Khi bạn đeo một chiếc mặt nạ mạnh mẽ và luôn che đậy nỗi đau, sự tổn thương, bạn cũng đang che giấu niềm hạnh phúc. Để đạt được sự bình tĩnh thực sự, bạn phải hoàn toàn chấp nhận chính mình.
Theo bạn, tính cách nào khiến cuộc sống mệt mỏi nhất? Có một câu trả lời từng nhận được nhiều sự đồng tình trên mạng xã hội rằng:
"Đó là người thuộc kiểu tính cách con nhím. Họ rất quan tâm đến việc thế giới bên ngoài đánh giá như nào về mình. Họ nhạy cảm với mọi động thái của người khác, sẽ xù lông ngay khi nhận ra dấu hiệu nguy hiểm dù là nhỏ nhất. Họ khắt khe với bản thân, luôn hy vọng mọi việc sẽ hoàn hảo và sẽ trở nên lo lắng khi không đạt được kỳ vọng. Họ cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng chỉ một lời chỉ trích vô tình của người khác cũng đủ khiến họ vào mâu thuẫn nội tâm và đau khổ."
Có không ít người như vậy, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi hiểu sâu hơn về con người họ, bạn sẽ thấy họ thực chất rất mong manh, luôn lo người khác có cái nhìn tiêu cực về mình. Khi một người không thể chấp nhận sự tổn thương và sự không hoàn hảo của bản thân, họ sẽ tự bảo vệ mình bằng cách tấn công người khác, cố tạo ra hình ảnh mạnh mẽ và che đậy cảm xúc thật.
Đằng sau sự tức giận thường là khao khát được yêu thương và được thừa nhận. Nhưng việc tấn công và bác bỏ người khác một cách mù quáng sẽ không giúp bạn nhận được sự công nhận và tôn trọng như mong muốn mà sẽ là con dao hai lưỡi, làm tổn thương người khác và hạ bệ chính mình.
1. Điều đáng sợ hơn sự tổn thương là giả vờ mạnh mẽ
Xiao biết bản thân là người rất dễ bùng nổ. Thỉnh thoảng nhận điện thoại của bố mẹ hỏi thăm công việc, dù biết đó là sự quan tâm nhưng từ trong tiềm thức, cô vẫn thấy bố mẹ không tin vào khả năng làm việc của mình và nhanh chóng bắt đầu lời qua tiếng lại. Khi nghe thấy một chút nghi ngờ từ bất kỳ ai, Xiao sẽ lập tức căng thẳng vì sợ bị đối phương phủ nhận.
Một lần, cô cùng chồng đi siêu thị mua đồ, khi tính tiền thì nhận ra đã quên mua kem đánh răng. Chồng cô buột miệng: “Ồ, em lại quên nữa à?” Xiao lập tức phản bác: “Anh cũng quên, tại sao lại trách em!” Sau đó, cô không ngần ngại lôi những chuyện cũ của chồng ra và mắng mỏ anh.
Kết quả là, việc nhỏ biến thành việc lớn và toàn bộ sự việc kết thúc trong sự căng thẳng. Bản thân Xiao cũng thấy hối hận vì cách cư xử của mình.
Trên thực tế, Xiao là một người có lòng tự trọng đặc biệt thấp, từ nhỏ đã lớn lên với những câu nói của bố mẹ như: "Nhìn con người ta mà xem", "Sao con ngốc thế", "Con không thể làm tốt việc đơn giản này sao..." Dần dần, cô luôn cảm thấy mình không thể phạm sai lầm, nếu không sẽ bị “bỏ rơi”.
Xung quanh chúng ta có không ít người như vậy, lập tức xù lông như con nhím mỗi khi gặp phải sự nghi ngờ. Trước những lời chỉ trích, họ luôn muốn chứng tỏ bản thân bằng cách bác bỏ; khi đối mặt với sự nghi ngờ, họ luôn muốn thuyết phục đối phương bằng cách chứng tỏ bản thân.
Khi chúng ta không thể chấp nhận sự tổn thương, nỗi buồn, mất mát và những cảm xúc đau đớn khác của mình, chúng ta sẽ áp dụng một số biện pháp tâm lý như tức giận và phủ nhận để đối phó.
Nhưng điều tưởng chừng mang lại sức mạnh này chỉ là vỏ bọc, khi bị vỡ ra, bạn sẽ thấy nỗi đau và sự bất an vẫn còn đó. Khi đã quen với việc sử dụng những đòn tấn công, phản bác để bảo vệ bản thân, bạn sẽ dễ dàng đánh mất chính mình và để mối quan hệ rơi vào vòng luẩn quẩn.
2. Bảo vệ bản thân quá mức sẽ khiến bạn đánh mất chính mình
Nhà tâm lý học Joseph Burgo đã nói rằng: “Phòng thủ tâm lý là những lời nói dối mà chúng ta tự nói với mình để tránh nỗi đau.”
Khi một người không thể đối mặt với sự tổn thương của bản thân, họ sẽ ngụy trang bằng một cái tôi giả tạo. Vì sợ bị tổn thương nên họ khép kín tình cảm và trở nên thờ ơ. Vì sợ bị coi thường nên họ đối xử với những người xung quanh bằng cả răng nanh và móng vuốt...
Họ học cách che giấu những mặt dễ bị tổn thương của mình và chỉ thể hiện sức mạnh ra bên ngoai mà quên rằng việc che giấu cảm xúc bên trong một cách mù quáng sẽ chỉ khiến con người trở nên chán nản. Chỉ bằng cách học cách chung sống với sự mong manh của trái tim, chúng ta mới có được sức mạnh tự chữa lành.
Sức mạnh nội tâm thực sự không có nghĩa là không sợ hãi mà là có can đảm đối mặt với con người thật của mình. Sự dũng cảm thực sự đến từ việc đối mặt với những tổn thương, nỗi sợ hãi và sự xấu hổ của chính bạn thay vì che đậy chúng bằng sự tức giận và thờ ơ.
3. Sức mạnh nội tâm thực sự là đối mặt với con người thật của mình
Giáo sư Brynn tại Đại học Houston chia sẻ, những người có ý thức cao về giá trị mang một đặc điểm chung: Can đảm chấp nhận những điểm không hoàn hảo và dễ bị tổn thương của mình, đồng thời sẵn sàng thể hiện con người thật trước mặt người khác.
Chỉ khi hoàn toàn chấp nhận bản thân, không trốn tránh hay kìm nén, bạn mới có thể tìm thấy sự kiên định thực sự và sống một cách tích cực.
- Thoát khỏi “bẫy tự bảo vệ”
Phần lớn những rắc rối trong cuộc sống này xuất phát từ việc luôn muốn chứng tỏ bản thân với người khác, quá coi trọng những đánh giá của ai kia. Để “vừa mắt” người khác, bạn cố sức để cải trang, cuối cùng kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.
Nhớ rằng, những người cố tình buộc tội bạn luôn có thể tìm ra lý do. Khi đối mặt với những nghi ngờ, thay vì đấu tranh để bảo vệ bản thân, tốt hơn hết hãy là chính mình. Chỉ bằng cách từ bỏ nỗi ám ảnh “tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác”, chúng ta mới có thể thoát khỏi xích mích nội tâm và tự do thực sự về mặt cảm xúc.
- Vứt bỏ suy nghĩ ai đó “lẽ ra nên thế nào”
Bạn từng trải qua cảm giác này chưa: Bực bội vì thấy đồng nghiệp lẽ ra nên hợp tác với mình; Phàn nàn vì thấy bạn đời lẽ ra nên nhìn thấy sự vất vả của bản thân; Thất vọng vì con cái lẽ ra nên xứng đáng hơn với sự chăm chỉ hy sinh của cha mẹ...
Khi rơi vào vòng xoáy của những suy nghĩ này, chúng ta dễ bị mắc bẫy bởi sự kỳ vọng không đạt được điều mình mong muốn. Có sự cố xảy ra, chúng ta dễ đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về môi trường.
Tuy nhiên, trên đời này không ai có thể điều khiển được hướng đi của cuộc sống. Chỉ bằng cách vứt bỏ những quy tắc “lẽ ra nên thế nào” và chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, chúng ta mới có thể sống hòa bình với thế giới thực.
- Học cách “chấp nhận bản thân”
Chỉ khi chấp nhận bản thân trước thì chúng ta mới không bị mắc bẫy trong con mắt của người khác. Nhiều khi, điều khiến chúng ta lo lắng về việc không được người khác thích thực ra phản ánh sự thiếu chấp nhận của chúng ta đối với chính mình.
Cố gắng hết sức để che giấu khuyết điểm của bản thân và cố gắng tỏ ra hoàn hảo sẽ chỉ khiến bạn kiệt sức. Để đạt được sự bình tĩnh thực sự, bạn phải hoàn toàn chấp nhận chính mình. Hãy tìm ra nhịp điệu của riêng mình, đừng lừa dối bản thân, đừng từ bỏ chính mình và hãy bình tĩnh đối mặt với con người thật của bản thân.
Có câu nói rằng: “Không bao giờ có điều gì đáng để bạn khép kín trái tim mình”.
Khi bạn đeo một chiếc mặt nạ mạnh mẽ và luôn che đậy nỗi đau, sự tổn thương, bạn cũng đang che giấu niềm hạnh phúc.
Đừng nghĩ rằng cả thế giới sẽ không thân thiện chỉ vì bạn bị tổn thương mà hãy học cách tránh xa những người làm tổn thương bạn. Đừng giả vờ là người khác chỉ vì ai đó không thích bạn mà hãy tìm người thực sự chấp nhận con người bạn. Khi bạn hoàn toàn chấp nhận bản thân, không nghi ngờ mình vì những đánh giá bên ngoài, cho phép bản thân bị từ chối và không hoàn hảo, bạn sẽ thấy:
Cuộc sống thực sự tử tế hơn bạn nghĩ!