Nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, nơi đây không chỉ là thung lũng xanh ngát của núi rừng, mà còn nổi tiếng là vườn chim lớn nhất miền Bắc.
Nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, nơi đây không chỉ là thung lũng xanh ngát của núi rừng, mà còn nổi tiếng là vườn chim lớn nhất miền Bắc.
Cảnh đẹp nơi đây khiến du khách khó cầm lòng mà rời xa
Thung Nham có ý nghĩa khác đặc biệt. “Thung” lấy ý từ thung lũng là khu đất thấp có núi bao quanh, còn “Nham” chỉ núi cao hiểm trở, vách đá dựng đứng. Thung Nham được hiểu là thung lũng có nhiều vách đá dựng đứng bao quanh, là sự kết hợp hài hòa giữa sự hùng vĩ và nên thơ của tự nhiên.
Thung Nham được ví như một thiên đường du lịch sinh thái, một điểm dừng chân yêu thích của những người yêu thiên nhiên đã chọn lựa Ninh Bình làm đích đến
Đến đây, du khách có thể trải nghiệm ngồi thuyền khám phá vườn chim tự nhiên. Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên hiếm có, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hệ sinh thái động thực vật phong phú.
Cùng với môi trường trong lành lý tưởng, Thung Nham hiện là vườn chim tự nhiên lớn nhất miền Bắc Việt Nam.
Số lượng chim ở đây lên đến hàng ngàn con, với khoảng 5.000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ. Đến với Thung Nham, du khách được tận mắt nhìn ngắm từng đàn chim cả trăm đôi cánh chao liệng trên bầu trời và đắm mình vào khung cảnh núi non đại ngàn.
Nơi đây nổi tiếng là vườn chim lớn nhất miền Bắc, nơi có hơn 5.000 tổ chim các loại
Vườn chim Thung Nham hiện là nơi cư trú và sinh sống của đa dạng các loại chim như: cò, vạc, diệp, le le, mòng két, chích chòe lửa, cho tới sáo đá… Đặc biệt, nơi đây có hai loài chim quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là hằng hạc và hồng hoàng (phượng hoàng đất). Trong đó, phượng hoàng đất là linh vật nằm trong bộ tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng của cư dân Châu Á. Loài chim này thường được nhắc đến như biểu tượng của sự cao quý và đức hạnh, có sức mạnh hồi sinh và đem lại điềm báo về hòa bình thịnh vượng cho quốc gia.
Các loài chim sinh sống ở đây dường như có sự quy ước, phân chia lãnh thổ rõ ràng. Trên các vách núi cao là các loài hạc, diệc; trong các bụi tre tầm trung là nơi ở của cò trắng, còn vạc thì thì chia nhau làm tổ khắp các bụi lau sậy, tầm sấp mặt nước.
Vào mùa cao điểm sinh sản từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, số lượng đàn tập trung trong vườn lên đến cả triệu con. Tạo nên khung cảnh kỳ vỹ tuyệt đẹp, khiến ai có cơ hội được chiêm ngưỡng một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Tại đây còn có hệ thống hang động tuyệt đẹp: Động Vái Giời, Hang Bụt, động Tiên Cá. Động Vái Giời là hang động tự nhiên có niên đại lâu vào bậc nhất của khu vực. Cùng với trí tưởng tượng phong phú, người dân nơi đây cho rằng không gian trong động chia thành ba tầng tượng trưng cho ba cõi: Thiên đường, trần gian và địa ngục.
Tham quan Động Vái Trời, du khách sẽ ngạc nhiên trước sự tuyệt diệu của tạo hóa
Bước qua cửa hang động chính là tầng “trần gian”. Nơi đây ngập tràn những dải măng nhũ đá nhẵn mịn, xếp bằng tựa hồ như cuộc sống đời thường bình dị, quen thuộc của con người.
Tiếp tục bước theo các bậc đá đi xuống, du khách sẽ nhìn thấy khối nhũ đá sừng sững hai bên đường – được ví như chú chó ngao canh giữ cổng địa ngục. Từ đây, “tầng địa ngục” cũng dần hiện ra với “cây cầu Nại Hà”, “ngai Diêm Vương” cùng với “lưỡi đao tử thần” và “khối tam sinh thạch”, hay “vạc dầu biển lửa”… thêm vào đó là sự lạnh lẽo kỳ lạ và bóng tối âm u huyễn hoặc bao trùm, nơi đây như tái hiện sống động khung cảnh của thế giới dưới lòng đất.
Vượt qua dòng thác để gột sạch bụi trần, một chiếc cầu thang sắt hẹp sẽ đưa du khách lên đến tầng “thiên đường”. Tại đây, ta bắt gặp hình ảnh Tiên ông bên cuốn sổ sinh tử, phục dưới chân là khối nhũ đá được ví như voi chầu hổ phục. Du khách sẽ ngạc nhiên trước sự tuyệt diệu của tạo hóa khi khéo léo làm nên những dải mây uốn lượn mềm mại, bầu trời lấp lánh ánh sao hay bức tượng đá hình voi phục. Tầng thiên đường được coi là cõi cực lạc linh thiêng, nơi có ngai thờ Phật tôn nghiêm.
Bến thuyền đưa du khách đi tham quan