Lần đầu tiên háo hức đón cái Tết “tự do”, theo ý mình mong muốn của các cặp vợ chồng trẻ sẽ ra sao? Làm sao để cân đối chi tiêu sao cho hợp lý, không “vung tay quá trán” mà vẫn đảm bảo một cái Tết đầy đủ?
Cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn ra ở riêng để xây dựng tổ ấm một cách tự do, thoải mái hơn. Đặc biệt với những cặp đôi lần đầu đón cái Tết mà tự tay mình mua sắm tất cả vừa đầy háo hức lại vừa lo lắng. Háo hức vì có thể sắm sửa, bày biện theo ý mình. Còn lo lắng vì phải cân đối chi tiêu sao cho hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với khả năng tài chính của gia đình.
Bạn Thu Hà (26 tuổi, Đống Đa) tâm sự: “Đây là cái Tết đầu tiên chúng mình về chung sống với nhau, cũng là Tết đầu tiên bọn mình được “tự do” trong tổ ấm của riêng mình. Hai vợ chồng cũng đã bàn bạc từ 2 tháng trước Tết, để biết đường dành dụm tiền. Đầu tiên là tiền biếu Tết hai bên nội - ngoại mỗi bên 3 triệu đồng. Một khoản tiền để đổi tiền mới lì xì mừng tuổi là 5 triệu đồng, bên cạnh đó là lì xì bố mẹ hai bên mỗi người 500.000 đồng, vậy là thêm 2 triệu nữa là 7 triệu đồng. Sau đó là tiền sắm sửa cho Tết. Hai vợ chồng đi làm văn phòng, tổng thu nhập rơi vào khoảng 25 triệu, nên mình phải tính toán dữ lắm, làm sao cho tối giản hết sức có thể”.
“Mình mua vàng mã đơn giản thôi nhưng để đủ lễ thì phải chi khoảng 500.000 đồng tiền vàng mã. Bánh kẹo, đồ ăn vặt tiếp khách tốn 1.2 triệu đồng. Nấu đồ thắp hương gồm 1 con gà, 1 cái bánh chưng, giò, đĩa rau xào, canh bóng rau củ, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa tôm nướng. Mâm cỗ này tốn khoảng 1 triệu nữa. Mình mua 1 cây quất bonsai nhỏ nhỏ cho có không khí khoảng 200.000 đồng. Thêm một cành đào vừa xinh để cắm bình thắp hương giá 150.000 đồng” - Hà chia sẻ thêm - “Mỗi gia đình có một mức thu nhập khác nhau, lựa cơm gắp mắm để cân đối thu chi, sao cho Tết được đầy đủ. Và quan trọng nhất, vợ chồng phải thống nhất được với nhau, tránh gây nên tranh cãi không đáng có”.
Bạn Hằng Nga (29 tuổi, Ba Đình) cho biết vợ chồng đã sống cùng nhà chồng hơn 2 năm, và năm nay sẽ đón Tết tại nhà mới: “Tết đầu tiên vợ chồng ra ở riêng nên mình cũng vừa lo lắng vừa mong chờ. Thế nhưng mình cũng được hai bên nội ngoại hỗ trợ rất nhiều. Chưa biết gì thì lại hỏi mẹ đẻ, hỏi mẹ chồng. Quan trọng nhất vẫn là phải chuẩn bị một khoản tiền cho Tết, mình để tầm 20 triệu đồng. Trước Tết 2 tuần mình đã chuẩn bị hòm hòm gần như đủ đồ Tết rồi, từ vàng mã, bánh kẹo, ô mai, bia, nước ngọt, quần áo mới cho cả nhà đến tiền Tết gửi nội - ngoại, tiền mới để mừng tuổi. Những khoản này đã tốn chừng 13 triệu đồng. Trước Tết 1 tuần nhà mình sẽ chọn cây và hoa trưng Tết, khoản này dự kiến tốn thêm 1 triệu đồng nữa. Cứ sắm đồ dần như vậy vừa không bị áp lực gần Tết mà nhà chưa có gì cả, hơn nữa đồ mua sớm cũng rẻ hơn nhiều vì càng gần Tết cái gì cũng tăng giá.
Chỉ riêng đồ ăn thắp hương và đồ ăn ngày Tết thì gần đến ngày mình mới đi chợ để mua đồ tươi. Ngoài ra mình chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm như rau, nấm, thịt bò thái sẵn,... đóng thành từng túi hoặc hộp trong tủ lạnh. Thêm mấy túi nước lẩu, xúc xích, viên thả lẩu,... để liên hoan cùng gia đình trong những buổi tụ tập. Thế là những ngày trong Tết không cần phải ra chợ mà ở nhà luôn có sẵn nguyên liệu. Thêm nữa, mấy ngày Tết cái gì cũng đắt gấp mấy lần nên mình thấy cứ chuẩn bị đồ trước sẽ tiết kiệm hơn nhiều”.
Bạn nên sắp xếp kế hoạch chi tiêu cho Tết từ sớm, tốt nhất là từ khoảng 2 tháng trước Tết. Lúc này hai vợ chồng cần cân đối thu chi và dành ra một khoản tiền để tiêu Tết. Nếu bạn không có kế hoạch rõ ràng ngay từ đầu, rất dễ rơi vào tình trạng hụt ngân sách, chi lố tay.
Lên danh sách các khoản cần phải chi cho Tết càng chi tiết thì bạn sẽ càng chủ động và dễ kiểm soát, không bị “vung tay quá trán”. Một số khoản chi bắt buộc có thể kể đến:
- Tiền mừng tuổi
- Tiền biếu hai bên nội - ngoại
- Tiền mua bánh kẹo, trà, cafe mời khách
- Đồ uống như bia, nước ngọt
- Thực phẩm Tết
- Vàng mã
- Cây cảnh, hoa trưng Tết
- Các chi phí khác
Cuối năm là thời điểm các nhãn hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm. Đây là thời điểm lý tưởng để bạn chọn mua những món đồ mình thiết yếu cho gia đình với giá tốt hơn và tiết kiệm chi phí đáng kể.
Một số mặt hàng thiết yếu mà chắc chắn bạn sẽ dùng đến như dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, các loại gia vị, gạo,...
Vào dịp năm mới, hầu hết các chị em thường mua sắm nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, cái gì cũng muốn tích trữ thật nhiều. Điều này sẽ làm cho tủ lạnh, tủ đông nhà bạn bị quá tải và nếu dự trữ trong thời gian dài sẽ làm hao hụt đi một phần dinh dưỡng của thực phẩm. Nếu đã lên danh sách chi tiết những đồ cần mua, bạn cần bám sát theo nó để không mua thừa mứa.
Đối với các thực phẩm đông lạnh, bạn nên mua vừa đủ dùng. Với thực phẩm tươi, bạn nên ước tính lượng thức ăn cần mua trong khoảng 2 - 3 ngày. Bảo quản thực phẩm tươi như rau, nấm, thịt bằng các hộp chuyên trữ đồ ăn.
Nên mua bổ sung thực phẩm ở siêu thị, vì ở đây thường có giá bình ổn hơn ở chợ. Chắc chắn bạn sẽ không muốn phải mua mớ rau 30.000 đồng thay vì chỉ 10.000 đồng như bình thường.
Nếu đi ăn ngoài hàng vào dịp Tết bạn sẽ phải trả chi phí gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với ngày thường. Trong khi ở nhà cũng cần phải “giải quyết” chỗ đồ ăn đang tích trữ, tránh lãng phí. Vì vậy, hạn chế ăn bên ngoài và ăn cơm nhà sẽ là một ý tưởng hay giúp bạn tiết kiệm chi phí đáng kể.
Ngoài ra, Tết là dịp cả gia đình đoàn tụ, sum họp sau một năm học tập, làm việc chăm chỉ. Do đó, bữa cơm gắn kết các thành viên là vô cùng quan trọng.
Năm mới tặng quà, biếu tiền cho hai bên nội ngoại và lì xì cho trẻ con là rất cần thiết. Quà tặng và tiền lì xì trong dịp đầu năm biểu thị cho sự may mắn, mừng một năm mới mọi việc tốt lành.
Tuy vậy, không cần thiết phải là thứ đắt tiền hay lì xì nhiều tiền mà hãy chọn những món quà có ý nghĩa sẽ được lòng người nhận mà người tặng cũng tiết kiệm được ngân sách. Tùy thuộc vào kinh tế của gia đình để cân đối chứ không nên nặng nề vấn đề này.
Trước khi mua sắm, bạn hãy tìm kiếm các thông tin về địa điểm và giá cả của các mặt hàng để so sánh, tham khảo chất lượng rồi hẵng quyết định mua những mặt hàng này, tránh bị "thách giá" vào những dịp Tết.
Vào dịp Tết thường sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi. Do vậy, bạn nên rủ bạn bè, người thân của mình sắm Tết chung để được hưởng những ưu đãi và tiết kiệm được phần nào đó chi phí.
Dù nhiều người trẻ nay đã biết “sợ” Tết, lo lắng khi Tết về, nhưng cảm giác háo hức, mong chờ được tự tay mua sắm, lựa chọn những gì mình thích cho gia đình trong cái Tết đầu tiên được “ra riêng” vẫn là một cái gì đó vô cùng thú vị và đáng nhớ. Hi vọng với những bí quyết sắm Tết trên sẽ giúp các cặp vợ chồng trẻ phần nào bớt hoang mang, để sẵn sàng đón một cái Tết thảnh thơi, như ý.