Phim Việt - sản xuất nhiều, dấu ấn là cả... rổ sạn

Ngày 20/02/2017 00:00 AM (GMT+7)

“Fan cuồng”, “Vệ sĩ Sài Gòn”, “Vòng eo 56”, “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Tuổi thanh xuân”… là một trong số hàng chục dự án phim được công chúng kỳ vọng để điện ảnh Việt tiến xa hơn trong năm 2016. Tuy nhiên, phim được khán giả mong chờ nhiều nhưng chất lượng gây nhiều tranh cãi...

Phim cả “rổ sạn”

Lùm xùm từ trước khi ra mắt, Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cuối cùng cũng được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 19.8.2016 trong sự háo hức, mong chờ của đông đảo khán giả. Có điều, bộ phim được đầu tư 22 tỷ đồng với sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ, đẹp như: Ninh Dương Lan Ngọc, Hạ Vi, Isaac… lại khiến công chúng và cả những nhà làm phim thất vọng ê chề, bởi phim có quá nhiều “sạn”.

Phim Việt - sản xuất nhiều, dấu ấn là cả... rổ sạn - 1

Phim Việt năm 2016 có doanh thu cao nhất là “Tấm Cám” cũng chỉ xấp xỉ 70 tỷ đồng.  Ảnh:  Đ.P

Nghệ sĩ Vượng Râu chỉ rõ, điểm yếu đầu tiên của phim chính là kịch bản, nói đúng hơn là mô-típ không có gì mới. Lủng củng về nội dung. Dù ý tưởng của bộ phim tốt nhưng người chấp bút non tay, hoặc người biên tập không thể hiện rõ vai trò biên tập nên kịch bản không hấp dẫn từ phút đầu tiên. Bộ phim này có ý định khai thác hài nhưng làm không tới nơi. Mấy màn có ý đồ gây hài chưa đẩy lên cao trào nên cứ lùng bùng.

Một chi tiết tuy nhỏ nhưng nếu nhà làm phim không để ý cũng sẽ thiếu tính thuyết phục với khán giả. Trong bộ phim này, ví dụ như cây cau trong bộ phim khi Tấm trèo lên hái cau. Để thuyết phục người xem về cái chết của Tấm, đạo diễn nên cho ngã xuống ao như trong truyện hoặc đập đầu vào thành giếng. Điều đó thuyết phục hơn là việc trèo lên cây cao cao có 5m, lá cau bao giờ cũng xoè ra nên nó sẽ giảm sức nặng và như thế khó có thể Tấm chết được!” – đạo diễn Vượng Râu nhận định.

Ngoài bộ phim này, nhiều bộ phim nội ra rạp khác trong năm 2016 như “Fan cuồng” hay “Vệ sĩ Sài Gòn” cũng gây tranh cãi không ít về chất lượng phim. Một nhà làm phim xin phép được giấu tên cho rằng: “Vệ sĩ Sài Gòn mắc điểm yếu về kịch bản. Hàng loạt trường đoạn của phim được xây dựng thiếu kịch tính và lỏng lẻo khiến nửa sau tác phẩm dài lê thê và gây nhàm chán. Điều đáng nói là lời thoại của bộ phim ở những phân cảnh hài hước vẫn rơi vào lối mòn gượng gạo, sống sượng. Cho nên, những cảnh gần như cần có cảm xúc, lời thoại của các diễn viên khô cứng và thiếu thuyết phục”.

Một bộ phim khác được coi là phim “bom tấn” của Hãng phim Truyền hình Việt Nam VFC trong năm qua là phim Tuổi thanh xuân 2 cũng khiến nhiều khán giả hụt hẫng, bởi, trước đó bộ phim được quảng cáo khá rầm rộ. Nhiều khán giả khó tính cho rằng, mô-típ của bộ phim này vẫn theo lối cũ mòn đề cập đến chuyện tình tay ba, tay tư, cách xử lý tình huống chậm, dễ dãi, thậm chí là vô lý. Đã vậy, phim lồng ghép quảng cáo nhiều gây khó chịu với khán giả trong quá trình theo dõi.

Nhiều người cho rằng, năm 2016 khép lại, số lượng phim Việt cả chiếu rạp và trên các kênh khiến khán giả “nở mày nở mặt” có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hai bộ phim dẫn đầu phòng vé năm vừa qua là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” và “Nắng” chỉ dừng ở mức xấp xỉ 70 tỷ đồng. Trong khi hai quán quân 2014 và 2015 là phim Để mai tính 2Em là bà nội của anh đều có doanh thu trên 100 tỷ đồng.

Phim Việt - sản xuất nhiều, dấu ấn là cả... rổ sạn - 2

Lỗi tại khâu nào?

Bộ phim được coi là tác phẩm đột phá về mặt kỹ thuật trong dòng phim kinh dị Việt trong năm qua phải nhắc đến Cô hầu gái, chính thức ra rạp ngày 15.9.2016. Tuy nhiên, ngay từ ngày ra mắt, một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội bởi cái tên của bộ phim này. Một số khán giả cho rằng, chữ “cô” và chữ “gái” trong cụm từ “Cô hầu gái” có nghĩa giống nhau, không cần thiết phải đặt cả hai chữ này vào một tựa phim.

Ngoài cái tên phim, sự yếu kém trong khâu kịch bản dù chỉ là một chi tiết nhỏ cũng khiến người xem dễ dàng bỏ qua cả giá trị của một bộ phim. Thực tế, hiện tại, điện ảnh Việt với sự tham gia của nhiều đạo diễn trong nước và hải ngoại, như: Lê Bảo Trung, Đinh Tuấn Vũ, Lý Hải, Vũ Ngọc Đãng, Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Derek Nguyễn, thậm chí là cả đạo diễn người Nhật Ken Ochiai (phim “Vệ sĩ Sài Gòn”).

Có điều, những đạo diễn Việt kiều vấp phải rào cản văn hóa khi không phải ai cũng có thể tái hiện hình ảnh Việt Nam thời thập niên 1980 như Victor Vũ với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bảo sao khi xem xong bộ phim Vệ sĩ Sài Gòn có khán giả so sánh vui rằng phim như “đem sushi mà chấm với mắm tôm Việt Nam” vậy.

Đạo diễn đã vậy, các diễn viên Việt không chỉ năm qua mà tồn tại trước đó bị khán giả chê bai về khả năng diễn xuất. Trong khi các nhà làm phim “sính” diễn viên có ngoại hình đẹp, tên tuổi hot đưa vào phim mà thiếu khả năng diễn xuất khiến khán giả ngán ngẩm ví von như “bình hoa di động”.

Một ví dụ điển hình khi nói về biểu cảm vô hồn của “cô Tấm” Hạ Vi ngã cây gây tranh cãi cộng đồng, nhà sản xuất kiêm đạo diễn bộ phim Ngô Thanh Vân lý giải: “Phân đoạn đó thể hiện trạng thái bất lực, cam chịu, khi Tấm hiểu được điều gì đang xảy ra với mình, rằng mình sắp bị giết hại bởi chính tay của mẹ và em gái mình, và phải lìa xa người mình yêu. Cảm xúc phức tạp đó có thể khó với một diễn viên trẻ lần đầu đóng phim như Hạ Vi”.

Chất lượng phim dù do đạo diễn, diễn viên nhưng nhiều khán giả vẫn nhận ra khâu yếu nhất của điện ảnh Việt nằm ở kịch bản. Không ít người xem lắc đầu ngao ngán vì những tình tiết lố bịch, phi logic, ngô nghê có trong nhiều bộ phim như: Truy sát, Găng tay đỏ, Tấm Cám: Chuyện chưa kể…

“Xem xong phim Việt Nam rồi chẳng để lại gì trong đầu, cho thấy phim Việt thua xa phim nước ngoài. Kịch bản nhạt, đạo diễn kém, diễn viên đóng kiểu gượng ép thế làm sao mà thổi được được hồn vào bộ phim”  -  khán giả Tùng Văn (Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn nhận định.

Theo Bùi Mỵ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tấm Cám: Chuyện chưa kể