Hầu Phu Nhân là một trong những người vợ của Tùy Dượng Đế Dương Quảng - ông vua dâm loạn và độc ác bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Hầu Phu Nhân là một mỹ nữ nhan sắc hơn người, có giọng nói thỏ thẻ dễ thương, lại đa sầu đa cảm và giỏi thơ phú. Thời thiếu nữ, có không biết bao nhiêu chàng trai thầm thương trộm nhớ và làm đủ mọi cách để có được trái tim của nàng.
Nhưng nghiệt ngã thay, cũng vì sắc nước hương trời, người thiếu nữ họ Hầu được tuyển vào cung hầu hạ vua Tùy Dượng Đế. Được chọn làm vợ vua là niềm mơ ước cho bất cứ người con gái nào, nhưng làm vợ của Dương Quảng thì quả nhiên là bất hạnh.
Là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tùy, Tùy Dượng Đế Dương Quảng nổi tiếng tàn ác và dâm dục. Để có ngai vua, ông ta đã phạm tội giết cha (Văn đế Dương Kiên) và hại chết anh trai Dương Dũng. Để thỏa mãn thú vui thân xác, Tùy Dượng Đế liên tục tuyển chọn cung tần mỹ nữ từ khắp nơi về. Đáng nói hơn, ông còn cho xây hẳn một cung mới vô cùng lộng lẫy, nguy nga đặt tên là Mê Lâu để dành riêng cho việc bông đùa, ái ân cùng các mỹ nữ, và chỉ người nào thật đẹp mới được đặt chân tới đó. Số lượng người đẹp được tuyển về cung cứ ngày càng tăng lên, đến cả ngàn người, nhưng không phải cô nào cũng được điều đến Mê Lâu hầu hạ vua. Những mỹ nữ được đến đó đều phải chọn lựa kỹ càng và xếp theo thứ tự danh sách. Vậy nên có những cô dù vào cung từ rất lâu những vẫn không đến lượt được hầu hạ nhà vua.
Hầu Phu Nhân là một trong những người đẹp mang số phận hẩm hiu ấy.
Suốt 8 năm ròng rã trong cung, nàng không được chọn vào Mê Lâu, cũng chưa được gặp mặt vua lần nào. Còn nhớ, Hồ Xuân Hương từng than thở về kiếp vợ lẽ rằng “một tháng đôi lần có như không”, vậy mà dù mang tiếng đã có chồng, Hầu Phu Nhân vẫn chưa hề được một lần đầu ấp tay gối với Tùy Dượng Đế.
Số phận bất hạnh của Hầu Phu Nhân cũng là một bằng chứng đầy thương cảm cho thân phận hẩm hiu của những nàng cung nữ thời xưa. (ảnh minh họa)
Tuổi thanh xuân bị vùi chôn theo năm tháng, tương lai mù mịt, quá uất ức và tủi nhục, Hầu Phu Nhân đã thắt cổ tự vẫn. Khi nàng chết, trên tay có đeo một cái túi bằng gấm, trong đó có đề mấy bài thơ nói về nỗi muộn phiền cô đơn của mình. Túi gấm được dâng lên vua, xem thơ, Tùy Dượng Đế lấy làm thương cảm nên thân chinh đến viếng xác nàng và khen rằng: “Người đã chết mà nhan sắc còn tươi như hoa đào!”. Sau đó, Tùy Dượng Đế bắt Hứa Đình Hầu, vị quan có nhiệm vụ lập danh sách mỹ nữ vào Mê Lâu hầu vua, phải tự tử, vì ông quan này đã bỏ sót một người đẹp như Hầu Phu Nhân.
Số phận bất hạnh của Hầu Phu Nhân cũng là một bằng chứng đầy thương cảm cho thân phận hẩm hiu của những nàng cung nữ thời xưa. Có nhan sắc tuyệt trần, được thưởng thức sơn hào hải vị và xúng xính xiêm y là lượt, nhưng cuối cùng họ cũng chỉ là những tù nhân suốt ngày bị giam lỏng trong cung, không có quyền làm những gì mình thích. Sự tồn tại của họ chỉ đơn thuần là để hầu hạ cho khoái lạc của người khác, nhưng cũng có khi họ đành ôm nỗi tủi nhục và cô đơn vì không được vua đoái hoài gì đến. Đã vào cung là mất cả một đời, không còn lối thoát. Có lẽ cũng vì vậy mà dân gian ta có một câu tuy khó nghe nhưng lại rất dễ hiểu và dễ cảm thông: “Đưa con vô nội, thà bán cho mọi!”.