Đặc sản có tên vô cùng lạ, xưa dành cho "người nghèo", nay dân thành phố ưa chuộng vì hương vị đặc biệt

H.A - Ngày 07/12/2024 00:27 AM (GMT+7)

Từ món ăn gắn với bữa cơm dân dã ở các miền quê nghèo, giờ đây con ruốc trở thành đặc sản đổi vị cho gia đình, được người thành phố ưa chuộng.

Những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng gió miền Trung chắc chắn không còn xa lạ với con ruốc biển. Chúng còn có tên gọi khác là con tép moi, moi, là động vật giáp xác mười chân sống ở vùng nước lợ hay nước mặn ven biển thuộc chi Acetes, họ moi biển. 

Ruốc dạng như tôm nhỏ, chỉ lớn khoảng 10–40 mm tùy thuộc vào ruốc cái hay đực. Do kích thước của ruốc quá nhỏ nên chúng thường chỉ được dùng để làm mắm (mắm ruốc, mắm tôm, mắm chua) hoặc nấu canh chua, phơi khô thành bột ruốc...

Con ruốc là đặc sản ở miền Trung, trước đây từng gắn với những bữa cơm của người nghèo ở các miền quê

Con ruốc là đặc sản ở miền Trung, trước đây từng gắn với những bữa cơm của người nghèo ở các miền quê

Vào mùa, bờ biển trở nên chật chội vì chỗ nào cũng có ruốc phơi. Chúng sống ở vùng nước có độ mặn cao có màu đỏ hồng, vùng nước nhạt hơn thì có màu trắng. Người ta thu hoạch ruốc chủ yếu bằng cách vớt ruốc với các loại lưới (một ít đóng đáy).

"Ngày trước ruốc có nhiều vô kể, loài này có kích thước bé nên giá rất rẻ, hầu như không ai mua bán ở chợ. Mình thích nhất món ruốc nấu canh chua với khế hoặc kho khế. Mùi thơm và vị ngọt của con ruốc, kết hợp với vị chua thanh của khế tạo nên món ăn vô cùng hấp dẫn. 

Với món ruốc khô, người ta sẽ rửa sạch nhiều lần để loại bỏ cát và tạp chất. Quy trình làm sạch kỹ lưỡng giúp ruốc giữ được độ tươi ngon và an toàn vệ sinh. Ruốc sau khi làm sạch sẽ được trải đều trên nia hoặc phên và phơi dưới nắng tự nhiên. Thời gian phơi từ 1-2 ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Phơi khô giúp ruốc bảo quản lâu hơn và giữ nguyên hương vị đặc trưng. Vào những ngày mưa bão hay trong nhà không có gì ăn, ruốc khô được đem ra rim hoặc xào khế, xào tỏi", anh Ngọc (ở Hà Tĩnh) kể. 

Hiện nay, con ruốc trở thành đặc sản ở thành phố nhưng ở dạng ruốc khô hoặc bột ruốc chứ rất hiếm khi mua được ruốc tươi.

Chị Hạnh (ở TP.Vinh, Nghệ An) chia sẻ: "Bây giờ có đủ món ngon, nhưng thỉnh thoảng mình lại thèm những món ăn của tuổi thơ, trong đó có những món từ con ruốc. Bây giờ muốn ăn ruốc tươi phải về chợ quê mới mua được. Lần nào về mình cũng mua một mớ để sốt cà chua hoặc nấu canh chua với dưa, khế chua, vừa ngon vừa đưa cơm".

Trên thị trường ruốc tươi có giá khoảng 50.000 đồng/kg, ruốc khô giá 180.000 đồng/kg. Mắm ruốc được bán ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S với giá cả phải chăng, chị em có thể tìm mua loại pha sẵn để ăn ngay.

Mắm ruốc có mùi thơm đặc trưng, được khách du lịch tìm mua mỗi khi đến mùa

Mắm ruốc có mùi thơm đặc trưng, được khách du lịch tìm mua mỗi khi đến mùa

Trong ruốc có các chất dinh dưỡng nay được ủ cẩn thẩn khiến các axit béo được giữ lại và các axit amin được tăng lên. Ruốc giúp nâng cao hoạt động các chất chống oxy hoá cũng như cung cấp các chất dinh dưỡng dễ hấp thu mà không hề chứa các chất độc hại.

Với hương vị đậm đà, giàu dinh dưỡng và khả năng chế biến đa dạng, con ruốc khô hiện nay được nhiều người thành phố tìm mua. Trong các nhà hàng, quán ăn, con ruốc rang mặn ngọt, xào khế, xào với thịt... được đưa vào thực đơn.

Chợ năm ngàn chỉ có ở Quảng Nam, du khách thích mê vì toàn đặc sản rừng siêu sạch bán với giá 5.000 đồng
“Chợ chiều năm ngàn” không chỉ là nơi buôn bán mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách khi ghé thăm huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Địa điểm du lịch

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương