Về mặt kỹ thuật Nokia không làm gì sai, nhưng chính vì họ không thay đổi và học hỏi những điều mới nên cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chính họ.
Vào tháng 9 năm 2013, “gã khổng lồ công nghệ một thời” Nokia thông báo rằng họ đã chính thức bị mua lại bởi Tập đoàn Microsoft trong một thỏa thuận trị giá 7,17 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Giám đốc điều hành Nokia Stephen Elop đã kết thúc bài phát biểu của mình với những lời sau sau: “Mặc dù chúng ta đã không làm điều gì sai, nhưng theo cách nào đó, chúng ta đã hoàn toàn thua cuộc”.
Một kết thúc bi thảm là điều không mấy người có thể ngờ tới, vì trước đó Nokia từng thống trị một phần lớn thị trường điện thoại di động, trước khi điện thoại thông minh iPhone của Apple xuất hiện trong năm 2007.
Thời điểm Microsoft thâu tóm bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia với giá 7,2 tỉ USD
Ở thời kỳ hoàng kim của mình, Nokia đã chiếm lĩnh gần hết "miếng bánh" trên thị trường điện thoại di động, bao gồm từ điện thoại với các biểu giá từ thấp đến cao. Ai trong chúng ta chắc vẫn nhớ đến các cái tên như Nokia 8210, Nokia 5100. Tại thời điểm đó, hãng sản xuất Nokia dường như không có đối thủ.
Trong một bài blog Linkedin của Ziyad Jawabra, ông này cho rằng, về mặt kỹ thuật Nokia không làm gì sai, nhưng chính vì họ không thay đổi và học hỏi những điều mới nên cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ đầy cay đắng. “Họ đã bỏ lỡ những tiến bộ, họ đã bỏ lỡ thay đổi, do đó họ tự đánh mất cơ hội trong tay để làm cho Nokia lớn mạnh hơn nữa. Họ không chỉ bỏ lỡ cơ hội để kiếm tiền nhiều hơn, càng đau khổ hơn nữa là họ đã mất cơ hội sống sót của chính mình”, Jawabra chia sẻ.
Jawabra nhấn mạnh rằng, nếu một công ty không nắm bắt lấy sự thay đổi và không ngừng học hỏi những điều mới, nó sẽ dần dần được loại bỏ bởi sự cạnh tranh mới ngày càng khốc liệt. “Các lợi thế bạn có ngày hôm qua, sẽ được thay thế bởi các xu hướng của ngày mai. Không cần bạn phải làm bất cứ điều gì sai, chỉ cần đối thủ của bạn nhanh nhậy, nắm bắt xu thế thì là bạn có thể bị thua thiệt và thất bại”, Jawabra nhận định.
Dường như Nokia đã mãi “ngủ quên trên đống huy chương của mình”. Trong đó có thể nhớ tới hệ điều hành Symbian là đỉnh cao của công nghệ di động khi đó. Và chính điều đó đã làm hại Nokia, họ đã “ngủ quên trên chiến thắng”, cho tới khi những mẫu điện thoại mới, những hệ điều hành mới liên tục xuất hiện, thì Nokia đã không kịp trở tay, không thể cạnh tranh được với những sản phẩm này.
Lời nói cay đắng của CEO Nokia khiến nhiều người ám ảnh
Nokia chủ yếu tập trung vào thị trường di động giá rẻ, nhưng những chiếc điện thoại này đa phần đều có thiết kế ngoại hình tương tự nhau, chỉ khác tên gọi và ký hiệu, nên nó đã làm giảm sức cạnh tranh của hãng với các đối thủ khác. Cho tới khi các điện thoại giá rẻ từ các hãng khác như LG, Samsung, đáng kể hơn nữa là các nhà sản xuất Trung Quốc xuất hiện thì có thể nói Nokia đã hoàn toàn thua cuộc.
Jawabra cho rằng, việc thay đổi và hoàn thiện chính bản thân là cho mình một cơ hội thứ hai. Nếu bị ép buộc thay đổi bởi người khác thì điều này giống như bị loại bỏ. Những người từ chối học hỏi và hoàn thiện thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ trở nên dư thừa và không liên quan đến ngành công nghiệp, họ sẽ phải trả giá bài học đắt tiền.
Sau này, ngay cả khi chiếc điện thoại di động cảm ứng đầu tiên được ra đời thì Nokia vẫn chưa có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính vì thế, khi iPhone xuất hiện, vị thế của Nokia lập tức có nguy cơ sụp đổ. Đến khi chiếc iPhone 3 ra đời thì cái tên Nokia chính thức bị loại ra khỏi cuộc đua về công nghệ.
Những chiếc điện thoại từng làm mưa làm gió trên thị trường của Nokia
Bài học không ngừng hoàn thiện và sáng tạo ra cái mới chính là những lý tưởng được nuôi dưỡng bởi các Tập đoàn lớn như Google. Tập đoàn này cung cấp thêm “20% thời gian” cho nhân viên để họ có một ngày mỗi tuần làm việc trên các dự án họ đam mê. Chính điều này đã mang lại những công nghệ sáng tạo ra đầy sức lôi cuốn như Gmail và Adsense.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định khả năng một ngày nào đó Nokia sẽ quay lại thị trường điện thoại thông minh không phải là không có khi hãng vẫn sở hữu một thương hiệu phổ biến toàn cầu và đội ngũ nhân sự rất “chất”. Tuy vậy, liệu đây có phải sự trở lại “lợi hại gấp đôi” hay không? Các dự đoán về tương lai của Nokia là khá khác nhau song tất cả đều có chung một điểm là năm 2015 sẽ mở một trang mới trong lịch sử của một thương hiệu điện thoại từng một thời làm say đắm các tín đồ công nghệ.