Hình ảnh gây sửng sốt khi một nhóm các nhà khoa học Ukraine phát hiện vùng tuyết lớn xung quanh một căn cứ tại Nam Cực của họ bất ngờ chuyển sang màu đỏ.
Tuyết trắng chuyển sang màu đỏ tại Nam cực
Các thành viên của trung tâm khoa học quốc gia Ukraine làm việc ở cơ sở nghiên cứu Vernadsky, thuộc điểm Marian, đảo Galindex đã ghi lại được hình ảnh về "tuyết máu" đáng kinh ngạc.
Các nhà khoa học nhanh chóng xác định được thủ phạm khiến tuyết chuyển sang màu đỏ chính là một loại tảo có tên Chlamydomonas nivalis.
Hiện tượng lạ do tảo Chlamydomonas nivalis gây ra thường được gọi là "tuyết dưa hấu" do có mùi giống quả dưa hấu hoặc "tuyết máu' do có màu đỏ như máu.
Màu đỏ như máu loang lổ khắp nhiều khu vực ở Nam cực
Đây là một loại tảo màu xanh nhưng có chứa sắc tố đỏ. Không giống như phần lớn các loài tảo nước ngọt, Chlamydomonas nivalis phát triển mạnh ở vùng nước lạnh và đóng băng.
Sắc tố đỏ có tác dụng bảo vệ các loài tảo khỏi bức xạ tia cực tím của Mặt trời. Nó cũng giúp hấp thụ ánh sáng mặt trời làm khu vực xung quanh nóng hơn, khiến các tảng băng tan nhanh hơn. Theo các nhà khoa học, thời tiết Nam cực ấm áp bất thường dẫn đến hiện tượng tuyết máu xuất hiện sớm.
Tuyết chuyển sang màu đỏ do tảo Chlamydomonas nivalis gây ra
Nhà leo núi, nhà thám hiểm Aristotle là người đầu tiên ghi nhận về hiện tượng tuyết máu từ nhiều thế kỷ trước. Ban đầu ông không rõ về nguyên nhân gây ra hiện tượng lạ.
Thậm chí, nhiều người cho rằng màu đỏ của tuyết là do yếu tố địa chất từ một mỏ khoáng sản trên tuyết hoặc hóa chất rửa trôi từ các loại đá.
Mãi về sau khoa học mới tìm ra được thủ phạm là một loài tảo. Không chỉ ở Nam cực, hiện tượng tuyết máu từng xuất hiện ở Bắc Cực, dãy Alps, và các khu vực miền núi khác.