Dù trên sân khấu hay màn ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Dũng luôn như “con dao pha” khi đảm nhận những nhân vật đa dạng về tính cách.
NSND Hoàng Dũng và diễn viên Việt Anh trong phim Người phán xử. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Những mảnh đời đen trắng
Gặp NSND Hoàng Dũng tại nhà riêng, tôi bắt ngay vào câu chuyện thời sự hiện nay khi hỏi anh về vai diễn Phan Quân trong phim Người phán xử đang chiếu trên VTV3 gây “sốt” với người xem. Hoàng Dũng cho biết, trước đây do bận việc nên anh phải từ chối vai Lão Phật Gia trong phim Tam Giác Vàng, nay may mắn lại được đảm nhận vai diễn Phan Quân có màu sắc không khác Lão Phật Gia nhưng viết hay hơn.
Đây là bộ phim về giới tội phạm, trong đó nhân vật Phan Quân là một “ông trùm” luôn sống dưới vỏ bọc một doanh nhân. Dưới diễn xuất của Hoàng Dũng, Phan Quân được khắc họa với quyền uy của một “ông trùm”, nhưng luôn đối xử tốt với vợ con, chiến hữu… khiến nhân vật này trở nên hấp dẫn nhất trong Người phán xử.
“Đây là bộ phim dám trực diện phản ánh cái xấu một cách chân thực, sinh động. Phan Quân là nhân vật phức tạp, nên tôi cố gắng khắc họa cho ra chân dung của một ông trùm với tính cách đa chiều, bên cạnh cái ác vẫn còn bản tính thiện” - NSND Hoàng Dũng cho biết.
Nghe NSND Hoàng Dũng chia sẻ câu chuyện với sắc mặt hiền và giọng nói ấm áp, tôi chợt nghĩ sao lên phim trông anh ghê gớm thế? Bất ngờ, Hoàng Dũng nhìn thẳng vào mắt tôi, diễn lại cảnh Phan Quân nói với Lê Thành (Hồng Đăng đóng) trong Người phán xử: “Mày viện cớ đến đây vì mục đích gì? Rút cục mày muốn gì?”.
Bất ngờ vì nội lực toát ra từ giọng nói và ánh mắt của anh, tôi bèn hỏi không hiểu Hồng Đăng có bị “khớp” khi đóng cảnh này? Hoàng Dũng trả lời: “Hồng Đăng và Việt Anh (vai Phan Hải) đều là học trò của tôi, trong phim lại có quan hệ cha con. Để đạt hiệu quả về quyền uy của một ông trùm, thỉnh thoảng tôi cố tình để họ bị bất ngờ dẫn đến khớp đôi chút trong những tình huống cần thiết”.
Rồi Hoàng Dũng chia sẻ thêm, dù Người phán xử mới chiếu được hơn mười tập, nhưng bộ phim đã đạt những hiệu ứng khiến anh cũng bất ngờ. “Gần đây vào một quán ăn, khi tôi thanh toán tiền thì chủ quán nhất định không lấy, chỉ đứng bên đề nghị được chụp kiểu ảnh. Nhiều người trong quán thấy vậy cũng đứng dậy chụp ảnh theo. Ra ngoài lấy ô tô, mình chưa kịp cảm ơn thì người trông xe đã cảm ơn trước. Đối với người diễn viên, đó là hạnh phúc vô giá” - NSND Hoàng Dũng cho biết.
Là diễn viên kịch nói, nhưng Hoàng Dũng bén duyên màn ảnh truyền hình cách đây hơn 40 năm, khi anh còn đang học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Tuy hồi đó chỉ đóng vai phụ, nhưng là bước khởi đầu để anh có hàng loạt vai diễn đa dạng trong các phim truyền hình sau này như Kẻ giết người, Cuồng phong, Trần Thủ Độ, Bước nhảy xì-tin, Con đường hạnh phúc, Đàn trời, Tuổi thanh xuân…
Trong phim Kẻ giết người, Hoàng Dũng đã hoá thân vào vai một công nhân khi học nghề ở nước ngoài về thì bị vợ “cắm sừng”. Anh thể hiện chân thực nỗi u uất, bất lực, đau khổ đến mức một thời gian dài bị “đóng đinh” với những vai diễn dạng đó. Đến khi Hoàng Dũng nhận vai Thái, một trùm ma tuý trong phim Cuồng phong, nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi đôi mắt ngấn nước của anh trong Kẻ giết người nên không tin người đàn ông bị cắm sừng kia có thể vào vai phản diện.
Nhưng Hoàng Dũng đã thể hiện xuất sắc vai diễn hai mặt của một “ông trùm” ma tuý đa nghi sống trong vỏ bọc một doanh nhân có trách nhiệm với xã hội. Trong phim Hoàng Dũng xuất hiện không nhiều, nhưng mỗi khi “ra mắt”, chỉ bằng cái nhếch mép cười khẩy hoặc ngồi nhả khói thuốc nghe người khác nói, anh vẫn lột tả được chân tướng của một “ông trùm”.
Sau vai Thái, Hoàng Dũng nhận vai chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ân trong phim Đàn trời, cũng là một dạng “ông trùm” khác. Anh đã thể hiện rõ tính hai mặt của một chủ tịch tỉnh có bề ngoài đạo mạo nhưng nội tâm thâm hiểm, sẵn sàng đạt được những thứ mình muốn bằng mọi thủ đoạn. “Sau vai diễn, có người hỏi tôi sao diễn thật thế, không sợ à? Nghe vậy tôi chỉ biết cười” - NSND Hoàng Dũng chia sẻ.
Nghề chọn người
Hoàng Dũng đến với nghiệp diễn một cách tình cờ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, với tính tình thích giao tiếp nên anh đã thi vào trường Đại học Ngoại ngữ. Nhưng do kết quả thiếu nửa điểm nên anh được chuyển sang trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Vì cả anh lẫn chị đã theo ngành sư phạm, Hoàng Dũng muốn có chút màu sắc khác nên đã từ chối theo học trường này.
Trong thời gian ở nhà, một hôm có người bạn rủ thi tuyển vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nên Hoàng Dũng bèn thử sức cho biết, không ngơ trúng tuyển. Vào trường một thời gian, Hoàng Dũng lại nhận được giấy gọi đi học nghề làm pha lê tại Tiệp Khắc (cũ) nên anh đã xin thôi tại nơi vừa nhập học. Tuy nhiên, sát ngày đi nước ngoài, do trục trặc giấy tờ nên Hoàng Dũng bị rớt lại.
Ít lâu sau, việc “ở nhà” của anh được NSND Huỳnh Nga, thầy giáo cũ tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội biết chuyện. Do sớm nhận ra tài năng của học trò, NSND Huỳnh Nga đã đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường cho Hoàng Dũng được học trở lại. Khi Ban Giám hiệu do dự, NSND Huỳnh Nga đã nói: “Đào tạo 100 kỹ sư, hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề này, cả khóa may ra trông chờ được vài em. Hoàng Dũng nằm trong số vài em mà tôi đặt hy vọng”.
Được nhận lại vào trường, Hoàng Dũng chăm chỉ học và thấy yêu nghề. Ngoài giờ lên lớp, anh thường xuyên tìm cách lẻn vào các nhà hát kịch xem biểu diễn để học thêm. Hoàng Dũng bị bảo vệ nhà hát bắt đến… quen mặt, có lần nhốt vào nhà vệ sinh mà anh vẫn không chừa. Một hôm bị bắt, nghe bảo vệ căn vặn sao vẫn vở kịch đó mà ngày nào cũng trốn vào xem, Hoàng Dũng đành nói thật muốn vào đây để học.
“Thời đó, tôi muốn xem lại nhiều lần để học, để tự phân tích cách diễn của các nghệ sĩ gạo cội. Đơn cử, tôi muốn hiểu tại sao trong một vở kịch NSND Đào Mộng Long chỉ diễn với một ngọn đèn mà vẫn hấp dẫn khán giả đến vậy” - NSND Hoàng Dũng chia sẻ.
Ra trường, về Nhà hát kịch Hà Nội làm việc, cơ hội đã đến khi Hoàng Dũng được giao vai bác sĩ Duy trong vở kịch Bình minh đó trái tim anh. Tuy nhiên do chủ quan, đến đoạn quan trọng nhất của vở kịch anh lại diễn không đạt nên đạo diễn đã thay vai bằng diễn viên Trần Vân. Thất vọng và ân hận, nhưng Hoàng Dũng không buông xuôi, âm thầm chờ cơ hội.
Một lần, khi đoàn diễn vở kịch đó tại Hải Phòng, Trần Vân bỗng bị khản giọng nên đạo diễn gọi Hoàng Dũng thay. Hôm đó, Hoàng Dũng tập diễn và học lời thoại một mình, để buổi tối đảm nhận xuất sắc vai bác sĩ Duy. Sau đó, Hoàng Dũng và Trần Vân thay nhau đảm nhận vai này trong các buổi diễn tiếp theo. “Đó là một kỷ niệm sâu sắc trong nghề. Về sau, tôi lấy tên Duy của nhân vật đặt tên cho con đầu của mình” - NSND Hoàng Dũng cho biết.
Sau thành công trên, Tôi và chúng ta là vở diễn đánh dấu bước ngoặt của Hoàng Dũng. Nhưng buổi đầu phân vai Tôi và chúng ta, trong khi nhiều diễn viên của nhà hát đều có vai đàng hoàng thì Hoàng Dũng chỉ được nhận vai phụ, mặc dù anh thấy mình rất hợp với vai phó giám đốc Chính.
Một lần, Hoàng Dũng rụt rè đề nghị đạo diễn Hoàng Quân Tạo cho mình tự tập thử vai này và được đồng ý. Anh bèn rủ thêm một số bạn cùng lứa của nhà hát tập cùng. Rồi gần đến ngày công diễn, diễn viên được thủ vai phó giám đốc Chính bị ốm nên đạo diễn Hoàng Quân Tạo gọi Hoàng Dũng tạm thay thế. Chẳng ngờ anh lại nhập vai xuất sắc khiến đạo diễn rất hài lòng.
Khi diễn viên nói trên đi làm, Hoàng Dũng đâm ngại nên cứ đứng ngoài nhà hát mà chẳng dám vào. Sau đó, qua điều chỉnh của đạo diễn Hoàng Quân Tạo, người diễn viên đàn anh đã nhường lại vai phó giám đốc Chính cho Hoàng Dũng. Từ cái “nôi” Tôi và chúng ta, Hoàng Dũng tiếp tục thành công trong các vở kịch Cát bụi, Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng đàn vùng Mê Thảo…
Dưới diễn xuất của Hoàng Dũng, các nhân vật luôn có thân phận, không trắng đen một chiều. Anh cho biết, để nâng cao nghề nghiệp cần chịu khó xem các loại hình nghệ thuật và đọc sách. Khi đọc sách, sẽ thẩm thấu được tâm trạng của những phận đời khác nhau, qua đó tăng thêm vốn sống và tích luỹ được cảm xúc để diễn xuất chân thực hơn.
Năm 2007, sau gần 30 năm làm việc tại Nhà hát kịch Hà Nội, Hoàng Dũng trở thành Giám đốc Nhà hát, cùng năm đó anh được phong NSND. Trong 10 năm trên cương vị giám đốc, NSND Hoàng Dũng đã dẫn dắt đơn vị trở thành một trong những điểm sáng của sân khấu Thủ đô và cả nước, đặc biệt luôn giữ được chất Hà Nội trong các vở diễn của Nhà hát.
Đầu năm 2017 vừa qua, khi đến tuổi nghỉ hưu, Nhà hát kịch Hà Nội đã tổ chức diễn lại vở kịch Tiếng đàn vùng Mê Thảo để chia tay anh. Trong vở kịch, NSND Hoàng Dũng một lần nữa hoá thân vào vai Bá Nhỡ - nhân vật mà anh tâm huyết, một hình tượng người nghệ sĩ dám hy sinh cho niềm đam mê nghệ thuật. Đó cũng là điều mà NSND Hoàng Dũng mong mỏi và luôn theo đuổi trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình.