Nếu ai đó hỏi bạn và cần sự giúp đỡ, nếu có thể giúp hãy căn cứ vào mức độ thân thiết; nếu không thể hãy từ chối thẳng thắn thay vì vòng vo.
Bạn đã bao giờ trải qua tình huống đứng trước lời yêu cầu của người khác, dù không muốn hoặc không thể làm nhưng cuối cùng lại chẳng thể nói lời từ chối? Dường như có 2 tiếng nói hiện lên trong đầu bạn, một bên nói rằng "Bạn không thể từ chối. Nếu bạn từ chối, họ sẽ chán ghét bạn và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ này"; bên kia nói: "Chi bằng từ chối đi. Cho dù có thể hoàn thành chuyện này, bạn cũng sẽ tiêu hao không ít thời gian cũng như công sức. Nếu không thể hoàn thành, mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng lớn". Sau quá trình đấu tranh nội tâm, bạn vẫn không thể nói lời từ chối.
Trong một mối quan hệ, người không biết nói không thường là quá quan tâm đến cảm xúc của người khác, bận lòng đến ý kiến và những đánh giá của người khác về bản thân song lại phớt lờ chính mình.
1. Tại sao bạn không thể nói "không" với mọi người?
Bạn nghĩ rằng nếu bản thân cự tuyệt yêu cầu của ai kia, họ có thể gục ngã và không thể tiếp tục; tổn thương lòng tự trọng và cuối cùng là hai người cắt đứt mối quan hệ. Thật ra, đó là vì bạn đang suy nghĩ quá nhiều. Bạn đánh giá thấp năng lực tinh thần của bên kia; đánh giá quá cao địa vị và tầm ảnh hưởng của bạn trong lòng đối phương.
Thân thiết với bất kỳ ai không phải là không thể sống nếu thiếu đi người đó. Sự thật là ngay cả khi bạn rời xa ai đó, cả hai vẫn có thể sống tốt; chưa nói đến việc từ chối người khác. Nếu bạn từ chối họ, họ sẽ ngừng làm việc đó chứ? Dĩ nhiên là không. Họ sẽ tự làm hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.
Một khuyết điểm trong tính cách của nhiều người, quen làm hài lòng người khác và thỏa hiệp. Trong tiềm thức, bạn tưởng tượng mình là “đấng cứu thế”, chỉ cần người khác gặp khó khăn tìm đến thì nhất định phải ra tay giúp đỡ. Nếu bạn không giúp đỡ bên kia, có vẻ như lương tâm của bạn sẽ rất cắn rứt.
Có một cách giải thích khác, rằng luôn có một nỗi sợ tiềm ẩn trong bạn. Bạn sợ rằng những người khác sẽ từ chối bạn nếu bạn không đồng ý với họ.
Ví dụ: Bạn đã biết một người bạn nào đó trong nhiều năm. Quá trình quen nhau, mỗi lần anh ấy nhờ bạn giúp đỡ, bạn đều cố gắng hết sức giúp anh ấy hoàn thành. Nhưng lần này yêu cầu của anh ấy khiến bạn hơi lúng túng, bạn thực sự không thể làm điều đó. Vì vậy, bạn đã nói lời từ chối.
Sau khi bị từ chối, bạn không hề vui vẻ mà ngược lại còn rơi vào cảm giác rất bối rối. Những suy nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu bạn: "Anh ấy sẽ giận tôi chứ?", "Anh ấy sẽ ghét tôi sao?" Bạn không thể giữ được thái độ bình tĩnh cho đến khi đối phương liên lạc với bạn thường xuyên như trước khi có sự kiện từ chối kia.
2. Học cách từ chối thể hiện trí tuệ cảm xúc thực sự của một người
Giao tiếp của người lớn với nhau đòi hỏi sự thẳng thắn và chân thành. Nếu ai đó hỏi bạn và cần sự giúp đỡ của bạn, chỉ cần nhớ nguyên tắc này: Giúp đỡ nếu bạn có thể, tùy thuộc vào sự thân thiết; Từ chối nếu bạn không thể, đơn giản là nói rằng bạn không thể giúp và đừng cho bên kia hy vọng.
Có hai hành vi gây khó chịu nhất khi đối mặt với yêu cầu từ người khác. Đầu tiên, đó là bạn hứa với đối phương nhưng lại không thực hiện. Bạn lập tức đồng ý ngay khi đối phương có lời nhờ nhưng đã vài ngày trôi qua mà không có bất cứ thay đổi nào xảy ra. Hứa với đối phương rồi lại thất hứa, đây là điều đáng thất vọng nhất.
Thứ hai, đó là khi bạn muốn từ chối nhưng lại không rõ ràng. Một người bạn gọi cho bạn và muốn mời ăn tối. Bạn không muốn ăn tối cùng anh ấy nên tìm đủ mọi cách nói dối để từ chối. Bạn nói: "Xin lỗi, ngày mai tôi không rảnh, chúng ta hãy hẹn nhau một ngày khác." Vài ngày sau, người bạn lại tìm đến, bạn tiếp tục quanh co: "Xin lỗi, tôi vẫn không có thời gian. Gần đây tôi bận quá, khi nào có thời gian chúng ta gặp mặt sau nhé!"
Anh ấy đã mời bạn nhiều lần liên tiếp, nhưng bạn luôn tìm đủ mọi lý do để từ chối. Cuối cùng, người bạn đó đã không thể nhịn được nữa mà nói rằng: "Cậu không muốn ăn có thể nói với tôi một câu, sao phải vòng vo như thế".
Trên thực tế, biết nói lời từ chối là biểu hiện trí tuệ cảm xúc cao của một người. Đừng sử dụng những "lời nói dối trắng trợn" để từ chối người khác. Bạn cũng sẽ không muốn phải trải qua cảm giác người khác từ chối mình như vậy.
Ví dụ: Bạn theo đuổi những người bạn thích. Mỗi lần bạn tỏ tình với anh ấy, anh ấy đều nói với bạn: "Xin lỗi, anh chưa sẵn sàng." Sau khi nghe anh ấy trả lời, bạn nghĩ rằng đó là sự ám chỉ bật đèn xanh với bạn, vì vậy bạn phát huy tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ từ bỏ và tiếp tục theo đuổi. Khi bạn tỏ tình lần nữa, đối phương lại nói: "Xin lỗi, tạm thời anh chưa tính đến chuyện yêu đương." Lần này, bạn sẽ làm gì?
Anh ấy rõ là không thích bạn, có thể trực tiếp từ chối bạn nhưng anh ấy lại không làm vậy. Sự từ chối mơ hồ của anh ấy thậm chí còn khiến bạn tưởng rằng mình có cơ hội, để rồi không đi đến đâu.
Trong một mối quan hệ, lý do khiến bạn chán nản và đau đớn là bạn không chịu từ chối; lý do khiến mọi người chán bạn là vì bạn không biết nói không.
Nếu yêu cầu của đối phương khiến bạn không thể chấp nhận được, hãy trực tiếp từ chối. Đơn giản và thẳng thắn, không làm mất thời gian của nhau, cũng không dễ làm tổn thương tình cảm. Khi bạn đã đưa ra lựa chọn của mình, phần còn lại là họ và không liên quan đến bạn. Việc anh ấy có quyết định thân thiết với bạn hay không là vấn đề của anh ấy, không phải của bạn.
Trí tuệ cảm xúc cao thực sự của một người không gì khác hơn là: thẳng thắn, chân thành và thoải mái với nhau.