Vườn quốc gia Tràm Chim với hệ sinh thái đất ngập nước là nhà của hàng trăm loài chim quý hiếm và muôn hoa nối tiếp nhau nở bốn mùa.
Trong hình là mảnh xanh ở Vườn quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao, năm 2023. Ảnh: Ngọc Tài
Nằm cách TP HCM 150 km, Vườn quốc gia Tràm Chim rộng gần 7.500 ha, là nơi sinh sống của hơn 230 loài chim, trong đó 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách Đỏ. Năm 2012, Tràm Chim được công nhận khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ tư của Việt Nam.
Khung cảnh Tràm Chim năm 2021 và trong vụ cháy trưa 11/6.
Trưa 11/6, Vườn quốc gia Tràm Chim cháy lớn, thiêu rụi nhiều diện tích rừng tràm, cây ăn trái, ảnh hưởng khoảng 100 hộ dân và môi trường sống của các loài chim quý. Đám cháy phát ra từ khu bảo tồn các sinh cảnh đất ngập nước, nơi các loài chim cư trú, kiếm ăn (phân khu A1). Nơi này cách tỉnh lộ 843 khoảng 300 m. Cột khói cao hàng trăm mét bao trùm khu vực rộng lớn.
Tràm Chim là điểm tham quan, nghiên cứu, "săn'' ảnh các loài chim. Ngô Trần Hải An, nhiếp ảnh gia sống tại TP HCM, cho biết đã đến Tràm Chim không dưới 10 lần vì yêu thích hệ sinh thái đa dạng của nơi này. "Khung cảnh khi đó đẹp và yên bình, rừng tràm xanh mướt, nước ngập tràn", anh An nói về Tràm Chim khi đến vào tháng 1.
Trong hình là chim cốc ở đầm hoa súng tại Tràm Chim vào tháng 1. Chim cồng cộc hay chim cốc có tên tiếng Anh là Great Cormorant, đuôi hơi dài và cổ họng có mảng màu vàng. Đây là loài chim nước, sống theo sông, kênh, rạch, ao hồ, đồng ngập nước. Thức ăn chính của cốc là cá.
Trong hình là chim cốc đế, loài chim quý thường sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ, ảnh chụp tháng 1.
Để vào Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách phải mua vé, thuê xuồng máy hoặc xuồng kéo di chuyển vào bên trong vườn, tối đa 20 người một phương tiện. Du khách được yêu cầu không xả rác trên suốt hành trình.
Vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11, Tràm Chim mở các tuyến tham quan kết hợp trải nghiệm dỡ chà bắt cá, giăng lưới, đặt lợp, bắt chuột. Đây cũng được xem là mùa chim sinh sản bởi khi con nước về, cá, tôm phong phú, trở thành thức ăn cho chim.
Chim trích cồ ở Tràm Chim vào tháng 1. Loài chim này thuộc họ gà nước, phân bố ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Nhiếp ảnh gia Hải An cho hay để "săn" được ảnh các loài chim ở Vườn Tràm Chim, anh nhiều lần "mặc mật phục" ngụy trang lá cây, ở trong rừng 3-4 ngày thậm chí cả tuần mới bắt gặp những loài chim quý hiếm hay gặp cảnh chim di cư.
Chim cổ rắn hay chim điên điển, loài chim lớn, thường sống trong các hồ, sông, đầm lầy, phá và rừng ngập mặn. Con trống có bộ lông màu đen hay nâu sẫm, mào mọc thẳng đứng trên đầu và mỏ lớn hơn của con mái. Chim mái có bộ lông nhạt màu hơn từ phần cổ trở xuống.
Chim quốc mốc trong đầm súng. Chim quốc mốc có tên gọi khác là chim kịch, thuộc họ gà nước, ngoại hình giống sâm cầm nhưng nhỏ hơn. Chim trưởng thành có mỏ màu đỏ. Chim sống xung quanh đầm lầy, ao, kênh, rạch và các vùng đất ngập nước nhiều cây cối.
Gà lôi nước Ấn Độ, có tên Latin là Metopdius indicus. Khi trưởng thành, gà lôi nước Ấn Độ có lông ở trên mắt và một dải lông mày rộng màu trắng kéo dài ra sau gáy. Phần lông cổ có ánh xanh, đỏ, lục, tím. Gà lôi sinh sống ở vùng đất ngập nước, các đầm lầy, cỏ dại và đầm sen. Thức ăn của chúng là bèo non và ấu trùng trên bèo.
Khung cảnh hoàng hôn ở Tràm Chim.
Đến Tràm Chim, du khách như được trở về miền Tây xưa với những đàn chim cò bay lượn rợp trời. Dễ dàng bắt gặp nhất là đàn cò ốc, thuộc họ hạc, loài định cư được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài chim giúp nông dân diệt trừ sinh vật gây hại, khi ăn ốc chúng sẽ gom vỏ vào cùng một chỗ.
Không chỉ là nhà của các loài chim quý, Tràm Chim còn là vương quốc hoa nước. Tháng 2 hằng năm là thời điểm đẹp nhất để tới Tràm Chim, ngắm nhìn các loài chim bay về, cũng là lúc đầm hoa súng nở rộ.
Trong hình là cò bợ ở đầm súng. Cò bợ còn được gọi là cò ma, cò cói, thuộc họ diệc. Cò bợ có chiều dài trung bình gần 50 cm, thường có lông nền trắng, lưng màu nâu, mỏ vàng với đầu mỏ đen, chân và mắt cò màu vàng. Lông cò chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng vào mùa sinh sản.
Du khách có thể ngắm các loài súng trắng, đỏ trải rộng trên đồng cả trăm hecta. Khi thu hoạch hoa súng ở Tràm Chim (ảnh năm 2021), người dân sẽ lấy cả phần thân dài dưới nước sâu nên thường bó lại thành khoanh để dễ vận chuyển. Hoa súng tươi đem về làm được nhiều món ăn ngon như gỏi, mắm kho, xào tỏi, canh nấu tôm.
Nhĩ cán vàng là loài rong, sống dưới vùng nước chua phèn, là loài thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Tràm Chim, đang được bảo tồn và phát triển tốt tại Vườn. Cánh đồng hoa nhĩ cán vàng nằm tại khu A1, trải dài hơn 3 km. Hằng năm, hoa nhĩ cán vàng nở dần từng vạt từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau.
Thảm hoa nhĩ cán tím bung nở một góc cánh đồng năm 2021.
Anh An chia sẻ khung cảnh thiên nhiên ở Tràm Chim qua mỗi năm hầu như không thay đổi. Mỗi mùa một loài hoa. Mùa hoa nhĩ cán tím bắt đầu nở thường cuối tháng 1, đầu tháng 2 và kéo dài khoảng hai tháng. Nối tiếp là mùa hoa hoàng đầu ấn, một loại hoa đồng nội, nở từ tháng 3 đến tháng 5, vàng rực cả cánh đồng rộng hàng chục hecta.