Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến

H.M - Ngày 14/02/2024 16:00 PM (GMT+7)

Xưa phải đun nước lá mùi để tắm, nay chỉ cần mua xà phòng lá mùi là xong. Xưa phải lì xì bằng phong bao đỏ, nay “ting ting” là người ở phía bên kia địa cầu cũng nhận được. Tết xưa và Tết nay có những thay đổi thú vị ra sao?

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 1

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam. “Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm.

Không chỉ đơn thuần là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch, Tết Nguyên Đán đối với người Việt còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Đây là thời điểm trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần hơn với thần linh. Vì vậy, khi xưa Tết là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm, bỏ lại mọi điều không may mắn trong năm cũ.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 2

Đây cũng là dịp mọi người làm mới về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua. 

Tết là một văn hóa cổ truyền của dân tộc ta, được truyền từ đời này qua đời khác. Thời gian qua đi, Tết cũng dần thay đổi theo đời sống của người dân. Chúng ta đang sống ở một thời đại với nhiều đổi mới, nơi mà những thứ cũ kỹ, không còn phù hợp bị loại bỏ. Đâu đó vẫn có những người chê Tết “nhạt”, không còn vui như xưa, cũng chẳng còn sự háo hức, mong chờ. Vậy thì Tết nay đã thay đổi ra sao so với Tết xưa?

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 3

Tết xưa, cứ vào tháng giáp Tết, khắp mọi nẻo đường từ miền quê đến phố thị đều đông đúc hơn hẳn ngày thường. Các chợ hoa cực kỳ nhộn nhịp với đủ đào, mai, quất, các loại hoa Tết. Người người chen nhau để có thể chọn được cây quất ưng ý hay cành đào đẹp nhất về trưng Tết. Thậm chí từng bông hoa cũng phải được chọn thật kỹ lưỡng.

Ra đến chợ, không khí lại càng náo nhiệt hơn. Người ta bày bán đủ các loại thực phẩm, nguyên liệu từ con gà, miếng thịt đến gạo nếp, lá dong,... Những gì cần mua thì đều được bày bán ở chợ, nên chợ Tết xưa luôn mang đến một cảm giác háo hức, hừng hực, rộn ràng trong lòng và ký ức của mọi người.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 4

Còn giờ đây, chẳng cần ra ngoài đường làm gì cho đông đúc, bon chen, mọi người vẫn có thể sắm sửa cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Chỉ cần ngồi nhà, lên các trang thương mại điện tử, cửa hàng online để đặt mua đồ thôi là có người giao đến tận nhà.

Thế nhưng đó chỉ là người trẻ thôi, còn thế hệ trung niên hay lớn tuổi hơn, họ vẫn ra chợ để tỉ mẩn chọn lựa những món đồ ngon và đẹp nhất, để hòa mình vào không khí Tết.

Hay như chuyện mua hoa, mua cây về trưng Tết thì mọi người vẫn thích ra chợ hoa để lựa chọn hơn. Ngắm nghía, nhìn tận mắt và chọn được cho mình chậu quất hay cành đào ưng ý về trưng Tết vẫn đem lại một cảm giác “sung sướng”. Không chỉ có quất, đào, mai, giờ đây người ta còn thích chơi thêm những chậu bonsai, những loài hoa đắt đỏ như địa lan, quýt cảnh, mơ trắng hoặc đào rừng…

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 5

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 6

Tết xưa, đồ ăn ngày Tết là một thứ gì đó thật là “xa xỉ”, chỉ ngày Tết mới được ăn. Bánh chưng, bánh tét, khoanh giò, gà luộc, canh bóng, đĩa xôi,... là những món ăn không thể thiếu trong những ngày đón năm mới.

Đám trẻ háo hức ngồi xem ông bà, bố mẹ gói bánh chưng. Mẹ sẽ luôn làm 1 - 2 cái bánh chưng bé xíu, nhỏ xinh dành cho đám nhỏ. Buổi tối cả nhà quây quần trông nồi bánh chưng trên bếp lửa thật ấm áp. Hồi hộp nhất là lúc bánh chưng được luộc xong và gắp từng cái lên để kiểm tra. Chiếc bánh be bé dành riêng cho mình khi ăn cũng có cảm giác ngon hơn hẳn.

Ngày ấy đồ ăn chẳng nhiều như bây giờ, nên từ đầu năm, mỗi nhà sẽ gom góp nuôi một con lợn để ăn Tết. Cuối năm, những người trong họ quây quần, đụng lợn làm giò chả để đón Tết. Nhớ hình ảnh bố hối hả xách miếng thịt lợn còn nóng hổi về khoe với cả nhà: “Tôi canh được ngay miếng thịt ngon nhất về cho cả ăn Tết đây!”

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 7

Trên bàn tiếp khách đến chúc Tết ngày xưa không thể thiếu một ấm trà mạn, một hộp mứt Tết, đĩa hạt bí hay hướng dương. Nhà nào “sang” hơn thì có thêm bánh quy, kẹo gôm, kẹo cứng các vị… Trẻ con thì quá mê “tiết mục” này rồi, chỉ chờ qua giao thừa để ông bà, bố mẹ khui hộp mứt Tết ra. Mứt bí xanh xanh hồng hồng, cắn một miếng ngọt khé. Mứt lạc bọc đường màu trắng giòn tan. Mứt chà là dẻo dai, thơm ngọt… Hộp mứt ngon nhất thế giới chính là hộp mứt trong ký ức…

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 8

Ngày nay, chẳng cần phải đến Tết thì chúng ta mới được ăn bánh chưng, mới có bánh kẹo để ăn. Ngoài chợ, trên các cửa hàng online hay trong siêu thị hiện nay, đều có thể mua được bánh chưng, bánh tét bất kể lúc nào. Thịt lợn, thịt gà cũng ê hề muốn ăn lúc nào cũng được.

Tết nay, gói bánh chưng hay bánh tét cho có không khí Tết là chính, chứ cũng không câu nệ bắt buộc. Nhiều nhà ít người, chỉ đặt mua vài cái bánh chưng để thắp hương. Trên mâm cỗ thắp hương ngày Tết vẫn phải có đầy đủ những món cổ truyền, nhưng giờ đã có thêm những món hiện đại “giải ngấy”. Nhiều gia đình thêm vào đó đĩa thịt bắp bò ngâm giấm, nem chua,...

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 9

Các loại bánh kẹo, mứt Tết cũng đa dạng hơn hẳn ngày xưa. Trên bàn tiếp khách giờ đây có thật nhiều các loại bánh kẹo ngoại nhập, ô mai, rồi các loại hạt như hạt dẻ cười, hạnh nhân rang muối,... Rồi đủ các loại hoa quả sấy như mít sấy, khoai sấy, rau củ sấy,... Nhiều nhà còn bày cả thịt bò khô, lợn khô, gà khô,… Những hộp mứt ngọt khé cổ ngày xưa chẳng còn được bày bán nhiều nữa vì giờ người ta chuộng đồ ít ngọt, lành mạnh.

Thế nhưng với đám trẻ, dù có thể ăn bánh kẹo quanh năm không cần chờ đến Tết, nhưng chỉ khi Tết đến, chúng mới được thoải mái ăn đồ ăn vặt, ăn đồ ngọt. Vậy nên Tết vẫn thật vui và đầy háo hức!

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 10

Xưa hay nay thì giao thừa vẫn là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng của những người con đất Việt. Công việc đã được gác lại, gia đình nào cũng bắt tay vào công cuộc “tổng vệ sinh” nhà cửa cho sạch sẽ. Đồ cũ không dùng nữa thì vứt đi, bày biện trang hoàng để đón năm mới.

Tối 30 Tết, khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, khi mâm cỗ cúng đã được sắp đặt chỉn chu, cành hoa đẹp nhất được cắm lọ trưng bàn thờ… cả nhà lại quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bữa ăn cuối năm.

Chương trình Táo Quân phát nhạc hiệu là lúc mọi người đều đã rảnh rang ngồi trước tivi, thưởng thức chương trình cùng những tràng cười vui vẻ. Hoặc cũng có những gia đình hoặc bạn trẻ hẹn nhau đến các điểm bắn pháo hoa ngoài trời để hòa chung không khí đón năm mới cùng người dân trong cả nước. 

Tết xưa mọi người thường chơi pháo ở nhà. Tiếng pháo và mùi hương của pháo đến nay nhiều người vẫn còn lưu luyến. Sau này vì sự an toàn, pháo đã bị cấm vì không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và tránh cháy nổ đầu năm.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 11

Nhiều phong tục lấy may đầu năm vẫn được nhân dân ta lưu truyền, gìn giữ đến tận ngày nay bởi chúng đều mang ý nghĩa tốt lành và là nét văn hóa đẹp. Có chăng điều thay đổi chỉ là phương thức người ta thực hiện mà thôi.

Ví như Tết xưa, mọi người thường mua tranh, treo câu đối trước cửa hoặc cột xà nhà để mong cầu may mắn. Tết nay thay vì treo câu đối, người ta sẽ chọn treo đèn lồng đỏ hay mẹt trang trí.

Tết xưa, ngày 30 Tết, các bà các mẹ sẽ nấu một nồi lá mùi già hoặc hương nhu để cả nhà tắm “tẩy uế”, có ý nghĩa gột rửa mọi đều không may mắn trong năm cũ, chìm trong hương thơm tự nhiên và đón một năm mới “sạch sẽ”, tốt lành.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 12

Tết nay, bên cạnh những người vẫn mua lá mùi về đun thì một số gia đình sử dụng xà phòng lá mùi cho tiện và nhanh chóng. Thế nhưng những gánh hàng, những chiếc xe chở đầy mùi già trên các nẻo đường, khu chợ ngày cuối năm vẫn khiến bất cứ ai đều cảm thấy bồi hồi. Đối với nhiều người, mùi của mùi già chính là mùi của Tết, bởi khi ta thoảng thấy mùi hương này trong không gian cũng chính là lúc Tết đang về thật gần.

Theo dân gian, những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới là những giây phút thiêng liêng, bởi vậy người ta luôn thực hiện những điều tốt đẹp để mong những điều may mắn. Chẳng hạn như đêm Giao thừa đốt pháo để chúc mừng năm mới, hái lộc đầu xuân để rước may mắn về nhà, xông đất đầu năm để “lấy vía” từ người thành công, khai bút đầu xuân để cầu mong may mắn trong học hành, sự nghiệp,...

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 13

Trong phong tục Tết xưa, lì xì ngày Tết tượng trưng cho một món quà tinh thần, không quan trọng vật chất mà thay vào đó thể hiện sự quan tâm, yêu thương và lòng mong ước cho con cháu chăm ngoan, học giỏi, khỏe mạnh,… Với những người lớn tuổi thì thể hiện lòng kính trọng, lời chúc nhiều sức khỏe, sống thọ cùng con cháu. Vì thế, phong tục lì xì làm cho ngày Tết của người Việt trở nên tốt đẹp, ấm áp và có ý nghĩa hơn.

Màu đỏ đặc trưng của phong bao lì xì thể hiện sự may mắn, giàu có, thịnh vượng cho cả một năm. Và đây cũng cũng là truyền thống tốt đẹp không thể thiếu những ngày đầu năm mới. Vào ngày mùng một, cả gia đình sẽ sum họp lại với nhau thắp hương tổ tiên và cùng nhau vui vầy ăn Tết. Ông bà, cha mẹ sẽ gửi đến những đứa trẻ trong nhà những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 14

Tuy ý nghĩa như vậy nhưng giờ đây, lì xì ngày Tết lại bị những giá trị về vật chất làm xấu xí đi. Trẻ con thì buồn thiu khi mở phong bao thấy số tiền không nhiều như ý. Còn người lớn thì bị áp lực tiền bạc khi phải chuẩn bị một khoản tiền không nhỏ để mừng tuổi mọi người dịp Tết.

Ngày nay nhiều người còn không cần chuẩn bị phong bao hay tiền mặt cho bất tiện, chỉ cần chuyển khoản “ting ting” là đã có thể “lì xì” cho nhau rồi.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 15

Tết xưa, phải chờ đến Tết người ta mới chi tiền để sắm sửa quần áo mới, vì vậy cảm giác sung sướng, hạnh phúc mỗi khi Tết cận kề lại càng đong đầy.

Giờ đây dù người ta mua quần áo quanh năm, nhưng Tết vẫn là dịp mọi người mua những bộ đồ mới để diện Tết. Tết nay, mọi người vẫn chuộng áo dài với màu sắc tươi sáng như đỏ, vàng, hồng,... 

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 16

Tết xưa, sau khi thắp hương mùng 1 xong xuôi, cả nhà sẽ đi đến một ngôi chùa để vãn cảnh chùa, thắp hương cầu khấn cho gia đình một năm mạnh khỏe, bình an. Sau đó, gia đình sẽ “rồng rắn” đi khắp các nhà trong họ hàng để chúc Tết. Ngồi bên chén trà, người lớn hỏi thăm nhau vài câu chuyện năm vừa qua và chúc nhau năm mới vui vẻ. Trẻ nhỏ thì háo hức chờ lì xì, len lén thò tay nhặt vài viên kẹo.

Tết nay, các gia đình vẫn giữ thói quen đi lễ chùa đầu năm, nhưng việc sang nhà nhau chúc Tết đã hạn chế hơn. Đặc biệt sau những năm dịch bệnh Covid-19 thì các gia đình chỉ thăm hỏi anh em, họ hàng thân thiết chứ không còn chúc Tết tràn lan. Thế nhưng Tết vẫn là dịp để mọi người gặp gỡ nhau sau 1 năm làm ăn vất vả, hỏi thăm và chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 17

Kết

Năm nào chúng ta cũng đều thấy ai đó than phiền “sợ Tết”, “Tết nhạt”, “Tết không còn vui như xưa”,... Tết không thay đổi và chưa bao giờ mất đi ý nghĩa vốn có. Điều thay đổi chính là thời đại ngày nay đã có nhiều khác biệt, dòng chảy thời gian khiến nhiều thứ đã thay đổi hình hài và suy nghĩ của chính chúng ta cũng đã khác xưa.

Mỗi thời đại có cách đón Tết khác nhau, nhưng điều cốt lõi của Tết Nguyên Đán vẫn là sự sum vầy và gắn kết của tình thân gia đình, đoàn tụ sau một năm dài xa cách, quây quần cùng đón khoảnh khắc sang năm mới. Đó chính là ý nghĩa bất biến của ngày Tết cổ truyền mà dân tộc ta hằng gìn giữ.

Tết Xưa - Tết Nay: Thay đổi đến chóng mặt nhưng ý nghĩa truyền thống vẫn bất biến - 18

Sắc màu lễ hội ngày Tết ở những địa danh châu Á nổi tiếng, bạn đã thử chưa?
Cũng giống như Việt Nam, các nước trên thế giới cũng có những ngày Tết truyền thống với hàng loạt hoạt động, lễ hội độc đáo.

Tết nguyên đán

Theo H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán