Hiện tượng phát quang sinh học do một số loài tảo gây ra không thường xuyên xuất hiện. Thế nên, nếu nhìn thấy vùng nước nào đó phát quang, bạn nên dừng lại ngắm cảnh.
Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, không có nhiều người tới bãi biển ở nam California, Mỹ. Nhưng những ai mạo hiểm ra ngoài vào ban đêm sẽ rất ngạc nhiên trước một cảnh tượng kỳ lạ và tuyệt đẹp, đó là nước biển phát ra ánh sáng màu xanh lam khi sóng vỗ và lúc thủy triều rút.
Nguyên nhân của hiện tượng bất thường này là do một sinh vật nhỏ bé có tên Lingulodinium polyedrum. Loài tảo này sẽ nở hoa vài năm một lần ở vùng biển xung quanh San Diego, người ta còn gọi đây là thủy triều đỏ.
Vào ban ngày, tảo khiến cho màu nước biển đỏ rực, nhưng vào ban đêm lại là lúc buổi biểu diễn bắt đầu. Mỗi khi dòng nước chuyển động do thủy triều hay một chiếc thuyền nào đó di chuyển, nó sẽ phát ra ánh sáng màu xanh lam rực rỡ.
Sự phát sáng này là kết quả của các chất hóa học được tạo ra bên trong cơ thể tảo khi nó giật mình.
Các nhà khoa học không chắc hiện tượng này sẽ tồn tại trong bao lâu.
“Chúng tôi không biết thủy triều đỏ sẽ kéo dài trong bao lâu, vì trước đó nó thường kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng hoặc lâu hơn. Để có những bức ảnh đẹp nhất khi xem màn trình diễn ánh sáng của đại dương này, bạn nên đến bãi biển vào buổi tối ít nhất sau 2 tiếng kể từ lúc mặt trời lặn”, một nhà khoa học tại Viện Hải dương học Scripps cho biết.
Cynthia Heil, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Bigelow về khoa học đại học ở East Boothbay, Maine cho biết: “Phát quang sinh học là một hiện tượng khá phổ biến ở một số loài tảo roi. Đó là phản ứng tương tự như đom đóm, được kích hoạt bởi chuyển động hỗn loạn”.
Theo Scripps, hiện tượng tảo nở hoa này thường xuất hiện 3 – 7 năm 1 lần, nhưng trong nhiều thập kỷ qua nó đã xảy ra thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, vẫn khó dự đoán khi nào chúng xuất hiện vì các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ các biến số khiến tảo nở hoa.
Melissa Carter, một nhà phân tích lập trình tại Viện hải dương Scripps cho biết: “Các điều kiện chính xác không được biết đến, nhưng các biến số có thể bao gồm nhiệt độ nước, tốc độ gió, sự hiện diện của vi khuẩn hoặc virus khác trong nước”.
Carter và các đồng nghiệp của cô đã nghiên cứu về sự nở hoa của loài tảo này bất cứ khi nào nó xảy ra.
Mặc dù hiện tượng phát quang sinh học của loài tảo này khiến cho khung cảnh của cả một vùng biển trở nên lung linh, nhưng mọi người nên thận trọng khi lội xuống nước do có vi khuẩn ăn tảo.
Carter nói thêm rằng, mọi người có thể bắt gặp hiện tượng tương tự ở một số địa điểm khác như vịnh Moreton, Australia, nơi có loài tảo tên Noctiluca scintillans.
Ở Maine, có một loài tảo có tên Alexandium fundyense cũng gây ra thủy triều đỏ rực.
Nếu du khách tình cơ bắt gặp một vùng nước phát sáng, hãy cẩn thận. Mặc dù hầu hết các loài tảo đều vô hại, nhưng một số ít có thể chứa chất độc. Chẳng hạn như tảo ở vịnh Moreton chứa hàm lượng amoniac cao, tảo ở San Diego có liên quan tới việc gây ra nhiễm trùng tai. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn trong nước ăn tảo hơn là do chính bản thân loài tảo đó gây ra.
Dù cho bạn bắt gặp vùng nước phát quang sinh học ở đâu, hãy dành một ít thời gian dừng lại ngắm nhìn, khung cảnh thực sự rất ngoạn mục và hiếm thấy.