Một ngày giáp Tết, chúng tôi về làng tranh Đông Hồ với mong muốn được tham gia phiên chợ tranh thường họp vào những ngày 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp. Nhưng đã từ rất lâu, nơi đây đã chẳng còn những phiên chợ như thế, cũng không còn tấp nập người tứ phương đến mua tranh về treo Tết.
Huyền thoại tranh Đông Hồ: Từng có thời 17 dòng họ theo nghề tranh, giờ chỉ còn 2
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Đây không phải là những bức tranh được vẽ theo cảm hứng nhưng được in lại qua những bản khắc, và để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, đòi hỏi ở người vẽ mẫu cũng như người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao.
Tranh Đông Hồ có đến 180 loại được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.
Làng Đông Hồ nằm ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng 33km về hướng Đông và nằm sát bờ Nam đê sông Đuống. Tranh Đông Hồ ai cũng biết, trẻ con cũng hay qua những lý thuyết nằm trong sách vở. Nhưng về đến ngôi làng nổi tiếng này, có lẽ không ai có thể nhận ra được đây từng là nơi buôn bán tranh sầm uất nhất đất Kinh Kỳ, khắp nơi chỉ toàn là đồ vàng mã.
Đình làng Đông Hồ khi xưa luôn tấp nập người mua bán tranh mỗi dịp chợ phiên tháng Chạp giờ không một bóng người
Vốn dĩ, nghề làm tranh và làm vàng mã vẫn song hành cùng nhau. Trước, tranh thịnh, buôn bán được, khi nào rảnh rang người dân mới chuyển qua làm vàng mã. Nhưng nay tranh suy, lại được thời buổi "phú quý sinh lễ nghĩa", vàng mã lên ngôi với quan niệm "trần sao âm vậy", dân làng bỏ tranh bán cho người dương, làm vàng mã bán cho người âm, xem ra lại lời lãi hơn nhiều.
Trước đây, cả làng có 17 dòng họ làm tranh Đông Hồ, nay chỉ còn 2. Chúng tôi đến thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - nghệ nhân nữ làng nghề đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, người có hơn 40 năm tuổi nghề và là con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, cũng là 1 trong 2 nghệ nhân còn sót lại của tranh Đông Hồ. Bà đã góp phần làm phong phú thêm dòng tranh dân gian độc đáo của quê hương bằng nhiều sáng tác mới, phản ánh cuộc sống nông thôn thời hiện đại.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn luôn tận tụy với nghề hơn 40 năm nay
Vừa trò chuyện với chúng tôi, tay bà vừa thoăn thoắt in tranh, giọng vẫn không hề suy giảm niềm tự hào: "Tôi là Nguyễn Thị Oanh - nghệ nhân nữ ĐẦU TIÊN của tỉnh Bắc Ninh..."
"Tranh Đông Hồ được làm thủ công hoàn toàn, từ giấy đến mực, lẫn những bản in khắc gỗ. Màu vàng làm từ hoa hòe, màu xanh từ lá chàm,..." - Bà chia sẻ với chúng tôi như bao lần chia sẻ với những học trò nhỏ, với du khách đến đây tìm hiểu, tham quan.
Mỗi màu của một bức tranh phải dùng một bản in khác nhau. Vì vậy một bức tranh Đông Hồ thường có ít màu, và để hoàn chỉnh thì khá tốn thời gian. Mỗi màu in lên phải phơi cho khô rồi mới in màu tiếp theo. Vì vậy, việc vẽ tranh Đông Hồ cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết.
Tranh Đông Hồ dung dị với những màu sắc tươi sáng, không pha tạp, cùng nội dung mô tả cuộc sống đời thường của người dân, nhìn vào ta cảm thấy gần gũi, quen thuộc mà ấm áp.
"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"
Nhà của bà Oanh nơi đâu cũng có tranh, tranh treo khắp các gian. Những bức nổi tiếng như "Đánh ghen", "Hứng dừa", "Đám cưới chuột",... vẫn khiến người xem cảm thấy rung động bởi sự giản dị và chân phương của nó.
Khi xưa, người buôn bán tranh tấp nập trên bến dưới thuyền. Tết đến, nhà nào cũng nhất định phải mua bằng được ít nhất một bức tranh Đông Hồ về treo cho nhà cửa thêm màu sắc và không khí Tết. Khung cảnh đó giờ chỉ nằm lại trong đôi mắt xa xăm của bà Oanh.
Hiện tại, tranh Đông Hồ được biến thể thành nhiều loại hình khác nhau, như sổ tay, lịch treo tường,... Giá của tranh cũng không bán được cao, chỉ 30.000 đồng 1 tấm, bức to hơn có giá 100.000 đồng. Vậy mà những trang giấy điệp vẫn nằm buồn hiu hắt...
Khi nhắc đến việc làng tranh giờ đã trở thành làng vàng mã, giọng bà Oanh thoáng buồn và tiếc nuối: "Trước đây cả làng làm tranh. Nhưng giờ chỉ còn có 2 nhà. Cũng không biết làm thế nào được bởi giờ tranh không bán được. Dân họ cũng phải chuyển nghề khác để kiếm sống."
Đến thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, chúng tôi bắt gặp hai bạn trẻ tới đây tham quan. Minh Tú cùng bạn trai đã có chuyến du lịch xuyên Việt hơn 1 tháng nay, và làng tranh Đông Hồ được lựa chọn làm 1 trong những điểm đến cuối cùng của hai người. Tú cho biết lý do cho sự lựa chọn này là bởi, tranh Đông Hồ vốn rất nổi tiếng trong sách vở và cô cảm thấy rất tò mò, muốn tới tận nơi, nhìn tận mắt.
Đôi bạn trẻ lựa chọn làng tranh Đông Hồ làm điểm dừng chân cho chuyến du lịch xuyên Việt của mình
"Tới đây, mình hoàn toàn bất ngờ bởi ở ngoài khác hẳn so với trên sách báo. Đến nhìn tận mắt mới thấy đồ rất là tinh tế và đẹp. Bởi vậy hiện giờ làng tranh Đông Hồ nổi tiếng năm nào đang dần tàn lụi, mình cảm thấy khá buồn và thất vọng." - Tú cho biết thêm.
Hướng đi nào cho một làng nghề quý cần bảo tồn?
Theo bà Oanh chia sẻ, hiện tại các cấp sở tại đang có dự án đầu tư hàng chục tỉ để trùng tu, xây dựng lại nhà truyền thống để triển lãm tranh Đông Hồ, nằm trong tour du lịch cộng đồng Bắc Ninh. Sự kết nối giữa những điểm đến nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, làng tranh Đông Hồ hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách tới tham quan.
Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một trong hai nghệ nhân còn lại của làng tranh Đông Hồ - cũng tích cực đầu tư xây dựng một xưởng tranh quy mô, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và mua tranh.
Tuy nhiên, để những giá trị to lớn của tranh Đông Hồ không bị "thất truyền", không phải chỉ có sự cố gắng của một vài hộ kinh doanh hay một vài nghệ nhân là đủ mà cần sự chung tay của cả xã hội.
Hy vọng trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ có những động thái tích cực, mạnh mẽ hơn để xây dựng lại một làng nghề truyền thống quý báu của dân tộc, để chẳng còn những nét buồn phảng phất trên gương mặt những người nghệ nhân luôn tận tụy và tâm huyết bảo vệ nghề.
Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ, du khách xuôi theo Quốc lộ 5 (đường đi Hải Phòng) chừng 15km đến ga Phú Thụy thì rẽ trái, đi tiếp chừng 18 km sẽ đến phố Hồ, huyện lỵ của huyện Thuận Thành. Từ đây rẽ trái đi thêm chừng 2km là đến làng Hồ. Du khách cũng có thể đi hết phố Hồ rồi lên đê, rẽ trái đến điếm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ đường vào Đông Hồ. Cách đơn giản hơn là các bạn đi xe bus tuyến 204 (giá 22.000 đồng/lượt) về Thuận Thành, Bắc Ninh, sau đó gọi taxi hoặc đi xe ôm đến làng Đông Hồ. |