Chiang Mai được mệnh danh “đóa hồng phương Bắc” của Thái Lan không chỉ bởi bề dày văn hóa, ẩm thực đa dạng, phong cảnh yên bình mà còn vì màu sắc của những lễ hội mang lại. Vùng đất Chiang Mai một năm có tới 3 lễ hội lớn độc đáo và thú vị mà du khách ghé thăm Chiang Mai nhất định phải tham gia.
Lễ hội hoa tại Chiang Mai
Các cô gái xinh đẹp của những đóa hoa đủ màu đủ loại
Hằng năm, vào tháng 2, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc khắp nơi cũng là lúc Chiang Mai diễn ra “Lễ hội hoa”. Lễ hội thường diễn ra vào ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật đầu tiên của tháng 2. Lúc này, khí hậu ở Chiang Mai vô cùng dễ chịu, không khí mùa xuân mát mẻ, là thời điểm để hoa nở rộ và tươi lâu.
Lễ hội hoa là dịp bạn sẽ được chứng kiến những cuộc diễu hành hoa trên đường phố, muôn hoa được khoe sắc. Đặc biệt là những chiếc thuyền hoa được trang trí hàng trăm loài hoa thành cây hoa khổng lồ di chuyển trên đường phố tạo nên một bức tranh lễ hội đầy màu sắc.
Chiang Mai có rất nhiều loài hoa đẹp như: như: Hoa lan đỏ tía, hoa cúc vàng long trọng, cúc trắng kiêu sa, hoa hồng tươi tao nhã bên cạnh những bông cẩm chướng, tuy líp rực rỡ sắc màu… nhưng đẹp nhất là hoa lan, một loài hoa như biểu tượng của Chiang Mai với đa dạng sắc màu và chủng loại.
Bên cạnh hoạt động rước hoa, ngay trước lễ hội diễn ra cuộc thi hoa hậu, nơi có hàng trăm cô gái Thái xinh đẹp đăng ký. Sau những vòng tuyển chọn tài năng, nhan sắc người được vinh danh sẽ được vinh dự ngồi trên chiếc thuyền hoa và diễu hành khắp các đường phố Chiang Mai. Cùng với đó là các hoạt động múa hát, ca nhạc truyền thống, hiện đại, sôi động trên các con đường rực rỡ hương sắc.
Đây cũng là dịp bạn có thể tìm hiểu về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản vật địa phương được triển lãm và bày bán tại lễ hội. Lễ hội hoa Chiang Mai là dịp du khách yêu hoa khó lòng bỏ qua, là dịp tìm hiểu về văn hóa, con người của người dân Chiang Mai thu hút hàng triệu du khách.
Lễ hội Songkran (lễ hội té nước)
Lễ hội Songkran (lễ hội té nước) của người Thái diễn ra trước mùa mưa, là dịp mừng năm mới của người Thái, trùng với ngày sinh của Đức Phật (ngày 15/4 dương lịch). Lễ Songkran diễn ra trong ba ngày, bắt đầu vào ngày 13/4, kết thúc vào ngày 15/4 Dương lịch hàng năm.
Ngày đầu tiên là Wan Sungkharn Long: mọi người dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ngày thứ 2 là Wan Nao: ngày này người dân Thái Lan sẽ chuẩn bị thật nhiều đồ ăn.
Cuối cùng là Wan Payawan : đây là ngày đầu tiên của năm mới, và cũng là ngày Đản sinh của Đức Phật 15/4.
Trước kia, vào dịp lễ hội, người Thái dùng nước thơm té vào các thành viên trong gia đình với ý nghĩa gột rửa những điều chưa tốt trong năm cũ, đón nhận sự tươi tắn và may mắn trong năm mới. Sau đó, được mở rộng thành lễ hội té nước dành cho tất cả mọi người.
Lễ hội té nước diễn ra bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội, phần lễ người dân thực hiện những nghi thức trang trọng tắm tượng Phật, còn phần hội là lúc mọi người cùng đổ ra các con đường té nước vào nhau. Để tham dự lễ tắm Phật bạn có thể đến các ngôi chùa tại Chiang Mai như: chùa Phra Buddha Sihing, chùa Wat Phrathat Doi Suthep,…Tới các ngôi chùa những ngày này bạn có thể dùng nước hoa nhài tự tay té nước vào tượng Phật để lấy may mắn.
Sau lễ tắm Phật, người dân hào hứng chào mừng năm mới bằng lễ hội té nước truyền thống. Các tuyến phố ngập tràn sự sôi động bởi các nhóm biểu diễn ca múa nhạc truyền thống theo phong cách Lanna, đây cũng là dịp bạn thưởng thức các món ăn địa phương đặc sắc dọc các tuyến phố và hòa mình vào dòng người tham gia hội té nước.
Tại hội té nước, bạn có thể té nước vào bất kỳ ai và bạn cũng chuẩn bị tinh thần bị ướt bởi những người hoàn toàn lạ mặt, với quan niệm càng được té nhiều nước bạn càng nhận được nhiều may mắn.
Những điều nên làm tại lễ hội té nước Songkran Chiang Mai:
- Bạn có thể té nước vào tất cả mọi người, trừ trẻ em, nhà sư và người điều khiển giao thông.
- Không nên té nước bẩn.
- Hãy vui cười khi bạn bị té nước và nói câu chúc mừng năm mới bằng tiếng Thái “Sawasdee Pee Mai!”.
- Bảo vệ các đồ dùng cá nhân quý giá bằng các túi chống nước chuyên dụng.
- Nếu bạn chỉ đi xem thì nên tránh các điểm đông đúc.
Lễ hội Loy Krathong và lễ hội Yi Peng
Lễ hội Loy Krathong diễn ra ở rất nhiều nơi trên đất nước Thái Lan nhưng được tổ chức hoành tráng nhất ở Chiang Mai. Lễ hội diễn ra vào đêm trăng tròn tháng 11 hàng năm, tính theo lịch âm của Thái Lan sẽ vào ngày 15/12.
Vào lễ hội, khung cảnh trở nên vô cùng lung linh bởi những ánh đèn hoa đăng được thả trôi trên mặt nước của sông Ping vào buổi đêm. Lễ hội diễn ra với mục đích tỏ lòng tôn kính với nữ thần nước đã ban cho người dân nguồn nước dồi dào và cầu mong sự ân xá của nữ thần cho những hành động làm vẩn đục nguồn nước.
Trong nghi lễ thả đèn hoa đăng, người ta thường cắt một ít móng tay và để đồng xu bỏ vào chiếc đèn với niềm tin rằng như vậy sẽ xua đuổi những điều không may mắn, thả trôi đi những phiền muội và cầu mong phước lành.
Bên cạnh lễ hội Loy Krathong là lễ hội Yi Peng diễn ra cùng thời gian và có vị trí quan trọng trong văn hóa của người dân ở Chiang Mai. Trong lễ hội Yi Peng hàng trăm lồng đèn được thả trên bầu trời tạo nên một cảnh tượng nửa thực nửa mơ.
Nếu đến Chiang Mai vào thời điểm này bạn sẽ chứng kiến khung cảnh ngoại mục với hàng ngàn chiếc đèn được thả lên bầu trời đêm, hàng trăm chiếc đèn hoa đăng được thả trôi theo dòng nước và những màn bắn pháo hoa rực rỡ bên bờ sông Ping của Chiang Mai. Lễ hội thả đèn Yi Peng được diễn ra trên khoảng sân phía sau của Đại học Mae Jo, một trong những nơi tập trung thả đèn trời lớn nhất của Chiang Mai.
Lưu ý khi tham gia lễ hội Loy Krathong và Yi Peng:
- Bạn có thể tham gia lễ hội bằng cách mua đèn hoa đăng để viết nguyện ước lên đèn, mua nến và hoa.
- Bạn chỉ nên mua đèn trời được bán bên trong khu vực diễn ra lễ hội với giá khoảng 100 Baht.
- Không nên mua đèn trời ở ngoài vì chúng được làm bằng vật liệu khó phân hủy.
- Nên ăn mặc kín đáo khi tham gia lễ hội nhất là đến nơi đền chùa hay khu vực diễn ra các nghi thức lễ.
- Khoảng sân sau của đại học Mae Jo là khu vực thả đèn trời chính, do vậy bạn hãy đến đây sớm để có một chỗ view thật đẹp.