Quá trưa chúng tôi mới tới trung tâm xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nắng sau mưa mở ra khoảng không gian phóng túng. Từ sân Ủy ban xã nhìn ra, thấy phong cảnh nơi này hệt như một bức tranh sơn thủy khổng lồ vậy.
Dãy núi phía Tây giờ trông rợp một màu xanh đậm như đứng đó làm hình nền tôn cho những thửa ruộng bậc thang nối nhau ánh lên màu nước mới đổ. Còn ngay trước mặt là bản Thu Lũm với những ngôi nhà mái ngói âm dương nổi bật màu thâm nâu.
Ông Chu Xé Lù, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm sau những cái bắt tay đón khách đã có câu nói vui khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Ông cho biết, ở xã Thu Lũm này người Hà Nhì chiếm tới 80% số dân nên người Kinh “trở thành dân tộc thiểu số”. Người đàn ông Hà Nhì tuổi năm mươi này có nụ cười rất thân thiện.
Bà con lao động bên nương ngô.
Ông còn đùa thêm khi thấy chúng tôi dù đôi tai đang lắng nghe nhưng ánh mắt cứ liêng liếc nhìn mấy cô gái bản đang tình cờ đi nương về ngang cổng ủy ban xã, ông Lù nói: “Có nhà báo nào muốn ở lại làm rể Thu Lũm không? Con gái Hà Nhì xinh và biết chiều lắm đó”.
Tôi gật đầu rồi lại lắc đầu, đã quá muộn để mong làm rể nơi đây nhưng tôi cũng phải thầm công nhận điều ông Lù vừa nói. Những cô gái Hà Nhì mà chúng tôi đã gặp đều có nước da trắng hồng, mỗi khi định nói câu gì là các cô lại mím mím đôi môi, động tác vẻ bẽn lẽn mà đầy mê hoặc. Các cô đẹp như những bông hoa đỗ quyên hồn nhiên khoe sắc giữa núi rừng xanh ngát.
Lại nhớ thêm lúc dừng nghỉ bên đường vừa là để chụp ảnh nương ngô nương sả của bà con và cũng là vừa để tranh thủ “xem mặt” các em các chị đang mải mê lao động, chúng tôi chợt phát hiện ra điều ngạc nhiên đầu tiên. Những “công trình” do bàn tay lao động của bà con trải qua bao tháng năm trông vô cùng đẹp mắt. Nhìn cảnh ấy chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi cực nhọc của người dân vùng núi cao.
Để có được những nương ngô, nương sả nho nhỏ bên đường này, bà con đã bỏ biết bao công sức. Họ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác kiên nhẫn cậy từng mảnh đá để gạn về một chút đất có thể gieo trồng được. Những mảnh đá sau khi được cậy lên đều được bà con xếp ngay ngắn, xếp chặt tràng thành những bờ đá bao bọc vuông đất được cải tạo.
Điều đáng nói là tuy có chủ ý xếp đá thành bờ đá nhưng chính những bờ đá cao chừng hơn một mét và dầy chừng nửa mét này đã “hữu tình” mà trở thành những dải hộ nan chắc chắn che chở cho những chuyến xe leo dốc hay đổ đèo. (Những bờ đá bao giờ cũng được xếp bên ta luy âm của con đường).
Bản Thu Lũm, bản chính của xã Thu Lũm, san sát những ngôi nhà thoáng trông như dẫy phố với những cửa hiệu bán buôn sửa chữa điện thoại di động, những hiệu tạp hóa y như một làng ở dưới xuôi vậy. Cuộc sống vùng cao và bàn tay khai phá thiên nhiên đã hình thành nên “một kiểu kiến trúc” riêng có.
Nhà của người Hà Nhì không có tường chình đất, không xây trát. Những ngôi nhà có tường xếp bằng đá dăm rất kỳ công và cũng rất nghệ thuật. Nó vuông vắn, phẳng phiu và chặt chẽ kín mít đến mức một con kiến cũng khó chui qua được.
Ông Chu Xé Lù nói: “Nhà báo sẽ còn thấy nhiều điều ngạc nhiên nữa. Nhưng phải lên cột đá trắng luôn thôi, đường lên khó đi lắm, đi nhanh rồi về kẻo muộn mất”. Quả đúng như “cảnh báo” của ông Bí thư xã, đường lên “cột đá trắng” tuy chỉ chừng hơn 20km nhưng dốc cao và đá lổn nhổn.
Cột đá trắng Thu Lũm.
Chiếc xe Transit loại 16 chỗ ì ạch mãi cũng chỉ leo được khoảng một phần ba chặng đường thì chúng tôi buộc phải chia đôi lực lượng và cho xe quay về vì đề phòng gặp sự cố. Thượng úy Sùng A Chớ, đội trưởng đội vũ trang, người dân tộc Mông, được đồn Biên phòng Thu Lũm phân công theo đoàn bèn cởi phăng chiếc áo cho bớt nóng, anh băn khoăn hỏi lại: “Các chú có đi tiếp không?”. Tôi đáp: “Đi chứ. Không tới được sẽ ân hận”.
“Cột đá trắng Thu Lũm” như cách gọi của bà con nằm ở địa phận bản Pa Thắng và chỉ cách đường biên giới thực trên thực địa độ một mét. Thật lạ kỳ, nơi đỉnh núi có độ cao hơn 1.600 mét vốn chỉ đất với đất này và toàn cây xanh che phủ lại đột ngột sừng sững một khối đá màu trắng. Khối đá đứng độc lập, hình trụ, cao chừng mét bảy mét tám và có đường kính độ tám chín mươi phân.
Thoạt nhìn đã thấy rất đặc biệt lạ, khối đá có hình thù từa tựa như một dáng người đang ngồi. Dưới chân khối đã đã có những chân hương cắm xung quanh chứng tỏ ai đó vừa tới thắp hương. Vạt đất quanh khối đá được dọn sạch cỏ và khá sạch nhẵn chứng tỏ khối đá thường xuyên có người chăm nom. Thượng úy Sùng A Chớ cho biết: “Cột đá trắng này được xem như một cột mốc biên giới”.
Ngạc nhiên quá đi thôi. Cột đá trắng đứng sừng sững nếu chỉ nói riêng về mặt địa chất học thôi cũng là không thể chuyển dời. Còn nói rộng ra về mặt tâm linh thì chắc chắn rằng đó là vĩnh cửu.
Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm Chu Xé Lù lại đón chúng tôi ở ngay cổng Ủy ban xã khi chúng tôi vừa từ trên “cột đá trắng” về. Đã bắt đầu chiều. Hình của núi đã bắt đầu ngả bóng xuống những thửa ruộng bậc thang. Ráng chiều soi màu hồng hồng như chính nó đang vẽ lên những mái nhà lợp ngói âm dương thứ màu anh ánh sáng sắc. Ông Chu Xé Lù chậm rãi kể:
“Thuở rất xưa. Thuở ấy đất đai nơi đây còn mang vẻ “hỗn mang”, người chưa đến ở. Một hôm có ông tộc trưởng tên là Phú Tư ở nơi cách rất xa chỗ này, vì chán cảnh tranh giành đất đai, trộm cắp, chém giết nên ông dẫn bộ tộc mình đi lánh nạn và tìm đất mới. Đoàn người vất vả băng rừng, vượt dốc, chiến đấu với thú dữ và rồi cứ rơi rớt dần. Ngay đến vợ con của ông Phú Tư cũng bị tụt lại ở phía sau.
Chỉ còn lại mỗi mình ông Phú Tư, ông đi đến đúng chỗ này thì bóng đêm bưng kín lối. Ông ngồi nghỉ lại một mình giữa mịt mùng trong nỗi nhớ thương vợ con và trong nỗi canh cánh vì không thực hiện được lời hứa trước khi ra đi với bà con trong bộ tộc. Ông ngồi mãi ngồi mãi và ngồi cho đến sáng ra. Mặt trời lên cao, tỏa ánh nắng chói chang khiến ông hoa hết mặt mày rồi kiệt hết sức lực mà không đứng dậy đi tiếp được nữa.
Ông hóa thành cột đá có màu trắng lạ kỳ giữa bao cây lá. Rồi rất nhiều năm sau, có người đàn ông Hà Nhì khác tên là Pa Thắng cũng ngược núi ngược rừng dẫn bà con đi tìm nơi lập bản. Ông Pa Thắng đang phân vân chưa biết đi tiếp hay dừng lại thì cơn buồn ngủ ập đến.
Bản Thu Lũm với những ngôi nhà tường đá xếp.
Ông Pa Thắng tựa lưng vào cột đá trắng để ngủ. Trong giấc ngủ, ông Pa Thắng thấy ông Phú Tư hiện lên. Ông Phú Tư bảo rằng không phải đi đâu nữa. Hãy dừng lại nơi đây mà lập bản. Bản Pa Thắng hình thành từ đó. Xã Thu Lũm hình thành từ đó”.
Câu chuyện nhuốm mầu huyền tích nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận về ông cha xưa dày công đi tìm đất, mở đất, dựng đất và giữ đất. Đúng như lời Bí thư Chu Xé Lù “Lên Thu Lũm sẽ có nhiều điều ngạc nhiên”. Riêng về độ che phủ rừng toàn xã đạt trên 80% cũng là một ngạc nhiên rất khích lệ.
Ông Chu Xé Lù cho hay: “Bà con trong xã bây giờ đã thay đổi lối sống. Nghĩa là không còn tệ phá rừng nữa. Bà con cùng chung tay bảo vệ rừng. Họ được hưởng lợi thông qua việc Nhà máy Thủy điện Lai Châu chi trả tiền bảo vệ rừng. Rừng còn thì bản làng còn. Người Hà Nhì mãi còn”.