Cứ LIKE một cái, có mất gì đâu!

Ngày 26/07/2013 09:17 AM (GMT+7)

Nhiều người mù quáng tin tưởng vào những cái 'like' trên trang mạng để cho một cặp đôi chia tay trở về bên nhau, thậm chí là cho cả người chết sống lại.

Lâu lâu nay,  mọi người rất hay đọc mấy câu thơ kiểu như: “Hà Nội cái gì cũng thừa; chỉ có tình người là thiếu” hoặc trích nguồn những bài báo nói về sự vô cảm của giới trẻ hay một thời đại khủng hoảng niềm tin. Ấy thế mà qua nhiều chuyện xảy ra, em thấy mọi chuyện làm gì đến nỗi thế. Nếu thật sự vô cảm, thật sự mất niềm tin thì lấy đâu ra chuyện các hoạt động từ thiện đang nở rộ như hoa gặp mùa, các chiến dịch tình nguyện tấp nập người tham gia. Thậm chí, em còn thấy tấm lòng tốt lẫn lòng tin còn đang bị lạm dụng theo nhiều dạng, nhiều kiểu tinh vi lẫn lộ liễu là khác ví như những trò câu like rất “ảo” trên mạng mà hàng nghìn người vẫn tin mà tham gia ầm ầm đó thôi.

Em cứ nghĩ cái thuở “Một like dành cho trẻ em nghèo ở Châu Phi” đã qua thì không ai còn ngây thơ mà click chuột nhấn nút Like một cách bừa bãi nữa. Ấy thế mà người ta vẫn miệt mài “like” cho một đôi hot boy – hot girl quay trở về bên nhau; “like” vì hòa bình thế giới hay thậm chí “like” để hồi sinh một người vừa mới khuất. Ẩn sau mỗi một trang cộng đồng với những cái tên rất kêu cùng mục đích tưởng chừng như cực kì hướng thiện này, bạn phải biết rằng luôn có một hoặc nhiều người đứng sau cộng thêm một mục tiêu toan tính hơn vẻ ngoài nhiều.

Có dùng bao nhiêu lời lẽ văn hoa lẫn xúc xiểm để lên án và vạch mặt những kẻ giấu mặt này cũng bằng thừa. Đơn giản vì đó là những trường hợp mà lương tâm lẫn lương tri đều thuộc trường hợp hết thuốc chữa, bác sĩ trả về địa phương rồi. Quan trọng hơn vẫn là mỗi người trước mỗi trang cộng đồng, trước màn hình máy tính và đường truyền Internet của mình, cần tỉnh táo hơn mỗi khi nhấp chuột. Ở ngoài đời, người ta sành sỏi hay ngây thơ như thế nào không rõ nhưng cứ lên mạng, ai cũng dễ chủ quan bởi luôn cho rằng: Tất cả đều là ảo; đúng hay sai cũng không ảnh hưởng gì tới chuyện ngoài đời.

Cứ LIKE một cái, có mất gì đâu! - 1

Đừng lạm dụng văn hóa like (ảnh minh họa)

Lại thêm tâm lý người Việt Nam hay nhùng nhằng “bỏ thì thương, vương thì tội”, cứ Like một cái có mất gì đâu lại tự thấy không áy náy vì “tốt không sót”. Vậy nên, những ai bảo xã hội bây giờ đa nghi, không có lòng tin vào con người thì cũng có vẻ khá cực đoan. Có lẽ nói chính xác hơn phải là: Bây giờ mọi người quá xem nhẹ giá trị lòng tin của chính mình.

Chính vì xem nhẹ nên chẳng thèm tìm hiểu thông tin nhiều chiều rồi tự cân nhắc đánh giá mà cứ click Like cái đã; cứ hùa theo mà góp ít gạch đá cái đã; cứ chạy theo “phong trào” cái đã. Mà bạn có biết ông cha ta có một câu rất hay để ví những kẻ không nghĩ chỉ “tru theo bầy” là gì không? Chẳng nhẽ, một người ở thời đại này, đủ trí lực để sử dụng máy tính mà online lại chịu mang danh như thế chăng?! Chính vì đánh giá lòng tin của mình ở một mức quá rẻ rúng nên cũng xem nhẹ luôn chuyện một lần “like” của mình sẽ được đem rao bán như thế nào.

Theo giá thị trường thì mỗi like sẽ có giá từ 300đ cho tới 500đ tùy yêu cầu của khách hàng. Giá “lòng tin” của mỗi người chưa bằng tiền mua một cái kẹo cao su nhưng số lượng người “dồi dào” lòng tin thì không thiếu nên sau mỗi “chiến dịch” có thể giá lên tới chục triệu hoặc hơn. Vậy nên mới có nhiều người bước chân vào lĩnh vực buôn bán niềm tin vốn ít lãi nhiều mà chẳng tốn sức. Bởi vì chính chủ sở hữu còn định giá trị lòng tin của mình rẻ bèo như vậy thì bảo sao không lợi dụng cho được.

Chưa kể mỗi lần bạn dành niềm tin nhầm chỗ còn có khả năng gây tổn thương lên chính những người mà bạn tưởng là đang giúp đỡ họ bằng cả tấm lòng. Thử hỏi xem, chuyện chia tay hay tái hợp của bạn được mang ra rêu rao khắp nơi trên mạng và được đặt lên bàn cân giữa Hội những người hâm mộ và Hội những người anti – tức Hội những người chẳng liên quan quái gì đến bạn – thì cảm giác của bạn sẽ như thế nào? Có vui thú gì chăng khi chuyện quá khứ muốn ngủ yên không xong còn bị đào xới bới lộn lên. Hay rất gần đây thôi, chuyện một chàng ca sĩ trẻ vì bạo bệnh mà qua đời, thay vì lên mạng click like vô bổ và xúc phạm chính vong linh người đã khuất lẫn gia đình của anh, tại sao bạn không đến trước cửa nhà anh đặt một bông hoa tỏ lòng thương tiếc.

Hoặc tại sao không nhắn lên trên FB của anh một đôi lời an ủi gia đình người ra đi. Có nhiều lựa chọn thông minh lẫn văn minh hơn việc đi like một trang fanpage ảo với mục đích không thể nào tin nổi là “làm hồi sinh” một con người. Bất cứ điều gì mà có khả năng gây tổn thương cho người khác tức là nó có sức mạnh. Bởi thế, trước hết hãy tin vào lòng tin của chính mình rằng nó đáng quý đủ để không trở thành vật mua đi bán lại.

Hodor
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG