Không ít lần kinh đô điện ảnh thế giới tung ra những bộ phim về dịch bệnh bí ẩn làm người xem phải hoảng sợ.
Trong số những mối địch họa luôn ám ảnh loài người, bệnh dịch là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối với nhân loại. Không như thú dữ, thiên tai, bệnh dịch là thứ con người chỉ có thể miêu tả sự sợ hãi thông qua những hậu quả mà nó gây ra. Đây trở thành thách thức không nhỏ đối với những bộ phim lấy đề tài về đại dịch.
Cùng điểm lại những đại dịch khủng khiếp nhất mà Hollywood từng tạo ra.
The Happening (2008)
Bộ phim đến từ đạo diễn M. Night Shyamalan, tác giả của Giác quan thứ sáu nổi tiếng một thời. Tuy The Happeningnhận được những phản ứng trái chiều từ cả phía khán giả lẫn các nhà phê bình khi ra mắt, nhưng đa số đều phải thừa nhận ý tưởng ban đầu của bộ phim hết sức độc đáo.
Trong The Happening xuất hiện một loại bệnh dịch kỳ quái, không màu, không mùi, không vị, không gây nên bất cứ một dấu hiệu nào có thể quan sát được trên cơ thể người bị lây nhiễm và khiến cho người mắc bệnh tìm mọi cách để tự sát. Tồi tệ hơn, không có cách nào để có thể ngăn chặn đại dịch. Nó giống như một sinh vật có trí thông minh, biết cách tấn công vào khu vực có loài người sinh sống.
Loạt phim Resident Evil (2002 - nay)
Xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỉ trước, zombie được miêu tả là những xác chết biết đi, di chuyển một cách chậm chạp và luôn thèm khát thịt sống. Những bộ phim cũ không đề cập nhiều tới nguyên nhân hình thành xác sống và thường mặc nhiên coi đó là sản phẩm của một căn bệnh bí ẩn. Nhưng loạt phim Resident Evil, vốn dựa trên loạt game cùng tên, đã đem tới một lời lý giải cho những binh đoàn zombie.
T-virus được tập đoàn Umbrella nghiên cứu và phát triển với nhiều loại biến thể. Có loại biến người ta thành xác sống, có loại lại gây ra đột biến và tạo ra những sinh vật dị hợm. Nhưng cũng có khi nó giúp người ta sở hữu siêu năng lực, giống như nhân vật chính Alice của loạt phim. Hai tập phim đầu tiên của loạt Resident Evil luôn được cho là những ví dụ tiêu biểu của dòng phim đại dịch.
Children of Men (2006)
Dù không có lời thừa nhận rõ ràng, nhưng hẳn là có một căn bệnh kỳ lạ nào đó đang lây lan trên khắp thế giới và gây ra sự hỗn loạn trong Children of Men. Nó không khiến cho ai bị tử vong nhưng lại khiến cho nhân loại mất đi khả năng thụ thai hoặc sinh con. Mở đầu phim, công dân trẻ nhất hành tinh được đưa tin là đã chết khi mới tròn 18 tuổi.
Thời gian để nhân loại tìm ra phương thuốc chữa bệnh không còn nhiều khi toàn bộ nhân loại đang dần dần trở nên quá già nua để có thể phục hồi dân số. Children of Men đã hết sức thành công trong việc lột tả sự tuyệt vọng của loài người. Tác phẩm của đạo diễn Alfon Cuarón được nhiều nhà phê bình đánh giá là một kiệt tác và là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của thập kỷ trước.
Contagion (2011)
Beth Emhoff, một nữ doanh nhân trở về Mỹ sau chuyến công tác tại Hong Kong, đã qua đời đột ngột vì một căn bệnh kì lạ. Chỉ vài ngày sau, căn bệnh này bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới và sau đó gây ra cái chết của 26 triệu người trên khắp toàn cầu. Mặc dù là một bộ phim giả tưởng nhưng Contagion được dựa trên rất nhiều sự kiện có thật.
MEV-1, loại virus trong phim có rất nhiều đặc điểm giống với virus SARS hay cúm gà từng hoành hành trước đây: lây nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc cơ thể và làm chết người một cách vô cùng nhanh chóng. Bộ phim được đánh giá cao vì miêu tả một cách chân thực nỗi sợ hãi và hoảng loạn của cả thế giới như những gì đã từng xảy ra khi dịch SARS hay cúm gà bùng phát.
28 Days Later (2002) và 28 Weeks Later (2007)
Cũng là một bộ phim đại dịch với sự xuất hiện của các zombie, nhưng hai bộ phim 28 Days Later và 28 Weeks Laterkhông tập trung vào cách nhân loại chống trả lại dịch bệnh ra sao.
Hai bộ phim đi sâu vào việc miêu tả nước Anh thời hậu đại dịch, và đặc biệt là cách đối nhân giữa những người còn sống sót. Khán giả sẽ phải giật mình bởi cách mà con người đối xử với nhau có khi còn tồi tệ hơn cả những dịch bệnh khủng khiếp nhất.