Không biết từ bao giờ chị có thói quen ngồi bên cửa sổ. Chị ngồi tha thẩn nhìn con sông đầy lục bình trôi nhẹ phía xa xa.
Ngày nào cũng vậy, chị ngồi như thế lâu dần thành quen, làm cho người ta đôi khi không còn phân biệt được đâu là cảnh đâu là người.
Ngày xưa đi học, chị là một nữ sinh ưu tú. Không phải vì xinh đẹp hay học hành giỏi giang xuất chúng, cá nhân tôi thấy chị ưu tú vì chị luôn biết gây ấn tượng tốt với những người xung quanh. Chị ca múa giỏi, biên đạo cũng giỏi, chị đặc biệt viết kịch bản rất hay với thể loại ngược tâm thương cảm. Có lẽ chính bởi những trải nghiệm đau khổ của đời mình mà chị có thể xây dựng được nhiều cảm xúc cho nhân vật như vậy. Nhiều người không hiểu, cho rằng chị quá bảo thủ khi ép diễn viên phải theo đúng chi tiết trên khuôn mẫu mà chị đưa ra. Họ không hiểu rằng mỗi chi tiết, mỗi cử động nhỏ nhặt kia có giá trị như thế nào nếu ghép chung lại thành tác phẩm hoàn chỉnh. Rõ là cái nhìn riêng lẻ, phiến diện sẽ phá đi cái thần hồn của nghệ thuật sắp đặt. Chị yêu nghệ thuật từ bé, nhưng cuộc sống kham khổ của gia đình không cho phép người ta tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Chị học kinh tế như một khát khao, mưu cầu cuộc sống hạnh phúc tối thiểu.
Sau khi tốt nghiệp, chị nhanh chóng tìm được công việc tốt ở một doanh nghiệp có tiếng trên thương trường. Mọi việc suôn sẻ, chị thăng chức nhanh hơn mong muốn, tình yêu cũng đang vui vẻ mĩm cười với chị. Người phụ nữ thành đạt này có thể coi như tiêu biểu cho mẫu hình người phụ nữ hiện đại. Trong cuộc sống, chị hoàn toàn chủ động, chị có kế hoạch xây dựng hạnh phúc theo cách của riêng mình. Chị chọn được người đàn ông tốt để xác định làm chồng. Họ yêu thương và quan tâm chăm sóc tốt cho nhau.
Chị chọn được người đàn ông tốt để xác định làm chồng. Họ yêu thương và quan tâm chăm sóc tốt cho nhau. (ảnh minh họa)
Người ta thường nghĩ những ai gieo mầm hạnh phúc thì sẽ nhận lại được hạnh phúc. Tuy nhiên người ta không ngờ rằng vạn sự vô thường, đâu có quy luật nào đúng hết cho mọi người đâu. Họ dự định kết hôn, chị tự tin rời bỏ công việc yêu thích để tập trung cho đám cưới của mình. Họ đã sắp xếp rất chu toàn cho ngày hạnh phúc. Từ một người phụ nữ thành công ngoài xã hội chị bỗng chốc trở thành người phụ nữ của gia đình, chị đã đặt hết kỳ vọng của mình vào sự lựa chọn này. Thế nhưng, khi mọi việc xem chừng đã ổn rồi thì nhà trai xin hoãn đám cưới vì lý do khách quan, theo chị xác thực là “đáng được thông cảm”.
Một lần, hai lần, rồi ba lần…
Lý do nào cũng không còn quan trọng nữa. Kết quả mới là quan trọng.
Gia đình chị không thể thông cảm được nữa, chị cũng không thể chịu đựng thêm được nữa. Lỗi không phải do anh vô trách nhiệm, mà là những việc bất khả kháng xảy ra khiến cho anh phải chọn hướng giải quyết hạ sách như thế này. Rồi tình yêu của họ cũng nhạt dần theo năm tháng. Trách thì cũng trách rồi, mắng thì cũng mắng rồi. Giận hờn, cãi nhau cũng đã đủ lắm rồi. Hai người họ không còn lời lẽ cay đắng nào là chưa nói với nhau nữa. Họ đã là vợ chồng, chỉ là không danh không phận, không chung một nhà. Đám cưới có là điều gì đó quá xa xỉ đối với người phụ nữ như chị? Sau bao nhiêu năm nỗ lực vun đắp, hai người họ đúng ra được hưởng thành quả tốt hơn vậy mà. Thế mới nói, hôn nhân là trò chơi xổ số. Khổ hàng trăm ngàn cửa, sướng chỉ một cửa thôi. Ấy vậy mà làm người, có mấy ai không “bị” trải qua?
Giờ đây, bạn bè trang lứa đều có công ăn việc làm, gia đình ổn định, có con có cái đùm đề. Chị cũng thấy thèm thứ hạnh phúc gọi là gia đình lắm. Càng nghĩ chị càng hận, càng hận chị càng đay nghiến anh. Người đàn ông đó bất lực trước hoàn cảnh hiện tại, anh đã không còn cách nào khác hơn là phải làm lại từ đầu, điều này có nghĩa là anh bắt đầu sự nghiệp, bắt đầu tích lũy và bắt đầu có ý thức về việc chuẩn bị đám cưới. Tất cả bây giờ mới là bắt đầu liệu có quá muộn không? Với một người đàn ông mà nói thì thời gian không là vấn đề lớn, nhưng với chị thì khác.
Tuổi tác và áp lực gia đình cũng chưa đủ căng thẳng, cách hành xử của người đàn ông đó mới thật là có vấn đề. Chị cần ở anh, không phải là sự quan tâm, chăm sóc như đứa trẻ, mà là một bờ vai vững chắc, một người đàn ông vững chãi làm trụ cột gia đình, một người nhìn xa trông rộng hơn chị, để nửa đời còn lại chị có chốn nương thân. Tình yêu ở lứa tuổi này không còn mơ mộng hảo huyền nữa, mà là ý thức trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng nền tảng cho tổ ấm bé nhỏ của mình. Kể ra thì chị gặp được anh quả là may mắn, anh yêu chiều chị hết mực, hầu hết mọi việc lớn nhỏ đều nghe theo ý kiến của chị. Có lẽ cũng vì vậy mà họ trượt dài trên những sai lầm không đáng có.
Tuổi tác và áp lực gia đình cũng chưa đủ căng thẳng, cách hành xử của người đàn ông đó mới thật là có vấn đề. (ảnh minh họa)
Yêu nhau là cùng nhau chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu quan điểm của nhau chứ không phải miễn cưỡng chấp nhận lỗi lầm thì có thể coi như đã bỏ qua được. Và rõ ràng là họ không thể bỏ qua. Bằng chứng là mỗi lần cãi nhau họ đều đem lỗi lầm của nhau ra để nặng nhẹ, chì chiết nhau. Nhiều khi chị nghĩ không biết họ gắn kết được với nhau là vì tình yêu hay là vì họ nắm bắt được cái tẩy của nhau nữa?
Ngày đầu yêu nhau đâu ai để tâm nhiều đến những khiếm khuyết của nhau. Lỗi nhỏ nghĩ rằng có thể bỏ qua. Lâu ngày tích đọng, tự nhiên cảm thấy bản thân mình sao quá vĩ đại, không hiểu sao mình có thể chấp nhận yêu một người có quá nhiều điểm làm mình không hài lòng đến như vậy. Cái này gọi là ích kỷ. Lòng người ai cũng có ít nhiều ích kỷ, không nói ra thì thôi, đã nói thì lại cay nghiệt vô cùng. Có lẽ chính vì vậy mà giờ đây chị phải gánh chịu hậu quả của những sai lầm trong quá khứ của mình. Yêu là mù quáng. Đến khi vấp ngã thì lôi lòng ích kỷ ra để đong đo được – ít, cho – nhiều…Nói sáng mắt ra thì cũng không hẳn. Vì cơ bản đỗ vỡ rồi thì cách nhìn nhận vấn đề cũng đâu đã sáng suốt hơn.
Chị vẫn ngồi đó, nhìn dòng sông vô thần mỉm cười.
Nhiều cung bậc cảm xúc trôi qua trong chị, dòng sông mỗi ngày đều chảy như từng thước phim chiếu chậm. Chị một lần sâu chuỗi lại các vấn đề. Vui buồn, sướng khổ, kỳ vọng nhiều, đau đớn cũng nhiều. Khi nhìn lại một cách toàn diện, chị như hiểu ra chân lý, mọi hỉ nộ ái ố trong đời một con người đều có giá trị nghệ thuật của riêng nó. Những vở diễn của ngày xưa chợt ùa về, rồi cuối cùng tấm màn sân khấu cũng phải khép lại. Những đau khổ, bi ai của đời người cũng chỉ là một màn trong kịch bản của tạo hóa, chỉ là ta không được đọc trước cái kết của nó.
Có lẽ vở diễn của chị cũng nên kết thúc thôi. Khao khát yêu thương, mưu cầu hạnh phúc thì ai cũng như ai. Hà tất phải lụy. Đường còn dài, còn phải dưỡng sức để còn tự mình bước tiếp. Chị không còn cau có, tru tréo anh chồng hụt của mình nữa, không nuôi hi vọng tái hợp, càng không cho phép mình rơi nước mắt vì những chuyện không đâu nữa. Tất cả vằn vặt, đau khổ đến với chị như vậy không quá nhiều đối với một người phụ nữ đa cảm như chị. Đau khổ thì đã sao? Kêu than thì đã sao? Cay cú, đay nghiến nhau rồi đã sao? Người ta nói khóc có thể làm giảm bớt nỗi đau, gào thét lớn tiếng cũng có thể làm giảm đi phần nào tổn thương về tinh thần. Nhưng trong tình yêu thì dường như không chắc đúng. Nói mãi rồi cũng hết lời để nói, cảm xúc chai sạn rồi thì nước mắt cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Giờ đây, ngồi im lặng nhìn dòng sông trôi, chị thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
Có mấy ai níu giữ được dòng sông? Chỉ có, hoặc là cùng chảy, hoặc là cản trở dòng chảy…Chị không sống kiếp lục bình nữa, đã đến lúc tìm lại giá trị của chính mình. Một ngày kia, chị đứng lên, đi ra ngoài và nhìn trời không qua khung cửa sổ.