Có người đột nhiên tới "tặng" chiếc vòng tay nhưng chỉ cần chạm vào món đồ, bạn sẽ bị phải trả tiền.
Khi bước chân tới địa danh mới trong chuyến du lịch, bạn cần chú ý một số chiêu lừa đảo phổ biến sau:
1. Tài xế lừa đảo
Tài xế taxi nói đồng hồ tính cước bị hỏng và đòi khách trả giá tiền lớn hơn thực tế. Cũng có khi tài xế nói địa điểm khách cần tới (khách sạn, chùa chiền, bảo tàng...) hết chỗ hoặc đóng cửa rồi đưa tới nơi mình có quan hệ trước để có giá cước cao hơn và được nhận hoa hồng.
Cách phòng tránh: Bạn không nên vẫy taxi khi đang đứng đường mà hãy đặt xe thông qua các cơ sở có uy tín (như ứng dụng gọi xe). Bạn có thể tham khảo giá trước từ lễ tân khách sạn hoặc mạng trực tuyến và chú ý tới đồng hồ tính cước. Ngoài ra, bạn cần nắm chắc địa chỉ và giờ hoạt động của địa điểm cần tới; nên dùng ứng dụng bản đồ để phát hiện khi tài xế cố tình đưa bạn đi lòng vòng hoặc tới địa điểm khác.
2. Quà tặng "miễn phí"
Theo VnExpress, khi bạn vừa đặt chân tới thắng cảnh nào đó, một người bước tới và đeo cho bạn chiếc vòng tay, hoặc một người trao tặng bạn bó hoa, hay một người "tàn tật" đưa bạn túi khăn giấy. Chỉ cần cầm vào món đồ, bạn chắc chắn sẽ phải trả tiền nếu không muốn "đối phương" gây rắc rối.
Cách phòng tránh: Không bao giờ nhận quà tặng vô cớ từ bất cứ ai. Tốt nhất là bạn đừng để mắt tới món đồ để tránh bị "tặng" quà.
Bạn cần đề phòng khi đột nhiên được người lạ "tặng" chiếc vòng tay. Ảnh:Washingtonpost.
3. Dàn dựng tai nạn
Một người qua đường đánh đổ đồ uống hoặc chất bẩn lên quần áo của bạn rồi tiếp cận để "lau dọn". Trong khi loay hoay với kẻ gây bẩn, bạn sẽ bị tên đồng phạm móc túi từ phía sau. Một số chiêu đánh lạc hướng du khách khác bao gồm tạo tình huống người cao tuổi bị ngã, phụ nữ quẳng trẻ nhỏ hoặc mèo về phía bạn, hoặc có người giả vờ đánh rơi ví và buộc tội bạn ăn cắp.
Cách phòng tránh: Bạn cần đảm bảo đồ đạc an toàn trước khi ra ngoài, ví dụ để đồ trong loại túi giấu kín hoặc có khả năng chống dao rạch; kiềm chế phản xạ "làm người tốt" bằng cách không nhặt đồ có giá trị ở dưới đất. Nếu gặp trường hợp dàn cảnh tai nạn, bạn hãy chờ lực lượng chức năng bản địa tới giải quyết hoặc gọi đại sứ quán.
4. Đồ đi thuê bị hư hỏng
Khi bạn kết thúc chuyến đi và đem trả xe máy hoặc ô tô, chủ cho thuê có thể đổ thừa là bạn đã làm hư hỏng phương tiện di chuyển và đòi tiền bồi thường. Tuy nhiên, những hỏng hóc ấy chưa chắc do lỗi của bạn. Chủ cho thuê đồ có thể đã bám theo bạn và đập phá món đồ khi bạn không để ý.
Cách phòng tránh: Bạn cần thuê phương tiện thông qua công ty uy tín và chụp ảnh phương tiện trước khi nhận, đồng thời cần để ý tài sản trong mọi lúc. Bạn hãy gọi cảnh sát nếu cách xử lý của hai bên trở nên quá căng thẳng.
5. Đánh tráo đồ hoặc đồ giả
Bạn vào cửa hàng và ưng mắt món đồ cao cấp (ví hay túi xách) với giá rất hời. Có thể sau khi bạn trả tiền, người bán sẽ đánh tráo thành hàng giả hoặc hàng nhái.
Cách phòng tránh: Du khách không mua những đồ cao cấp hoặc đồ cổ từ những cửa hàng ven đường hoặc có vẻ ngoài mờ ám.
6. Người lạ mặt "nhiệt tình"
Một người lạ mặt tiếp cận bạn và tình nguyện giúp chụp ảnh. Ngay khi máy ảnh hoặc điện thoại trao tay, đối phương sẽ bỏ chạy. Hoặc một người địa phương thấy bạn loay hoay bên trạm ATM rồi tiến tới giả vờ giúp đỡ nhưng thực chất là móc túi.
Cách phòng tránh: Không bao giờ tin tưởng và trao tài sản như điện thoại hoặc máy ảnh cho người. Nếu muốn chụp ảnh, bạn có thể dùng gậy tự sướng. Nếu cần dùng ATM bạn hãy nhờ bạn bè người thân đứng gác bên ngoài, không để người lạ mặt tiếp cận khi đang giao dịch.