Đến thăm chị Phương Thảo (Đống Đa, Hà Nội) khi vừa sinh con được gần 3 tuần, điều mọi người đều ấn tượng lại không phải em bé, mà với câu chuyện liên quan đến mẹ chồng.
Cháu bé tròn 3 tuần, gương mặt bụ bẫm nhưng mũi chảy ròng. Nhìn con, chị xót lòng kể chuyện: "Cháu lẽ ra sẽ khỏe mạnh hơn nếu được ra đời đúng ngày đủ tháng. Đằng này mẹ chồng tôi mê tín lắm, bà bắt phải sinh con trước tháng 7 âm lịch. Bà nghĩ rằng tháng 7 thì xui xẻo, cho cả gia đình, rồi thì cho chính đứa bé. Thế là bà bắt tôi phải đẻ mổ. Bà thuyết phục từng người trong gia đình, cuối cùng chính tôi cũng phải theo mà trong lòng không thoải mái tí nào. Nghĩ mà thương con. Một ngày trong bụng mẹ còn hơn vạn ngày ra đời. Nếu ra đời đủ ngày đủ tháng chắc hô hấp rồi hệ miễn dịch của cháu đã tốt hơn rồi".
Không riêng gì chị Thảo có mẹ chồng mê tín. Chị Hoài Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp phải thảm cảnh tương tự khi bị mẹ chồng cấm sắm sửa quần áo cho con sắp sinh dù chị chỉ còn một tháng nữa là sinh con. Mẹ chồng chị quan niệm: "Không mua bán gì trong tháng cô hồn, không xuất tiền cũng không vay tiền, nhất cử nhất động là phải tuân thủ, ai không làm theo sẽ bị bà chì chiết cho thậm chí bắt mang trả lại". Chị kể: "Nhiều lúc sắp đến ngày sinh con mà tôi như ngồi trên đống lửa, muốn mua sắm cho con mà cứ phải chờ qua tháng 7 âm. Chỉ sợ con đòi ra sớm rồi thì chẳng chuẩn bị được gì. Nhiều lúc mệt mỏi lắm với mẹ chồng mê tín.".
Cũng trong hoàn cảnh trớ trêu vì vướng "tháng cô hôn", Thảo Nhung (Lương Sơn, Hà Tĩnh) lại ngày đêm khóc ròng vì cái thai cứ lớn dần trong bụng mà mẹ chồng tương lai của cô nhất quyết bắt phải qua tháng 7 âm lịch mới được cưới. Vì sự "từ chối" này mà Nhung và người yêu "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" suốt. Gia đình Nhung không muốn quan khách nhìn thấy cái bụng lùm xùm của cô trong lớp váy cưới, vì thế muốn "càng nhanh càng tốt". "Cứ phải chờ hết tháng 7 âm mới được cưới, cô ấy bụng mang dạ chửa mà cứ thở vắn than dài, gia đình hai bên thì trục trặc, tôi cũng thấy mệt mỏi theo", chồng sắp cưới của Nhung tâm sự.
Những câu chuyện nêu trên là một phần nào thực tế mà rất nhiều chị em đang phải đối diện khi trong nhà có "mẹ chồng mê tín". Theo các chuyên gia, ý nghĩa về tháng cô hồn, về rằm tháng 7 âm đã bị bóp méo đi rất nhiều, vì sự hiểu sai mà mang nhiều mầu sắc mê tín. Về kiêng kị chuyện cưới hỏi, do thời tiết của tháng Bảy trước đây thường mưa nhiều, hoặc nóng bức, không thuận lợi cho việc cưới hỏi nên nhiều người kiêng kị. Chuyên gia khẳng định, quan niệm dân gian có khi đúng, có khi sai vì mọi quan niệm đều có thể lỗi thời. Ngay cả khí hậu và thời tiết cũng đã có nhiều biến đổi. Vì vậy, trong mọi quyết định, phải xét ở khía cạnh phù hợp với hoàn cảnh của mình chứ đừng nặng theo những quan niệm truyền miệng. Thực tế, cũng không có căn cứ nào cho thấy rằng, mua sắm vào tháng 7 thì xui xẻo. Và chợ búa, trung tâm thương mại vẫn được giao dịch trong những tháng này.
Ngoài ra, có rất nhiều thứ kiêng kỵ trong tháng Bảy mà người ta rỉ tai nhau như “kiêng quan hệ vợ chồng”, kiêng soi gương, kiêng chụp ảnh, kiêng may quần áo, kiêng mài dao kéo…trong tháng Bảy.
Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Dân gian quan niệm tháng Bảy là tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt. Tuy nhiên, Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này cũng như quan niệm về ngày tháng tốt, xấu. Nếu tâm tốt thì ngày nào cũng là ngày tốt. Kiêng kỵ là phản khoa học. Nếu kiêng, hãy kiêng làm việc xấu, ảnh hưởng tới mình và tới người khác, hãy làm việc tốt. Vì chỉ có làm những điều tốt, điều lành, tâm con người ta mới được an vui.”