Ngoài những nàng thơ trong âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Bảo còn nói về tình yêu với Sài Gòn trong buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách thứ 6: “50 – Hồi ký không định xuất bản”.
Cuốn sách “50 - Hồi ký không định xuất bản” tập hợp 24 bài viết, nếu đặt riêng sẽ là những tản văn hoàn chỉnh nhưng khi được xếp chung trong cùng một cuốn sách lại tạo thành một cuốn hồi ký độc đáo. Những bài viết đó như đang tái hiện quãng đời trong quá khứ, cũng như mang đến nhiều thông tin về xuất thân, về sự nghiệp, về quan điểm nghệ thuật của nhạc sĩ Quốc Bảo.
Khá nhiều bạn đọc có chung thắc mắc về tên cuốn sách. Vì sao đã “không định xuất bản” mà cuối cùng cuốn sách lại xuất bản? Nhạc sĩ Quốc Bảo lý giải: “Tên sách không phải là chiêu để quảng cáo hay PR mà thực sự là vì tôi không định xuất bản. Nguyên những cuốn sách từng xuất bản trước đây, tôi đã kể rất nhiều chi tiết về cuộc đời tôi, về hoàn cảnh xuất thân gia đình, về bước đường khởi nghiệp... Do đó, tôi nghĩ không còn điều gì để công bố.
Nhưng mà giống như tuổi già thường hay ngồi ngẫm ngợi, tôi nhớ ra những chi tiết riêng tư và tôi viết lại vào một cuốn sổ tay, thi thoảng có post một vài đoạn như thế lên trang Facebook. Đến khi nhận được đề nghị xuất bản, tôi từ chối vì có thể nó sẽ đụng chạm đến người này người kia, và vì nó là những điều chỉ có thể giữ lại trong gia đình.
Cuối cùng, trước sự thuyết phục của các bạn làm nghề xuất bản, đồng thời tôi cũng muốn xem đây là cách để có thể khép lại một cách toàn diện 50 năm cuộc đời tôi, để có thể sống một đoạn đời khác. Chính vì lẽ đó nên cuốn sách đã được ra đời. Dĩ nhiên có sự biên tập, được sắp xếp và viết thêm ngoài những dòng ghi chép viết tay trong sổ”.
Đông đảo bạn đọc đã đến lắng nghe và trò chuyện cùng nhạc sĩ Quốc Bảo trong buổi ra mắt sách mới.
Cũng trong buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách 50 – Hồi ký không định xuất bản, nhạc sĩ Quốc Bảo tiết lộ, ngoài việc chia sẻ đến bạn đọc ở vai trò là một người làm nhạc chuyên nghiệp anh cũng muốn chia sẻ đến bạn đọc trong vai trò là người viết văn xuôi chuyên nghiệp. Và sau cuốn sách thứ 5 này, anh sẽ dành nhiều thời gian để viết văn xuôi.
50 - Hồi ký không định xuất bản được chia làm nhiều phần. Có những phần thuần túy là hồi ký như phần về gia đình; có phần về đồng nghiệp, về âm nhạc. Cái hay ở cuốn sách này là có những phần chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ yoga, ăn chay như thế nào, thậm chí nuôi một con mèo như thế nào hay nuôi một đứa con ra sao khi là một ông bố đơn thân.
Có rất nhiều câu chuyện như vậy được nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ trong sách, mặc dù nó có vẻ hơi mỏng nhưng nó chứa đựng nhiều hơn một cuốn hồi ký thông thường. Đặc biệt, điều quan tâm lớn nhất của bạn đọc đối với cuốn sách này chính là những “nàng thơ” đứng sau các bài hát của nhạc sĩ Quốc Bảo.
Trong cuốn sách của mình, nhạc sĩ Quốc Bảo đã dành ra một chương với tên gọi “Học trò yêu”, ở đó anh dành những tình cảm và sự quý mến cho 3 người là Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân và Nguyên Hà. Tại sao lại chỉ có 3 người này, trong khi danh sách đó phải dài hơn rất nhiều?
Nhạc sĩ Quốc Bảo và MC Minh Đức
Trước thắc mắc của MC Minh Đức, nhạc sĩ Quốc Bảo hóm hỉnh: “Có gì đâu. Là do tôi bốc thăm đó mà!”. Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, cả Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân và Nguyên Hà đều là những người có tác động sâu sắc đến các giai đoạn khác nhau trong quãng đời làm nhạc của anh. Bằng sự chân tình của mình, nhạc sĩ Quốc Bảo lần lượt kể về cơ duyên gặp gỡ với 3 nàng thơ của mình.
Người đầu tiên là Mỹ Tâm với cuộc gặp vào năm 2001. Theo Quốc Bảo, đây là mối quan hệ khá đặc biệt, khởi đi từ công việc. Khi Mỹ Tâm trở thành ca sĩ tự do cũng là lúc Quốc Bảo được mời làm Producer, Manager và người định hướng chiến lược cho Mỹ Tâm.
“Sau đó, mối quan hệ đó trở thành mối quan hệ cá nhân, Mỹ Tâm trở thành học trò của tôi. Những bước đường, những chuyển biến, sự tiến bộ của Tâm trong thời kì đầu, từ một cô ca sĩ trẻ; thậm chí còn mờ nhạt hơn các cô cùng thời như Hiền Thục, Hồng Ngọc bỗng bật lên thành ngôi sao.
Mối quan hệ đặc biệt ở điều thứ hai nữa, giữa Tâm và tôi, giữa thầy và trò vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp cho đến ngày hôm nay, dù Mỹ Tâm có đi đâu, có hát kiểu gì đi nữa”, nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết.
Về “nàng thơ” Ngô Thanh Vân, anh kể: “Vào năm 2002 tôi gặp Ngô Thanh Vân. Với danh hiệu Á hậu của tạp chí Thế giới phụ nữ, Ngô Thanh Vân đến gặp tôi. Chỉ như vậy thôi. Nhưng phong cách âm nhạc, mong muốn và kì vọng của Vân là trở thành một nghệ sĩ giải trí đầu tiên của Việt Nam. Điều đó kích thích cảm hứng của tôi rất nhiều.
Thực sự là tôi không ham thích gì với dòng nhạc EDM, những bản remix, những bản nhạc phát trong club nhưng vì Ngô Thanh Vân mà tôi làm. Tôi nghiên cứu rất lâu, rất khổ nhọc để làm những bản nhạc điện tử cho Vân. Những thành công thì các bạn đã biết. Nó khá là bất ngờ. Dĩ nhiên, sự bất ngờ đó, những thành công đó cũng gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho chúng tôi. Bởi vì không ai nghĩ tôi sẽ viết những bản nhạc như vậy cả”.
Người sau cùng là Nguyên Hà (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hà) với cuộc gặp gỡ vào năm 2010, khi cô vẫn còn là ca sĩ hát cà phê, thậm chí còn chưa có một nghệ danh. Quán cà phê khi thì ghi Thanh Hà, lúc Nguyễn Hà. Và cái tên Nguyên Hà chính là tên chính thức mà nhạc sĩ Quốc Bảo đặt cho cô. Chính từ cuộc gặp gỡ này, đã giúp sự nghiệp âm nhạc của Nguyên Hà được nhiều người biết đến nhiều hơn.
Nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ: “Hai đĩa liên tục ra trong vòng từ 2011-2014 là Địa đàng 1, Địa đàng 2 cộng với những bài nhạc lẻ tôi viết cho nhạc phim, đã chứng tỏ một điều Nguyên Hà là một nàng thơ, là người gây cảm hứng cho tôi rất lớn trong một giai đoạn dài”.
Trong cuốn sách có một phần khá đặc biệt dù nhỏ, đó là cảm xúc của Quốc Bảo về nơi sinh ra và anh nguyện sẽ là nơi anh chết đi. Đó là Sài Gòn. Số lượng tản văn về Sài Gòn của nhạc sĩ Quốc Bảo có rất nhiều, in thành sách cũng có, chụp ảnh in sách ảnh cũng có hay viết trên Facebook.
Nhạc sĩ Quốc Bảo kí tặng sách cho bạn đọc.
Nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ về tình yêu đặc biệt với thành phố này: “Tôi không có những quan niệm to tát theo kiểu tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc. Bởi vì những quan niệm mang tính to tát như thế, tôi thấy nó cứ giáo điều như thế nào đó. Đối với tôi, tình yêu đối với mảnh đất mình đang sống, là điều phải đến một cách tự nhiên; thậm chí ta không cần phải lý giải tại sao ta yêu.
Trong một số tản văn tôi viết cho tạp chí Đẹp năm trước, khi đến ngày kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, ngày Sài Gòn đổi tên thành TP.HCM, tôi có viết rất sâu liệu tôi nghĩ thế nào về Sài Gòn, liệu Sài Gòn có đẹp hay không? Tôi khẳng định, từ khi sinh ra đến bây giờ tôi chưa thấy Sài Gòn là một thành phố đẹp nhưng tôi vẫn yêu.
Tình yêu Sài Gòn, ngoài phải viết thành sách, thành văn xuôi thì tôi có tổng kết lại trong một bài hát mà mọi người cũng đã biết, đó là “Tình ca phố”. Sài Gòn là như thế, đó là nơi tôi sinh ra và chưa bao giờ rời xa quá một tháng, cứ như thế tôi sống toàn bộ cuộc đời của tôi ở đó”.
Bạn đọc xếp hàng chờ xin chữ kí của Nhạc sĩ Quốc Bảo.