Cuốn hồi ký Rong chơi được cây bút Lê Thu Thủy (Yo Le) viết dựa trên hồi ức của Trần Lập, qua đó hé lộ những phần đời của thủ lĩnh Bức Tường.
Trưa hôm nay, người hâm mộ cả nước vô cùng bàng hoàng khi hay tin thủ lĩnh của ban nhạc Bức tường - Trần Lập qua đời sau 4 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư. Không chỉ đau xót tiếc thương trước sự ra đi của một nhạc sĩ tài năng trong nền âm nhạc Việt Nam, nhiều người còn thấy cảm phục khi nhìn lại sự kiên cường và tinh thần lạc quan của anh trong những ngày tháng cuối đời.
Một trong những người rõ ràng hơn ai hết điều này chính là cây bút trẻ Lê Thu Thủy (Yo Le), tác giả đã chấp bút cho cuốn sách Rong chơi - hồi ký được viết qua lời kể của Trần Lập. Để viết sách, Yo Le đã theo Trần Lập suốt 6 tháng trời tới nhiều nơi, nghe anh kể chuyện, gặp gỡ nhiều bạn bè của anh và đặc biệt là chứng kiến biến cố bất ngờ làm thay đổi thế giới quan của người đàn ông này.
Rong chơi được coi là cuốn hồi ký cuối cùng của Trần Lập
Được sự cho phép của đơn vị phát hành 1980 Books, chúng tôi xin đăng tải lại trích đoạn trong hồi ký Rong chơi về cuộc chiến chống ung thư của Trần Lập - người đã, đang và sẽ mãi truyền cảm hứng mạnh mẽ cho hàng triệu thanh niên Việt Nam:
Ngày 4/11/2015, Trần Lập phát hiện mắc bệnh ung thư. Ngẫm cuộc đời cũng thật tréo ngoe. Trần Lập vốn là một người rất đam mê thể thao và có thể lực vô cùng tốt. Vẫn nhớ có lần anh từng chia sẻ: "Giọng hát và thể lực của anh bây giờ tốt hơn nhiều so với ngày xưa. Anh có thể hát một lèo hai chục bài liên tục trong một đêm liveshow mà không cần nghỉ". Chưa kể, mới chỉ tầm một tháng trước cái ngày 4/11 ấy, anh còn khiến nhiều người bạn trong giới độ xe phải "choáng" khi trở về sau một chuyến đi vòng quanh Tây Bắc trong điều kiện thời tiết khá xấu với trạng thái sung sức và gần như không cần thời gian phục hồi. Ấy thế nhưng chỉ sau chuyến đi đó ít lâu, tình hình sức khỏe của anh lại bắt đầu có những diễn tiến xấu với những cơn đau quặn bụng và chỉ trong một tháng anh đã sụt mất 6 kg. Để rồi khi đến khám tại bệnh viện Việt Đức, anh được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư trực tràng. Thì ra căn bệnh này đã ủ trong cơ thể ba năm nay mà anh không hề hay biết, chỉ đơn giản nghĩ rằng tiêu hóa có một chút vấn đề. Khi được phát hiện, căn bệnh đã chuyển nặng, bước sang giai đoạn 3/4 và anh cần phải phẫu thuật ngay lập tức nếu không muốn bị di căn. Trước cái tin sét đánh này, Trần Lập đã phản ứng lại bằng một thái độ bình tĩnh đáng ngạc nhiên. Anh quyết định phẫu thuật. Và chỉ hai ngày sau, ca mổ được tiến hành. Kể từ đây, anh đã chính thức bước vào cuộc chiến ung thư. "Hello. Ca mổ thành công. Tôi ổn" - Ngay sau khi ca mổ thành công, Trần Lập đăng ảnh lên Facebook thông báo cho anh em bạn bè và người hâm mộ. Sau khi ca phẫu thuật thành công, cơ thể Trần Lập bắt đầu sinh hạch. Hạch nhiều đến nỗi chúng chèn ép dây thần kinh và mạch máu làm đùi trái của anh bị sưng phù, khiến anh không thể đi lại bình thường và giai đoạn đầu thậm chí còn phải ngồi xe lăn. Diễn tiến này đã bắt buộc anh không những phải đến viện K để tiến hành xạ trị khu trú ung thư mỗi ngày, mà cùng lúc phải đến bệnh viện Bạch Mai để kịp thời điều trị hạch trước khi chân bị hoại tử hoặc phát sinh những biến chứng nguy hiểm khác. Từng bước một, căn bệnh ung thư đã bắt đầu bào mòn sức khỏe của Trần Lập và đòi hỏi anh phải giữ vững tinh thần để đối mặt với cánh cửa lớn nhất trong đời. Có một điều mà người hâm mộ dễ thấy từ trang Facebook cá nhân của Trần Lập, đó là anh dường như rất bình thản, lạc quan và giữ được một tinh thần chiến đấu vô cùng tốt. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được phía sau những nụ cười ấy, anh đã trải qua những áp lực tinh thần lớn tới đâu. Kể từ khi biết tin Trần Lập mắc bệnh ung thư, từ người thân trong gia đình tới bạn bè và những người hâm mộ, tất cả đều dành cho anh sự quan tâm vô cùng lớn. Không chỉ thể hiện bằng hàng trăm nghìn lượt like, hàng vạn lượt bình luận và chia sẻ trên Facebook và hàng chục tin bài theo dòng sự kiện "Trần Lập bị ung thư" xuất hiện khắp các mặt báo, sự quan tâm ấy còn được thể hiện hữu hình hơn qua vô số sự sẻ chia của rất nhiều người từ quen biết thân sơ tới hoàn toàn xa lạ. "Đến một ngày mình mang bệnh, mình được nhiều lòng quan tâm. Quá nhiều người mình không quen đã thăm hỏi động viên cả tinh thần và vật chất. Từ việc lớn đến việc nhỏ... Có những lái xe taxi nhận ra xin tặng phí cả cuốc đi dài mà mình không nỡ nhận. Có những bạn trẻ bỏ dở cốc cafe và đám bạn chỉ để chạy đẩy giúp xe lăn mình một đoạn. Có chị bụng mang dạ chửa cũng cố lòng nhường mình lăn xe vào thang máy trước. Có những thầy thuốc thậm chí không lấy tiền. Có những người anh em không quản cả ngàn km bay ra tận nơi. Có rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng làm show ủng hộ từ Nam và giờ ra Bắc". - Trích bài viết Lòng tốt của Trần Lập Thế nhưng, đôi khi sự quan tâm quá lớn ấy lại làm tăng thêm rất nhiều áp lực vô hình. Về góc độ y học, ai cũng vì yêu mến Trần Lập nên chẳng thể nào ngồi yên chứng kiến anh phải chịu đau đớn, hễ quen bác sĩ nào giỏi, biết phương pháp nào hay đều vội vàng chia sẻ ngay. Thành thử, suốt thời gian đầu lúc nào máy anh cũng nóng ran vì hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn khuyên nhủ đổ dồn tới một lúc. Nghe theo người này tất sẽ làm buồn lòng người kia. Trong khi đó, anh chỉ có một sinh mệnh duy nhất. Anh không thể sai và buộc phải tỉnh táo để đưa ra quyết định cuối cùng. Về góc độ niềm tin, Trần Lập là người hướng tới đạo Phật và trong giai đoạn này anh cũng có duyên may gặp gỡ những người thầy rất mực tài giỏi. Thế nhưng, chính các thầy cũng mỗi người một lời khuyên, một con đường. Nghe ai? Tìm đến ai? Không ai khác ngoài bản thân anh phải tự mình lựa chọn. Chưa kể, căn bệnh này không chỉ phương hại tới bản thân Trần Lập, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới những người thân trong gia đình. Hai bé Bình Minh và Minh Tú vẫn còn nhỏ dại trong khi chị Hoa - người vợ hiền của anh đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm nặng nề. Hơn lúc nào hết, anh càng phải giữ vững tinh thần để giúp các con chuẩn bị tâm lý, và phần nào giảm nhẹ sức ép cho người bạn đời tri kỷ. Thế mới biết, nếu không chứng kiến cảnh nhà có người bị ung thư, người ta khó lòng hiểu thấu vì đâu mà rất nhiều người mắc bệnh K (ung thư) trở nên hoảng loạn, mất tinh thần, thậm chí tuyệt vọng đến mức không thể làm được việc gì ngoài lẳng lặng ngồi trên xe lăn, nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ và chờ đợi cái chết đến từng ngày. Dù rằng không phải cứ va vào những bế tắc và áp lực là người ta sẽ buông mình gục ngã. Với một người lấy việc vượt qua những cánh cửa khép chặt làm lẽ sống như Trần Lập, anh không đời nào chấp nhận mình rơi vào viễn cảnh ảm đạm đó. Ngoảnh lại nhìn bốn mươi năm cuộc đời, có bao nhiêu cánh cửa lớn anh đã bước qua. Không lý gì anh lại nép mình trước khe cửa hẹp kia và nhìn ánh sáng cuộc đời mình le lói tắt. Bởi vậy, trước nhất, anh bình tĩnh tham khảo ý kiến của các bác sĩ nắm rõ thông số bệnh của mình để lựa chọn một phác đồ điều trị anh cảm thấy đáng tin tưởng nhất. Anh cũng sớm gọi các con lại, nhẹ nhàng nói về bệnh tình của mình, và khẳng định chắc nịch rằng: "Bố có thể chiến đấu được" để bọn trẻ yên tâm hơn. Cùng người vợ đảm đang của mình, anh cũng cố gắng để các con được sống trong một môi trường bình thường nhất có thể. Mỗi ngày hai em vẫn tiếp tục cắp sách tới trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng những thú vui chơi của tuổi thơ. Anh không muốn khi lớn lên, các con mình sẽ nhớ tới những tháng ngày u tối với người cha ủ ê bên giường bệnh. Nhờ vậy, Bình Minh và Minh Tú cũng quen dần với cảnh lúc bố được ở nhà, lúc phải nằm bệnh viện. Tuy rằng, mỗi khi bố về, cả hai trở nên quấn quýt với bố hơn so với trước kia. Có thể các em còn nhỏ nhưng cũng đã đủ lớn khôn để hiểu về bệnh ung thư, đủ lớn khôn để biết trân trọng hơn những khoảng thời gian gia đình mình đang có. Về phía bản thân Trần Lập, ngay từ những ngày đầu nằm viện, khi những cơn đau vẫn đang ăn mòn cơ thể, thay vì khổ sở nghĩ đến cái chết, anh đã lựa chọn tìm đến những cuốn sách giúp mình củng cố niềm tin. Những cuốn sách tự lực và Phật pháp từng bước khiến anh tĩnh tâm hơn, cũng như giúp anh ngộ rất sâu về những điều ý nghĩa trong cuộc đời. Khi gặp tôi, anh đã kể lại câu chuyện anh đọc được trong những ngày nằm viện nhằm nói về điều đã kích khởi động lực sống trong anh. Có lẽ chưa khi nào như lúc này, Trần Lập lại ý thức sâu sắc hơn về lằn giới hạn của cuộc đời: có thể anh chỉ còn sống được một năm, hai năm, ba năm, 10 năm hoặc thậm chí chỉ trong nay mai. Tương lai là điều chẳng thể nào biết được. Còn quá khứ dù vinh quang tươi đẹp hay thất bại chán chường thì cũng đều đã trôi qua. Điều duy nhất có thể nắm giữ được là hiện tại. Và hơn bao giờ hết, anh cảm nhận rất sâu rằng: trong thì hiện tại hôm nay, mình vẫn là một người "giàu có" về tinh thần. (Trích Rong chơi - Trần Lập, Rock, mô tô và những cung đường, tác giả Yo Le, 1980 Books và NXB Lao Động liên kết phát hành. Sách ra mắt độc giả Việt Nam cuối tháng 2 vừa qua). |