Đây là những đền, chùa mà cứ mỗi dịp đầu xuân lại có rất đông khách thập phương đến thăm viếng.
Chùa Hương
Chùa Hương hay Chùa Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy.
Đến với lễ hội chùa Hương (ngày mùng 6 tháng giêng khai hội Chùa Hương, lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch) du khách sẽ được cảm nhận vẻ đẹp huyền diệu của sông nước, bao la của trời đất, hùng vĩ của núi rừng, huyền bí của hang động, ngời sáng của cổ tháp.
Ngoài ra, khách đến thăm còn được ngắm nhìn những trang sử khắc trên bia đá lưu truyền cho hậu thế và được thưởng thức các món ăn đặc sản của núi rừng.
Chùa Đồng Yên Tử
Yên Tử là một di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Quảng Ninh. Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13.
Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Nhắc tới Yên Tử, không thể không nhắc tới chùa Đồng - Ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á. Sở dĩ sau này có tên chùa Đồng vì chùa được làm toàn bộ bằng chất liệu đồng. Chùa tọa lạc trên điểm cao nhất của núi Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển được xây dựng từ thời Lê. Đến nay, đây vẫn là ngôi chùa được đúc bằng đồng nặng và lớn nhất trên thế giới.
Đền Hùng
Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng, thuộc đất Phong Châu, vốn là đất đế đô của Nhà nước Văn Lang. Trong tâm thức dân tộc, vùng đất này được coi là vùng đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, đây là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Chùa Bái Đính - Đền vua Đinh - Đền vua Lê
Chùa Bái Đính
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.
Đền vua Đinh
Đền vua Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Đền toạ lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh.
Đền vua Lê
Cách đền vua Ðinh chừng 500m là đến đền thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền nằm ở làng Trường Yên Hạ nên còn gọi là đền Hạ.
Lễ hội đền vua Đinh, đền vua Lê (Lễ hội Trường Yên) được tổ chức hằng năm tại Cố đô Hoa Lư (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), nơi tọa lạc của hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, cùng các nhân vật lịch sử có liên quan đến hai triều đại Đinh - Tiền Lê.
Đền Trần - Phủ Giầy - Chợ Viềng
Đền Trần
Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần..
Hàng năm, tại khu di tích Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.
Lễ khai ấn Đền Trần Nam Định : diễn ra từ ngày 14 - 15 tháng Giêng âm lịch. Hội Đền Trần Nam Định diễn ra từ ngày 15 - 20 tháng 8 âm lịch
Phủ Dầy
Phủ Dầy là một quần thể di tích tâm linh của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10 từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình (tỉnh lộ 56). Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh (phủ chính), ngay sát chợ Viềng.
Hội Phủ Dầy còn có “Kéo Chũ” còn gọi là hội hoa trượng vào các ngày 7, 8, 9 tháng ba thật đẹp mắt và khác biệt so với các hội khác. Kéo chữ là hội cổ truyền mang tính nhân văn sâu sắc, nhưng khi thực hiện cần huy động nhiều nhân lực, càng làm cho ngày hội đã đông người lại càng thêm náo nhiệt hoành tráng.
Ở hội còn tổ chức thi đấu cờ người, và các hình thức như thi hát hầu văn, thả đèn trời vào ban đêm, hay hát chèo…
Chợ Viềng
Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau.
Với tinh thần “bán được là quý, mua được càng may”, cho nên phần lớn người đi trảy chợ “âm phủ” đều tìm thấy niềm vui, tìm thấy được cái cảm giác hư hư thực thực và tìm thấy được những thứ mình cần. Những cái “được” ấy chính là nét duyên ngầm, là lý do từ ngàn đời nay mà các chợ Viềng ở vùng đất cổ Nam Định đã quyến rũ được hàng vạn du khách thập phương đến hẹn lại hối hả đổ về.
Lạng Sơn – Đền Mẫu
Lạng Sơn
Đến với Lạng Sơn, du khách được hòa mình với không khí náo nhiệt của mùa lễ hội nơi đây như: lễ hội Quỳnh Sơn, lễ hội đền vua Lê, lễ hội Đình Đông Quất, lễ hội Chùa Bắc Nga, lễ hội Chùa Tiên, lễ hội chùa Tam, lễ hội Nàng Hai, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Bủng Kham. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào tháng Giêng âm lịch, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Lạng.
Đền Mẫu
Đền Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên “Đồng Đăng linh tự”, là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn
Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào mồng 10 tháng giêng hằng năm, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến đây thưởng ngoạn nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Lạng. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khoẻ, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an. Đây là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.