Là nơi yên nghỉ của các bậc vương tôn quý tộc trên thế giới, những lăng mộ này không chỉ có quy mô vô cùng to lớn mà còn có kiến trúc rất độc đáo.
Taj Mahal, Ấn Độ
Lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng khổng lồ này được xây dựng vào khoảng năm 1632 đến 1653, theo lệnh của hoàng đế triều Mughal là Shah Jahan để tưởng nhớ người vợ yêu quý của ông. Taj Mahal nổi tiếng với mái vòm bằng đá cẩm thạch ngoạn mục cao 35m cùng khu vườn xinh đẹp và hồ nước lấp lánh xây xung quanh. Đây là một trong những lăng mộ được bảo quản tốt nhất và có kiến trúc đẹp nhất trên thế giới. Nó đồng thời cũng là địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Ấn Độ. Vào năm 1983, di tích nổi tiếng này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc. Bởi vậy, lăng mộ của ông được xây dựng vô cùng hoàng tráng. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được xây dựng trong nhiều thập kỷ, khoảng từ năm 246 đến năm 208 TCN, trải rộng trên chu vi vài kilomet. Lăng mộ không được khai quật, nhưng đội quân đất nung được chôn gần đó đã trở thành điểm đến hàng đầu tại Trung Quốc. Ước tính, trong ba hố chứa có hơn 8.000 tượng binh sĩ, 130 xe ngựa với 520 con ngựa và 150 kỵ binh, phần lớn trong số đó vẫn đang bị chôn vùi. Những bức tượng này được làm với tỷ lệ 1:1, mỗi chiến binh lại có một khuôn mặt với những biểu cảm sống động như thật, không cái nào giống nhau.
Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập
Thật khó tin rằng công trình kiến trúc đồ sộ như vậy lại được xây dựng với mục đích làm lăng mộ. Đại kim tự tháp Giza được xây dựng để làm nơi yên nghỉ cho Pharaoh Khufu. Đây là kim tự tháp nổi tiếng nhất thế giới, lâu đời nhất và lớn nhất trong quần thể kim tự tháp Giza nằm ở ngoại ô Cairo, Ai Cập. Nó đồng thời cũng là công trình duy nhất trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Được xây dựng vào khoảng năm 2500 – 2540 TCN, với chiều cao 146,5m, nhiều người coi Đại kim tự tháp Giza là một trong những “tượng đài khoa học” vĩ đại và hoàn hảo nhất trên Trái Đất. Nó không chỉ là một kỳ quan về kiến trúc và kỹ thuật mà còn là một kỳ quan địa lý bởi Đại kim tự tháp Giza nằm ở điểm giao nhau giữa đường kinh tuyến dài nhất và vĩ tuyến dài nhất thế giới.
Castel Sant’Angelo, Italia
Castel Sant’Angelo (Lâu đài Thiên thần) hay còn được gọi là Lăng của Hadrian là một trong những lăng mộ nổi tiếng nhất Italia. Đây là một tòa nhà hình trụ cao chót vót, nằm cạnh dòng sông Tiber, Rome. Ban đầu, nơi đây được thiết kế để sử dụng làm lăng mộ cho hoàng đế La Mã Hadrian và gia đình của ông. Tro cốt của vị hoàng đế này cùng vợ và con trai ông đều được đặt tại đây. Về sau hài cốt của nhiều vị hoàng đế nổi tiếng cũng được lưu giữ tại Castel Sant’Angelo, vị hoàng đế cuối cùng được chôn cất tại đây là Caracalla mất năm 217. Sau đó, công trình được các giáo hoàng sử dụng làm lâu đài, pháo đài và hiện tại là một bảo tàng. Nơi đây đã từng là tòa nhà cao nhất ở Rome. Ngày nay nó vẫn chiếm một tầm nhìn tuyệt đẹp của thành phố và là một trong những địa điểm du lịch thu hút chính của Rome.
Mộ chúa Jesus, Nhà thờ Mộ Thánh, Israel
Nhà thờ Mộ Thánh còn được gọi là Vương cung thánh đường Mộ Chúa, hay Nhà thờ Phục sinh. Nhà thờ nổi tiếng thế giới này nằm trong Khu phố Cơ đốc giáo của thành phố cổ Jerusalem. Đây được cho là nơi chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá ở Đồi Sọ, cũng là nơi Ngài được mai táng và sống lại sau 3 ngày. Từ thời điểm Chúa phục sinh, các tín đồ thường xuyên cử hành các nghi lễ tại mộ Chúa Jesus, mãi cho đến khi thành phố Jerusalem bị người La Mã xâm chiếm. Thời điểm đó, hoàng đế Hadrian đã san lấp nơi này và cho xây lên phía trên một đền thờ ngoại giáo. Sau đó, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhà thờ được phục hồi rồi lại bị phá hủy nhiều lần. Ngày nay, Nhà thờ Mộ Thánh được xem là “tài sản chung” của nhiều giáo phái khác nhau khi quyền sở hữu được chia sẻ giữa Công giáo La Mã, Giáo hội Armenia và Chính thống giáo Hy Lạp.
Lăng mộ của Cyrus Đại đế, Iran
Cyrus Đại đế là người sáng lập và cai trị Đế chế Ba Tư rộng lớn vào thế kỷ 6 TCN. Lăng mộ của ông là một trong những biểu tượng quan trọng nhất ở Pasargadae, cố đô của Ba Tư, hiện tại là Iran. Địa điểm này đã được Alexander Đại đế viếng thăm vào cuối thế kỷ thứ 4 TCN, khi ông đang tàn phá Persepolis. Theo mô tả, khi vào bên trong, Alexander Đại đế tìm thấy một chiếc giường, một bộ bàn với đồ đựng nước, một chiếc quan tài bằng vàng cùng một số đồ trang sức gắn đá quý. Trên lăng mộ trước đây cũng có một dòng chữ: “Hỡi người viếng thăm, ta là Cyrus, người trị vì đế chế Ba Tư và là Vua của châu Á”. Tuy nhiên hiện nay, nơi đây đã không còn chút dấu vết nào của dòng chữ này.
Lăng mộ Shah-i-Zinda, Uzbekistan
Shah-i-Zinda có nghĩa là “Vị vua sống”, đây là một necropolis – tạm dịch là “thành phố người chết”, tọa lạc ở phía đông bắc thành phố Samarkand, Uzbekistan. Nơi đây chủ yếu chôn cất những người thân tín, họ hàng của hoàng đế Timur. Quần thể Shah-i-Zinda bao gồm các lăng mộ và tòa nhà nghi lễ khác nhau, được kết nối bằng các mái vòm cầu kỳ và phức tạp. Công trình được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 11-12 và cơ bản được hoàn thành vào thế kỷ 14-15. Cái tên “Vị vua sống” dựa theo truyền thuyết về Kusamibn Abbas – người anh em họ của nhà tiên tri Muhammad. Theo truyền thuyết, ông đến Samarkand trong cuộc xâm lược của Ả Rập vào thế kỷ thứ 7 để rao giảng về Hồi giáo. Ông bị chặt đầu vì đức tin nhưng lại đứng lên cầm lấy chiếc đầu rồi đi xuống giếng sâu (Vườn thiên đường), nơi người ta tin rằng ông vẫn còn đang sống ở đó.
Lăng mộ Jahangir, Pakistan
Lăng mộ Jahangir được xây dựng cho hoàng đế Jahangir, người cai trị vương triều Mughal từ năm 1605 đến năm 1627. Nơi đây được con trai ông xây dựng 10 năm sau khi ông qua đời. Lăng mộ tọa lạc trong một khu vườn có tường cao bao quanh và có bốn ngọn tháp cao 30m. Phía bên trong là một quan tài bằng đá cẩm thạch trắng, xung quanh được trang trí bằng những bức họa khảm hoa.
Lăng Shirvanshah, Azerbaijan
Lăng Shirvanshah là một phần của cung điện Shirvanshah, nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc Azerbaijan nằm ở nội thành Baku. Công trình được xây dựng theo lệnh của Sultan Khalilullah để làm nơi an táng cho mẹ và con trai của mình. Lăng mộ có hình chữ nhật với mái vòm lục giác trên trần, bên ngoài được trang trí những họa tiết vô cùng đẹp mắt. Bên cạnh lăng Shirvanshah, khu phức hợp cung điện Shirvanshah còn bao gồm các tòa nhà chính, sảnh nhỏ bằng đá, hầm chôn cất, nhà thờ Hồi giáo của Sultan và phòng tắm. Cùng với Tháp Maiden, Tường thành Baku và cung điện Shirvanshah tạo thành quần thể di tích lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.