Không chỉ khắc họa hình tượng cao đẹp của các “thiên thần áo trắng”, các tác phẩm còn gây bất ngờ khi thẳng thừng hé lộ những “góc khuất” trong ngành.
Phân biệt bệnh nhân và dịch vụ y tế phục vụ 1% dân số
Xưa nay người ta vẫn tôn vinh người thầy thuốc bằng hình tượng “lương y như từ mẫu”, không chỉ bởi sự tận tâm, tận lực với bệnh nhân mà còn vì lý do đơn giản: tấm lòng của họ không phân biệt giàu – nghèo, sang – hèn.
Chính vì sự kỳ vọng tốt đẹp đó, những khán giả theo dõi bộ phim Hàn đặc sắc Thiên tài lang băm (đang phát sóng trên kênh HTV2 lúc 21g00 thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần) chắc hẳn sẽ vô cùng hụt hẫng khi phát hiện sự xuống cấp của y đức đang ngấm ngầm tồn tại trong xã hội.
Qua câu chuyện của bác sĩ Kim Tae Huyn (Joo Won thủ vai), "Thiên tài lang băm" mở ra góc tối của ngành y Hàn Quốc.
Trong Thiên tài lang băm, bối cảnh bệnh viện nơi bác sĩ Kim Tae Hyun làm việc tồn tại một tầng VIP, nơi bệnh nhân được gọi là “khách hàng” và bác sĩ là “kẻ phục vụ”. Ở khu vực này, bác sĩ có thể sẵn sàng làm giả bệnh án để “khách hàng” thoát tội, tội phạm có thể đường hoàng “nghỉ dưỡng” như đang ở resort, thậm chí phòng phẫu thuật trở thành “pháp trường” xử tử với những kẻ chẳng may đắc tội giới thượng lưu.
Trái ngược với khu cao cấp đó, thân phận những bệnh nhân khu bình dân lại rẻ rúng như “bó rau ngoài chợ”. Những con người hoàn cảnh khó khăn ấy đặt hy vọng, tính mạng và niềm tin duy nhất vào những “thiên thần” khoác áo blouse trắng. Họ không hề biết mình bị phân loại vào nhóm “khách hàng hạng bét”, mãi mãi xếp sau tầng lớp giàu có cho dù bệnh tình có nguy cấp đến mức nào đi nữa.
Dù khắc họa bức tranh u ám về ngành y, "Thiên tài lang băm" vẫn để lại những cảm xúc cho khán giả bằng câu chuyện tình lãng mạn ngọt ngào của cặp đôi Joo Won - Kim Tae Hee.
Trong bối cảnh y tế tha hóa đó, không phải chỉ người nghèo mới khổ, ngay cả Han Yeo Jin (Kim Tae Hee đóng) - người thừa kế của gia tộc giàu có bậc nhất Hàn Quốc cũng phải chịu cảnh giam cầm, trở thành “nàng công chúa ngủ trong rừng thời hiện đại”, bị kềm kẹp trong một nhà tù được gắn mác “phòng bệnh VIP” với thiết bị y tế tối tân.
Trải qua muôn trùng khó khăn, nguy hiểm, cuối cùng Yeo Jin mới được đánh thức bởi chàng bác sĩ lang băm Kim Tae Huyn bằng tình yêu chân thành, không tính toán.
Y tế vì lợi nhuận - lương y là công cụ quảng cáo
Những khán giả yêu mến nam diễn viên chính của Thiên tài lang băm chắc chắn không thể quên vai bác sĩ “để đời” khác của anh trong bộ phim đình đám Bác sĩ nhân ái. Trong phim, anh vào vai Park Shi On - một thiên tài y khoa mắc phải chứng tự kỷ, nhưng vẫn miệt mài phấn đấu cho ước mơ trở thành bác sĩ phẫu thuật.
Khiếm khuyết trong tính cách của anh bỗng trở thành “cây hái ra tiền” cho một nhà đầu tư lớn. Anh suýt nữa đã trở thành công cụ quảng cáo hiệu quả, góp công lớn cho việc tái cơ cấu bệnh viện trở thành nơi thuần mua bán dịch vụ y khoa.
Tính cách chân thật, ngây ngô của Park Shi On khiến anh suýt nữa trở thành công cụ quảng cáo cho những nhà kinh doanh hám lợi.
Dù chỉ như đứa trẻ lên 10, nhưng Shi On hoàn toàn hiểu được nếu y tế chỉ phục vụ cho lợi nhuận thì những vất vả, khó nhọc của bệnh nhân sẽ dâng cao đến mức nào. Y đức, lương tâm của người bác sĩ khi được đong đếm bằng tiền thì chuyện phân biệt giàu – nghèo sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Trung tâm nghiên cứu y khoa vô nhân đạo
Vấn đề lợi nhuận, tiền bạc trong y tế dù là góc khuất, nhưng cũng không “tối tăm” bằng câu chuyện nhức nhối mà Giải cứu tình yêu từng mang đến. Trong phim, mỹ nam Lee Jong Suk vào vai Park Hoon - thiên tài y học từng được tôi luyện trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, nguy hiểm, lạc hậu và thiếu thốn.
Tài năng xuất chúng không những không mang lại cuộc sống tốt đẹp cho Park Hoon mà còn đẩy anh vào bất hạnh khi được "lựa chọn” trở thành nghiên cứu sinh của một trung tâm y khoa vô nhân đạo.
Park Hoon (Lee Jong Suk) từng phải làm việc dưới sự theo dõi của những con người đầy quyền lực.
Qua những mảng hồi ức đau buồn, hay ánh mắt chứa đựng những tổn thương sâu sắc của Park Hoon, trung tâm y khoa hiện lên như một nỗi ám ảnh, một “địa ngục trần gian”.
Nơi đó, bệnh nhân, thậm chí là bác sĩ cũng có thể trở thành vật thí nghiệm bất cứ lúc nào. Những kẻ lẽ ra khoác áo blouse để giúp đời thì lại sử dụng tài năng làm vũ khí tranh giành sự sống. Tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích chăm sóc sức khỏe của các vị lãnh đạo tối cao.