Trong một bài pháp thoại mới đây của thiền sư Thích Minh Niệm, thiền sư cho rằng hầu hết chúng ta khổ vì muốn điều khiển người khác, muốn người khác làm theo ý mình.
Từ muốn điều khiển con cái
Con cái là đối tượng mà chúng ta thích chúng làm theo ý mình nhất. Ảnh minh họa
Có một thực tế trong cuộc sống, đối tượng mà chúng ta thường muốn điều khiển nhất đó là con cái của chúng ta. Nhiều bậc cha mẹ mắc một sai lầm là luôn muốn điều khiển con, thích điều khiển con, điều khiển cho tới khi nào không thể điều khiển được chúng. Họ làm việc này như một bản năng, như một ý thích, như là nhiệm vụ mà không hiểu rằng đang làm khổ con và tự làm khổ mình.
Theo thiền sư Thích Minh Niệm, thói quen muốn điều khiển người khác, muốn người khác làm theo ý mình là nguyên nhân dẫn tới khổ đau của rất nhiều người. “Chúng ta nên biết rằng, chúng ta không thể điều khiển một đối tượng nào mãi. Điều khiển được vài chục lần, cùng lắm là vài trăm lần. Tới một lúc nào đó, đối tượng đó cũng sẽ không cho chúng ta điều khiển nữa.
Ví dụ rõ nhất là với con chúng ta. Chúng ta rất hay điều khiển chúng. Khi chúng ta không điều khiển con chúng ta được nữa, chúng ta sẽ sốc, sẽ đau đớn, vật vã, khổ sở và nghĩ rằng: Nó hết thương mình rồi, nó ngỗ nghịch, nó bất hiếu đối với mình.
Nhưng sự thật thì sao? Sự thật thì con bạn nó muốn lấy lại chủ quyền của nó, nó muốn tự quyết định cuộc đời nó. Đó là quyết định đúng đắn nhưng chúng ta không chấp nhận được”, thiền sư Thích Minh Niệm nói.
... đến muốn điều khiển bạn đời và người khác
Theo Thiền sư, chúng ta cũng thường muốn điều khiển người bạn đời của mình, muốn người bạn đời của mình phải phục tùng mọi ý kiến của mình. Nhưng như vậy chúng ta có hạnh phúc không? Chúng ta chỉ hả hê khi người đó làm theo ý mình nhưng sẽ có lúc người đó sẽ không làm theo ý mình nữa. Lúc đó chúng ta sẽ đau khổ.
Trong quan hệ xã hội cũng vậy, có những người vì lý do gì đó họ làm theo ý mình. Nhưng ngược lại có vô số người khác không vì lý do gì mà phải làm theo ý mình cả. Cho nên mình sẽ đau khổ.
Thiền sư cho rằng, khi chúng càng cố gắng điều khiển người khác thì chúng ta càng chống đối những đối tượng mà chúng ta không điều khiển được.
Lời khuyên của Đức Phật
Chúng ta biết một điều chắc chắn rằng, không có khó khăn này thì sẽ có khó khăn khác, người đó có thể dễ chịu lúc này nhưng cũng có thể khó chịu vào lúc khác, người đó có thể hạn chế được khó khăn lúc này nhưng lúc khác thì chưa chắc… Cho nên rất khó để tin rằng mọi thứ có thể xẩy ra theo ý chúng ta muốn.
Đức Phật khuyên chúng ta đừng bao giờ như thế vì như thế thì chúng ta sẽ khổ mãi. Phật khuyên chúng ta và dạy chúng ta phương pháp trở vào bên trong mình để làm chủ con tim của mình, làm chủ cảm xúc của mình.
Và khi chúng ta làm chủ được những vọng động, những cảm xúc của mình thì chúng ta sẽ nhìn những khó khăn kia chẳng là gì cả. Hoặc là khó khăn chỉ là khó khăn thôi, những điều bất như ý chỉ là những điều bất như ý thôi chứ không phải là khổ đau.
Theo Thiền sư, những điều bất như ý chỉ trở thành khổ đau khi chúng ta cộng thêm vào thái độ chống đối, thái độ muốn loại trừ, thái độ muốn tránh né. Chúng ta muốn loại trừ, muốn tránh né, muốn chấm dứt những điều bất như ý xẩy ra mà không làm được, cho nên chúng ta khổ đau.
“Khổ đau là trạng thái ở trong tâm. Còn khó khăn là trạng thái xẩy ra ở bên ngoài. Cái xẩy ra ở bên ngoài nó chỉ trái với ý chúng ta thôi, chứ nó không thể làm cho chúng ta khổ được. Nó chỉ làm cho chúng ta khổ khi chúng ta chống lại nó”, thiền sư Thích Minh Niệm nói.
Chúng ta thường có suy nghĩ "Anh ta hèn thế sao tôi phải chấp nhận". Ảnh minh họa
Vậy nếu không chống lại những điều bất như ý thì chúng ta phải làm sao? Đức Phật khuyên chúng ta là “hãy chấp nhận nó đi” nhưng có một sự thật là hầu hết chúng ta thường có suy nghĩ: “ngu thế sao mà chấp nhận nổi”, “hèn thì sao mà chấp nhận” hay “tội gì mà phải chấp nhận”...
Thực ra thì, một người có trái tim lớn mới chấp nhận được một người có trái tim nhỏ. Hay nói một cách khác, một người có trái tim nhỏ thì không thể chấp nhận được một người có trái tim lớn. Mình chấp nhận được người đó tại vì mình là người lớn “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên” (Nguyễn Du).
Vì lượng trái tim mình lớn nên mình mới không chấp nhứt những lầm lỡ, những yếu kém của người kia. Mà lượng trái tim lớn là sao? Là chúng ta rất là vững chãi. Chúng ta không đánh giá quá cao hoàn cảnh, chúng ta không chúi mũi vào đối tượng đó để mong muốn đối tượng đó lúc nào lúc nào cũng vừa ý mình.
Thiền sư Thích Minh Niệm cho rằng: Một người có trái tim lớn, một người có đời sống vững chãi là người làm chủ bản thân rất tốt. Họ đề cao, họ quan trọng cái việc "tâm họ thế nào" thôi, còn hoàn cảnh không quá quan trọng. Cho nên hoàn cảnh có xẩy ra khác với ý của họ thì cũng không dễ dàng làm cho họ nao núng hay là phản ứng.
“Chúng ta chỉ trở nên phản ứng, mà phản ứng một cách dữ dội là tại vì chúng ta quá chú ý vào hoàn cảnh (hoàn cảnh ở đây là con người, sự vật, sự việc và những điều bất như ý của mình…)”, thiền sư Thích Minh Niệm nói.