Hội chứng sợ... mất phần

Ngày 22/04/2015 00:00 AM (GMT+7)

Chính vì sợ mất phần, nên người Việt sẽ cố mọi cách để duy trì câu chuyện “Tay kia có được thì mình cũng phải có được”. Nếu không có người đầu tiên trèo qua hàng rào sắt để cố vào công viên nước Hồ Tây, chắc chắn sẽ không có người thứ hai, thứ ba, thứ tư và rất nhiều người khác.

Vụ nam thanh nữ tú, trung niên thanh lịch, bố mẹ con cái vượt hàng rào sắt nhọn để cố lao vào khu vực công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) là minh chứng rõ nhất của tư duy sợ mất phần của người Việt. Tôi không nghĩ, đây là biểu hiện tư duy ham của rẻ hoặc thích xài chùa.

Ở đâu có miễn phí, ở đấy có đại loạn. Tất nhiên, nói điều này không phải thuộc nội hàm của câu nói lừng danh “Miếng pho-mát miễn phí chỉ có trong chiếc bẫy chuột”. Điểm lại những vụ phân phát thức ăn miễn phí, đổi nón bảo hiểm cũ lấy mới miễn phí, phát gạo miễn phí, mua điện thoại giá rẻ… đã xảy ra đều có tình trạng tương tự như ở công viên nước Hồ Tây. Điểm khác duy nhất chính là ở những nơi mà tôi vừa viện dẫn, không có hàng rào sắt.

Cách đây ít lâu, trên trang youtube xuất hiện hàng loạt clip ghi lại cảnh người Việt ăn buffet, những bàn tay sửa dụng đũa thoăn thoắt, những gương mặt hả hê khi gắp được nhiều thức ăn, những khóe miệng đầy phồn thức… Rồi cũng cách đây ít lâu, trên mạng internet xuất hiện những tấm ảnh chụp lại biển cảnh báo bằng tiếng Việt được đặt bên cạnh những tấm bản tiếng nước ngoài có nội dung “Nếu quý khách ăn không hết thức ăn trong đĩa, chúng tôi sẽ tính thêm tiền”.

Người Việt có tham không?

Người Việt không tham, tôi tin là vậy. Nhưng, như học giả Trần Trọng Kim từng nhận định, người Việt thường ham món lợi nhỏ trước mắt. Chính từ đặc tính này, đã ít nhiều đẩy người Việt ngày càng xa dần những cơ hội lớn.

Hội chứng sợ... mất phần - 1

Chính vì sợ mất phần, nên người Việt sẽ cố mọi cách để duy trì câu chuyện “Tay kia có được thì mình cũng phải có được”. (ảnh internet)

Người Việt sẽ thản nhiên cầm lấy cái bật lửa ai đấy để quên trên bàn và cho vào túi áo, bất chấp người Việt ấy có hút thuốc lá hay không?. Nhưng, người Việt sẽ tìm cách hoàn trả lại món đồ có giá trị ai đó làm rớt trên đường.

Người Việt sẽ cố giữ lại con gà chạy vào nhà mình. Nhưng người Việt sẽ đứng canh hoặc nhờ Cơ quan có trách nhiệm trả lại chiếc xe gắn máy của ai đó quẳng ngoài phố.

Người Việt có nhiều ưu điểm như bác ái, biết giúp đỡ người khốn khó, tốt bụng. Tuy nhiên, đáng tiếc là người Việt vướng vào tư duy mà tôi đã nhắc phía trên, “Tư duy sợ mất phần”.

Chính vì sợ mất phần, nên người Việt sẽ cố mọi cách để duy trì câu chuyện “Tay kia có được thì mình cũng phải có được”. Nếu không có người đầu tiên trèo qua hàng rào sắt để cố vào công viên nước Hồ Tây, chắc chắn sẽ không có người thứ hai, thứ ba, thứ tư và rất nhiều người khác. Mặc cho vừa leo rào vào công viên nước, người Việt thừa sức hiểu người Việt đang làm một hành động không được phép. Điều này, cũng như việc vứt rác ngoài phố vậy. Chỉ cần có người vứt một bịch rác vào cột điện, sẽ có người thứ hai và dần dần hình thành một bãi rác ngay cột điện không may ấy.

Ngay cả chuyện yêu đương, người Việt không yêu cá nhân này hay không thương cá nhân kia mặc cho người ta yêu thương mình say đắm. Nhưng chứng kiến cá nhân nay hay cá nhân kia có bạn trai (hoặc bạn gái) đều cảm thấy không vui vẻ.

Người Việt phải như thế nào mới có thể thay đổi được, tôi nghĩ, không nằm ngoài sự tu dưỡng. Phải có tu dưỡng thì cái thắng tư duy mới hình thành, từ cái thắng tư duy này, người Việt sẽ biết cách kiềm chế. Người Việt mới biết trường hợp nào nên sợ mất phần, trường hợp nào biết thắng lại đúng lúc.

Đừng vội vã phán xét người Việt thích miễn phí hay hốt hoảng trước sự thanh lịch của đất Thủ đô bị phá vỡ, bởi đặc tính sợ mất phần này đã hình thành từ hàng trăm năm nay, biểu hiện rõ nhất ở câu “Một miếng giữa đàng”. Muốn thay đổi, cần có thời gian.

Và thời gian này phải được sử dụng một cách có hiệu quả với nền móng từ giáo dục lẫn tu dưỡng, vì muốn có một xã hội tử tế cá nhân phải là người tử tế trước tiên.

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện