Sau khi giao phó mảng kinh doanh di động cho Microsoft, mục tiêu chiến lược của Nokia chỉ bao gồm ba mảng mạng, bản đồ và công nghệ.
Tại buổi họp báo vừa diễn ra ở London, Anh, Giám đốc điều hành Nokia ông Rajeev Suri đã tiết lộ những hướng đi dành cho công ty trong vài năm tới. Ông cho rằng công ty đã trải qua một thời gian khó khăn, kể từ khi doanh thu giảm vào năm 2011.
Với việc bán đi mảng kinh doanh di động, Nokia sẽ chỉ còn lại ba bộ phận kinh doanh chính gồm mạng, bản đồ và công nghệ, hứa hẹn mang lại sự tăng trưởng cho công ty. Ở lĩnh vực mạng, các đối thủ chính của Nokia sẽ bao gồm Huawei và Ericsson.
CEO Rajeev Suri của Nokia
Theo ông Suri, 4G sẽ là hệ thống mạng quan trọng nhất trong tương lai gần, nhưng tiêu chuẩn 5G sẽ bắt đầu được quan tâm nhiều hơn vào 4 năm sau. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thị trường Internet of Things cũng được Nokia quan tâm.
Trong mảng bản đồ, Nokia sẽ không đóng vai trò là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google, thay vào đó sẽ tìm các đối tác như Yahoo, Microsoft và Amazon để đưa dịch vụ của mình đến người dùng cuối thông qua chiến lược mang tên B2B2C.
Đối với hoạt động sáng chế và cấp phép sử dụng sáng chế, được Nokia gọi là mảng công nghệ, ông Suri đã thận trọng hơn khi nói rằng công ty cần tiếp tục khẳng định vị trí của mình thông qua hoạt động nghiên cứu & phát triển (R&D) cũng như cấp phép bản quyền sáng chế.
Hoạt động cấp phép bản quyền vẫn sẽ là một ưu tiên với Nokia. Từ đây công ty có thể đạt những thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với nhiều nhà sản xuất thiết bị di động lớn để mở rộng thị trường thiết bị tầm trung và giá rẻ, thậm chí cả lĩnh vực set-top box và máy ảnh kỹ thuật số.
Liên quan đến những tin đồn Nokia sẽ trở lại sản xuất điện thoại riêng chạy Android kể từ khi bán mảng thiết bị và dịch vụ cho Microsoft, ông cũng cho biết: “Chúng tôi không tìm cách quay trở lại thị trường điện thoại di động, nhưng thương hiệu Nokia vẫn sẽ tồn tại theo thời gian thông qua các thỏa thuận cấp phép lâu dài. Bản thân công ty thấy thương hiệu Nokia vẫn còn mạnh mẽ, và điều này mang lại lợi ích cho công ty trong việc cấp phép”.