sự chuẩn bị chu đáo. Đồ dùng y tế cơ bản như cặp nhiệt độ, thuốc hạ sốt… là vật dụng cần thiết. Bạn cũng nên chuẩn bị thêm 1-2 bộ quần áo dự phòng để phòng trường hợp bị mắc kẹt lại khi có mưa bão; dự phòng thêm một chút đồ ăn khô để đảm bảo có đủ lương thực trong những điều kiện bất ngờ, bất khả kháng.
Chấp hành các nguyên tắc an toàn: Hãy hạn chế hoặc dừng các hoạt động tắm biển, tắm nắng, chơi các trò chơi thể thao ngoài bãi biển khi có cảnh báo và chỉ tiếp tục các hoạt động này khi các cơ quan chức năng cho phép. Đặc biệt phải tuân thủ các quy tắc an toàn khi mưa bão xảy ra, giữ liên hệ với các cơ quan chức năng để đảm bảo thông tin kịp thời và được trợ giúp tốt nhất khi cần thiết.
Khi có bão, áp thấp nhiệt đới bạn cần đảm bảo các quy tắc an toàn do các cơ quan chức năng đưa ra.
Giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ: Khi có bão, biển động, sóng lớn khiến bạn không thể tham gia các hoạt động tắm biển, tắm nắng, các trò chơi vận động trên bãi biển. Tệ hơn, bạn gần như không thể tham gia các hoạt động ngoài trời khác do vướng mưa lớn. Các chuyên gia đã chỉ ra, bão lôi cuốn một khối không khí ẩm rất lớn cho nên sinh ra mưa nhiều. Khu vực mưa lớn thường nằm ở phía bên phải đường đi của bão và thường xảy ra từ khoảng 12 giờ trước cho đến 12 giờ sau khi bão đổ bộ. Hầu hết các cơn bão gây nên mưa lớn tập trung trong vùng bán kính từ 100 - 200 km quanh mắt bão.
Hãy giữ tâm trạng thật thoải mái dù bất kỳ hoàn cảnh nào xảy ra.
Hãy giữ tâm trạng thoải mái để tận hưởng kỳ nghỉ. Bạn có thể thư giãn và trải nghiệm du lịch trong nhà. Thư giãn tại không gian café, tìm hiểu ẩm thực địa phương là một vài gợi ý cho bạn khi đi du lịch biển vướng mưa bão. Hãy tin rằng, ở trong hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ có những trải nghiệm thật thú vị.