Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì rượu cần đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu. Bởi vậy, đến thăm nơi đây mà chưa thưởng thực rượu cần thì coi như bạn chưa hiểu hết vùng đất này!
Rượu cần là đặc sản Tây nguyên đặc trưng và phổ biến. Với du khách đây là đặc sản có thể mua về làm quà, nhưng với những đồng bào dân tộc Tây Nguyên có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Họ rất kỵ sẽ làm vỡ chóe rượu cần khi uống nên họ thường buộc chóe vào cột. Bên cạnh đó họ quan niệm rằng rượu cần có thần coi giữ và do Yàng bày cho cách làm.
Khám phá thêm vẻ đẹp hùng vĩ của vùng đất Tây Nguyên trong video sau các bạn nhé!
Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hũ/bình/ché/chóe/ghè, không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre/trúc đục thông lỗ để hút rượu.
Ảnh: letienho
Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách.
Trong văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, dù là nhà rông của làng hay là nhà sàn của từng gia đình, luôn luôn có một cây cọc uống rượu. Cọc uống rượu của gia đình thường chỉ nhô lên mặt sàn chừng một mét, nhưng ở nhà rông thì cao vút đến tận nóc, trên đầu cây có hoa văn trang trí, tua ren hoa lá sặc sỡ.
Nguyên liệu làm rượu cũng chỉ là những loại ngũ cốc thông thường… Song bí quyết chính là ở chất gây men. Chất gây men được làm từ lá rừng và thường được giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài sắc tộc.
Về cách chế biến thật đơn giản nhưng độc đáo: men và tinh bột được trộn đều, cho vào ché, bên trong phủ lớp trấu dùng để ủ. Sau đó, thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượu thường, người ta đem chóe chôn sâu xuống đất đúng 100 ngày.
Dĩ nhiên, thời gian chôn càng lâu rượu càng thơm ngon, quyến rũ. Ðiểm nữa, trước khi uống phải đổ đầy nước suối vào ché với mục đích hòa tan chất cồn trong nước đầu tiên này gọi là nước cốt. Nước cốt màu vàng sánh, có mùi hương lan tỏa tuyệt vời hết sức đặc trưng.
Rượu càng nhiều ngày, càng già, uống càng bốc và ngon. Loại men ngọt uống thấy vị ngọt (như đường, như mật). Loại men đậm, đắng uống rất bốc, mạnh hơn các loại bia gọi là "lẩu phủ trai" (rượu đàn ông). Rượu cần uống bằng nước lạnh đun sôi để nguội (hoặc để trong tủ lạnh càng tốt). Nếu dùng nước nóng (kể cả hơi ấm) uống sẽ không ra gì, rượu coi như bị hỏng. Khi uống ta bật bỏ nắp bịt ra, đổ nước ngâm một phút cho ngấm, cắm cần vào và đổ nước uống liên tục đến lúc nhạt thì thôi (hoặc hút ra chai uống qua cốc, chén như bia và rượu).
Khi uống rượu, chủ nhà đem chóe buộc vào cọc, mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng một giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Nước múc ở những con suối trong veo, đựng trong những trái bầu khô, vỏ lên nước đen bóng, như gỗ mun. Cần uống rượu là những đoạn trúc được thông ruột, dài chừng một mét.
Uống rượu cần có những nghi lễ độc đáo. Chủ nhà mở chóe rượu và đọc lời cầu khấn Giàng đem lại sức khỏe, may mắn cho khách. Sau đó chủ nhà nếm trước một ngụm nhỏ rồi nâng cần trao cho khách. Khách nên đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm phần thân cần sát miệng chóe, nhẹ nhàng vuốt dọc lên rồi uống.
Chủ nhà sẽ thân chinh hoặc cử một người, thường là những thiếu nữ mặc váy thổ cẩm thêu hoa văn xinh đẹp, cầm ca (trước kia thường dùng sừng trâu) tiếp nước vào chóe. Người Tây Nguyên uống rượu rất công bằng, cách rót nước như vậy gọi là đong "kang". Khi rót hết nước trong ca, nghĩa là khách đã uống hết phần rượu.
Rượu cần là một nét sinh hoạt văn hóa đẹp – văn hoá rượu cần. Từ "đặc sản" ở đây, ngoài ý nghĩa là sản phẩm đặc biệt về nội dung, chất lượng mà còn bao hàm cả sự độc đáo có một không hai về cách tiêu dùng. Trong hàng chục, hàng trăm loại rượu, có lẽ đây là loại duy nhất không uống bằng ly, bằng chén mà uống bằng một dụng cụ đặc biệt được gọi là cần.
Bởi thế, việc sử dụng thứ đặc sản này có thêm "công đoạn" hút, trước khi uống chúng vào người. Hơn nữa, đối với rượu cần, người ta không uống một mình với mục đích giải sầu mà chỉ uống tập thể vào những dịp lễ Tết, hội hè… khi tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa.
Ảnh: katjennyc
Vào những ngày trọng đại đó, chóe rượu được đặt trang trọng giữa nhà, bên bếp lửa bập bùng; còn khách và chủ cùng quây quần xung quanh, ngất ngây trong tiếng cồng chiêng trầm bổng. Mọi người ngồi xếp chân vòng tròn, vít cong cây cần làm bằng ống trúc và hút say sưa.
Lên Tây Nguyên thì nhất định phải thưởng thức rượu cần, để hòa vào cùng không gian cộng đồng của người dân nơi đây. Giữa tiếng cười, tiếng nói, giữa những câu chuyện thật thà, chân chất của dân bản, men rượu cần kết nối con người, kể cả những người mới gặp nhau lần đầu, từ những miền xa lạ, ngồi đây cùng chung chóe rượu cần, ấy là "hữu duyên".
Các bạn có cơ hội ghé thăm Tây Nguyên, đừng quên nếm thử thứ rượu đặc sản chỉ có ở vùng đất này nhé!