Chồng à, anh không cần phải nhục vì sự hi sinh của em đâu nhỉ, vì em không cần một người đàn ông thấy nhục khi vợ hi sinh đúng không?
Chồng ạ, mấy hôm rồi em thấy chị em cứ xôn xao xung quanh một nhà đạo diễn có nghề chính là viết báo nói về sự hi sinh của chị em, đại thể ông ấy bảo rằng, ông thấy nhục khi để phụ nữ phải hi sinh.
Câu nói của người đàn ông được mệnh danh là đanh đá cỡ Trang Hạ khiến cho mấy chị em ở văn phòng tâm tư lắm. Có bà thảng thốt giật mình: Ờ nhỉ, sao mình cứ phải hi sinh cho cái lão chồng hút thuốc nhiều, nhậu nhẹt lắm nhưng lại ít tắm nhỉ? Bà khác lại trở trăn: Có khi nào chồng mình cũng thấy nhục nhưng chưa tiện nói ra không?
Em thề, cái chuyện hi sinh của phụ nữ chúng em ở xứ ta đâu phải là điều gì ghê gớm lạ lẫm lắm phải không anh, nó đã từ miệng một em Hoa hậu mà bung ra, nó cũng đã từng được nhiều người đẹp khác nhắc đến mỗi khi nói về đức tính của người phụ nữ nước Nam ta.
Vì sao lại thế? Em chẳng biết nữa, nhưng như một sự cài đặt mặc định từ khi em sinh ra, em lớn lên rồi chui vào nhà anh, làm vợ của anh đã tự khắc bắt mình phải hi sinh, hi sinh vì anh là một sự hi sinh vẻ vang. Em nghĩ vậy.
Mấy chị hay chơi đồ hiệu hàng fake thỉnh thoảng xem phim Tây vẫn chao chát: Trời ơi, cái gã chồng Tây sao mà đàn ông thế, gã nấu ăn cho vợ, gã đi chợ cho vợ, gã bế con cho vợ, còn ông chồng mình chỉ có mỗi bê vợ lên giường mỗi lần say thôi?
Chồng à, em đã hi sinh đủ cho anh chưa nhỉ. (ảnh minh họa)
Cái xứ ta nó thế, cứ phải so với Tây cho nó sang. Nhưng thằng chồng Tây nó sống ở xứ Tây, xã hội nó khác xứ mình anh nhỉ?
Từ khi được sinh ra, chúng em đã lớn lên trong một nết nhà mà sự hi sinh của mẹ đã hằn in như một sự giáo dục vô thức. Mẹ quần quật ruộng nương, mẹ tất tả cơm nước…còn bố em vẫn chăm chút cho những cơn say xỉn của riêng mình, bố mắng… mẹ lặng câm coi như đó là chức phận của mình, bố đánh… mẹ bất lực chịu đòn coi như đó là trách nhiệm của bản thân…Em đã thấy mẹ nhường cho con cái miếng thịt kho mặn chát cuối cùng rồi bảo: Con ăn đi, mẹ không thích ăn thịt hoặc mẹ no rồi.
Người phụ nữ, người mẹ khổ lắm phải không anh. Họ hi sinh với chức năng của người vợ, họ lại hi sinh với nghĩa vụ làm mẹ và cao hơn nữa họ còn hi sinh bản thân mình rất nhiều vì họ còn là dâu con trong nhà.
Người phụ nữ ở nông thôn không dám khoắc lên mình một manh áo đẹp, mẹ em cũng thế. Mẹ chưa bao giờ mua cho mình một bộ đồ đẹp, nhưng mẹ sẵn sàng cần mẫn làm lụng tối ngày để cho con cái xúng xính quần áo mới.
Phụ nữ Việt Nam phải hi sinh, hi sinh là một đặc tính được mặc định truyền đời. Nhưng bất hạnh quá. Em biết nhiều những số phận người phụ nữ như thế, họ khi sống phải hi sinh từ nhu cầu bản thân, nhu cầu hưởng thụ chỉ để vun vén cho gia đình, nhưng khi họ đột ngột sang thế giới bên kia, người chồng ân nhớ vợ bằng việc đi bước nữa với một người đàn bà khác. Ở vế ngược lại, liệu đã mấy người phụ nữ dám đi bước nữa để chịu tiếng gièm pha.
Trong nhiều nết nhà hình ảnh quen thuộc vẫn được tả đi tả lại đó là cảnh người vợ tất bận nấu nướng, còn người chồng thì thong thả gác chân cầm điều khiển từ xa và ung dung chuyển kênh. Người vợ đảm đang hơn còn khéo nấu sẵn cho chồng một đĩa mồi để anh nhậu trước, còn mình thì tiếp tục chuẩn bị cho bữa cơm chính.
Em không cần anh nhục, em cần anh hãy là một người đàn ông thử hi sinh cho vợ anh xem. Lúc đó, em cũng sẽ không thấy nhục vì anh đâu. Thề đấy. (ảnh minh họa)
Hình ảnh quen thuộc ấy có sức ảnh hưởng đến nỗi, trong một chương trình truyền hình thực tế hẹn hò gái trai, cô gái vẫn thường hỏi chàng trai mình sẽ hẹn hò: Anh có biết nấu ăn không, anh có nấu ăn cho vợ không? Và dĩ nhiên, với một khả năng thiên bẩm có sẵn ở bất cứ đàn ông nào, các anh sẽ khẳng định: Có chứ, đã làm chồng thì phải biết chia sẻ việc nhà với vợ. Câu đó trở thành một câu cửa miệng, trở thành bảo bối đổi lấy nụ cười trên môi nàng.
Chồng à, em đã hi sinh đủ cho anh chưa nhỉ. Bao nhiêu năm qua, em đã sống tất cả bởi vì anh, còn anh, anh vẫn là mẫu hình chung của những người đàn ông xứ này, anh coi việc vợ anh vất vả việc nhà, toan lo việc xã hội như một việc đương nhiên phải thế.
Chồng à, anh không cần phải nhục vì sự hi sinh của em đâu nhỉ, vì em không cần một người đàn ông thấy nhục khi vợ hi sinh đúng không? Em đã quen những cảm xúc nhất thời như một lời xin lỗi sau mỗi lần anh say vung tay tát em. Em không cần anh nhục, em cần anh hãy là một người đàn ông thử hi sinh cho vợ anh xem. Lúc đó, em cũng sẽ không thấy nhục vì anh đâu. Thề đấy.